Người có thể là vật ư?
Nguyễn Văn Huy.
Nhân sáng nay đọc bài "dựng chân dung” báu vật” " với hình ảnh nghệ sĩ Hà Thị Cầu đang ngồi trên chiếu chơi đàn nhị trên Nhân Dân cuối tuần điện tử ngày 18.9 mà tôi thấy chạnh lòng. Sao một nghệ sĩ nhân dân nắm giữ di sản Ca Trù hay được tôn vinh là "nghệ sĩ hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ20" như bà Hà Thị Cầu lại bị /được coi là "vật", dù là báu vật hay báu vật nhân văn sống như vẫn quen gọi. Thực ra từ lâu tôi đã băn khoăn về khái niệm này và cảm thấy nó không ổn chút nào. Nhưng khi xem bức ảnh và tiêu đề bài báo trên tôi thực sự bị thôi thúc cần phải lên tiếng, nêu ra chuyện tưởng là nhỏ này để thảo luận. Theo tôi, cách gọi người là "vật" như vậy không đúng với tiếng Việt và làm mất đi sự trong sáng của tiếng nói của chúng ta.
"Báu vật nhân văn sống" là một khái niệm của UNESCO được dịch từ tiếng Anh là Living Human Treasure hoặc Living National Treasure khi thập niên cuối của thế kỷ 20 văn hoá phi vật thể bắt đầu được chú trọng, những người nắm giữ di sản này được tôn vinh. "Treasure" là danh từ, nghĩa là báu vật, vật quý, kho báu. "Human" là tính từ, chỉ "người", "con người". Vì "treasure" là danh từ nên khi dịch ra, nếu bám quá sát văn bản, sẽ nghiêng về tính vật thể của "báu vật". Theo tôi, cách dịch quá sát này có phần cổ võ cho xu hướng vật thể hóa di sản nhân văn, tức là biến những gì mang tính người, của con người, nhất là những cá nhân cụ thể riêng biệt, không thể thay thế được, thành vật chất, vật thể, nhấn mạnh đến khía cạnh vật thể của di sản thực ra vốn dĩ gắn chặt với con người bằng xương bằng thịt và những sáng tạo trí tuệ tâm hồn hết sức riêng của họ. Cách hiểu tổng thể cụm từ này, theo tôi, là để chỉ con người đang sống chứ không phải nhấn mạnh "vật". Vì vậy tôi đề xuất sử dụng khái niệm "Người đang giữ kho báu di sản" thay cho Báu vật nhân văn sống, nó dân giã hơn, gần với tiếng Việt hơn và nhất là nó tôn trọng con người hơn. Còn người Nhật, trong bối cảnh văn hóa của họ thì người ta gọi là “nhân tài quốc bảo”.
N.V.H
0 nhận xét:
Đăng nhận xét