Nguyễn Hoàng Quý
Hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, nơi có một không gian thiêng liêng, gắn liền với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, từng được ghi chép nhiều trong lịch sử nước nhà. Nơi đây có hồ Hoàn Kiếm huyền thoại, có đền Ngọc Sơn, có cầu Thê Húc, có tòa Bút Tháp, có Tháp Rùa xinh và còn có bức tượng vua Lê Thái Tổ uy nghiêm, tượng trưng cho tinh thần Đại Việt hào hùng. Nói đến bức tượng vua Lê, phải kể đến ngôi đình kề sau là đình Nam Hương, nơi có tấm bia ghi lại việc dựng tượng. Đình Nam Hương hiện ở số nhà 75 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đình xưa nằm trên đất khách sạn Phú Gia, quá trình đô thị hóa cuối thế kỷ XIX, đã chuyển đình đến vị trí như ngày nay. Đình Nam Hương quay hướng nam, phía trước là tượng vua Lê Thái Tổ trong khuôn viên nhà số 16 phố Lê Thái Tổ. Như vậy, đình Nam Hương và tượng vua Lê cùng nằm trong tổng thể di tích, với 2 mặt phố thông nhau. Trong công trình tuyển dịch văn bia Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi thấy có 1 tấm bia mang ký hiệu No.121, không đề tên, khổ 1,38x0,94cm; có 16 dòng chữ, xung quanh bia đều trang trí hoa lá, rồng chầu nguyệt, chim chóc... Riềm bia đề nơi đặt là đình Nam Hương, phố Hàng Trống Hà Nội. Trên thực tế hiện nay đình Nam Hương chỉ còn lưu giữ được một số tư liệu chữ Hán như: 19 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn sắc phong cho 5 vị Thượng đẳng thần: vua Lê Lợi, thần Long Đỗ, thần Cao Sơn, thần Linh Lang và công chúa Hà Duy; ngoài ra còn có một số hiện vật tế tự cổ như: 1 bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá rất đẹp và quí hiếm cõng trên đôi lân, 5 long ngai, 1 chóe sứ và nhiều đồ thờ tự khác. Trong các hiện vật trên, không thấy tấm bia đá ghi việc dựng tượng vua Lê; chính điều này đã gợi ý cho chúng tôi dịch và giới thiệu tấm bia không tên đó, góp thêm tư liệu nghiên cứu bộ mặt đô thị Hà Nội xưa, phong cảnh Hồ Gươm cuối thế kỷ XIX và năm dựng bức tượng vua Lê Thái Tổ.
Phiên âm:
Tự cổ anh kiệt chi chủ, thụ mệnh nhi hưng, tất hữu đại quá hồ nhân giả nhất thời. Linh tích sở tại, sử nhân khâm mộ chi, phất trí nhiên phi hữu biểu nhi xuất chi; tắc cảnh dị thời thù, tiệm tức nhân một, khảo cổ giả khái yên. Long Thành chi nam, hồ danh Hoàn Kiếm dĩ Lê Thái Tổ Hoàng đế nhi đắc danh dã.
Đế sơ khởi nghĩa binh, thiên giả thần kiếm, ký đắc thiên hạ nhi kiếm một vu thủy, hồ thị dĩ danh. Hồ thượng hữu từ, cái tích chi Ly cung dã. Ngưỡng đức di dân trở đậu nhi hương hỏa chi hữu niên hĩ ! Quốc triều đại định hậu đỉnh thiên vu Hóa, thử địa toại bất phục cựu. Quan triền tứ thố, tạp thảo mộc vu uất; hồ sơn chi tú, vi nhân yên địa khí, sở yểm kỉ ư vô dĩ biện thức, nhi từ diệc bất khả phục vấn hĩ ! Tự Đại Pháp quốc dĩ bảo hộ lai tư quí liệt đại thần vi chi, kinh hoạch chỉnh lý. Vu giả, san nhi bình chi; trách giả, tịch nhi quảng chi; ô giả, sái nhi tịnh chi. Lâu đài ư kỳ thượng, đăng hỏa ư kỳ bàng; nhi hoa mộc dĩ thụ kỳ tứ chu, hoàn hồ nhi quan, biệt vi nhất thắng địa hĩ ! Từ thủy vi sử thự quí đại thần bất dục một cố điển dã. Khải duy phù: Đế dĩ nhất đại anh từ, hách trạc thanh linh, kỳ lai viễn hĩ ! Đương hữu dĩ truyền chi vĩnh cửu, dĩ thị bất vong. Huống hồ chi cảnh trí dĩ bội vu tích nhi từ phất chi xứng, phi sở dĩ tráng quan chiêm, biểu danh thắng dã. Nãi liễu chuyên dĩ vi viên, thế thạch dĩ vi tháp, phạm kim dĩ vi tượng, tức kỳ địa nhi lưu chi dĩ tồn kỳ cựu. Hồ chi hữu hữu Đại Pháp quốc đại thần Bôn Be công tượng, công Đại Pháp quốc chi danh nhân dã. Duy đế, tắc ngã Đại Việt quốc chi chân nhân dã. Kỳ tượng đối trĩ diệc tư hồ chi sáng quan dã. Bi nhi chí chi. Tỷ phù hậu chi hiền giả, tả hữu dĩ vọng nhi tư kỳ sở dĩ nhiên. Thả nhân dĩ kiến quí bảo hộ quốc chi ư bản quốc mỹ lợi tương tư nhi tình lễ vô gian, hữu như thử.
Thành Thái lục niên Giáp Ngọ thập nhị nguyệt sóc.
Phụ chính đại thần Thái tử Thiếu bảo Võ Hiển Điện đại học sĩ Khâm sai Bắc Kỳ Kinh lược Đại sứ Diên Mậu tử Thái Xuyên Hoàng Cao Khải bái đề.
Dịch nghĩa:
Từ xưa, vị chúa tể anh minh nhận mệnh chấn hưng thiên hạ, tất phải là hơn hẳn người thường. Di tích linh thiêng nơi đây, một thời đã khiến ai ai cũng phải kính phục; chẳng phải tự nhiên di tích lại được đặt ở đây, mà lại chẳng có ý nghĩa sâu xa nào; cảnh trí kỳ thú rồi cũng dần dần mai một, khiến những người khảo tìm cổ tích chẳng khỏi đau lòng. Phía Nam thành Thăng Long có hồ gọi là hồ Hoàn Kiếm, nhờ Lê Thái Tổ Hoàng đế mà hồ được đặt tên như vậy. Khi xưa, lúc Hoàng đế mới dấy binh khởi nghĩa, trời giả ban cho kiếm thần, khi định yên thiên hạ thì kiếm tự lặn xuống hồ, vì thế hồ có tên gọi như vậy. Bên hồ có một ngôi đền, ngày xưa là ngôi ly cung nhà vua thường đến nghỉ chơi. Kính ngưỡng đức độ của người, dân chúng hương hỏa thờ cúng nhiều năm; nay Hoàng triều nhà Nguyễn định yên, kinh đô dời vào Thuận Hóa; nơi đây chẳng được như cũ, xung quanh bốn bề cây cỏ um tùm rậm rạp; cảnh xưa dấu cũ tươi đẹp là do địa linh nhân kiệt tạo nên, có từ bao giờ không ai biết rõ, mà ngôi đền thờ lại càng không thể khảo rõ được. Từ khi nước Đại Pháp lập chế độ bảo hộ đến nay, các vị Đại thần đã cho chấn chỉnh qui hoạch lại, khiến kẻ câu nệ thì thêm thắt phẩm bình; người hẹp hòi thì thổi phồng khuyếch đại; kẻ hủ lậu thì sửng sốt lặng im. Một tòa lâu đài ánh đèn thắp sáng hai bên, bốn phía quanh hồ đều trồng hoa cỏ xanh tươi, thật xứng là nơi thắng địa. Đầu tiên, quí quan Đại thần không muốn làm mất đi di tích ngôi đền, nên cho giữ lại như cũ để kính ngưỡng anh phong của vị chân chúa, tôn trọng điển cố quốc gia. Phải nên nhớ rằng : Nhà vua anh hùng một thời, tiếng tăm lừng lẫy, xứng đáng lưu truyễn mãi mãi. Huống hồ, cảnh vật được bồi đắp như xưa, mà ngôi đền lại không xứng với phong cảnh sao ? Chẳng thế mà phong cảnh nơi đây, được coi là một danh thắng vậy. Cho nên, tường quanh xây gạch, xếp đá thành tháp, khuôn vàng làm tượng; tất cả đều được bảo tồn như cũ. Bờ hồ bên phải có đặt tượng viên đại thần Pháp là Bôn Be, ông là một danh nhân của nước Pháp; nhưng Hoàng đế ta mới xứng là bậc minh quân của nước Đại Việt. Bức tượng đó đứng đối xứng bên hồ, cũng là cảnh quan tươi đẹp của hồ; vì thế, khắc bia ghi lại; để các hiền giả sau này, ngắm nhìn đôi bờ tả hữu mà nhớ lại sự việc trên. Nhân quan hệ tốt đẹp của quí quốc bảo hộ với bản quốc như vậy, chẳng phải bao giờ cũng có được.
Ngày 1 tháng 12 năm Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894).
Phụ chính đại thần Thái tử Thiếu bảo Võ Hiển Điện đại học sĩ Khâm sai Bắc Kỳ Kinh lược Đại sứ Diên Mậu tử Thái Xuyên Hoàng Cao Khải bái đề.
Tấm bia đặt ở đình Nam Hương, ghi lại việc dựng tượng vua Lê Thái Tổ vào năm 1894; cho người ta thấy diện mạo xung quanh Hồ Gươm cuối thế kỷ XIX, cỏ mọc um tùm rậm rạp, cảnh trí thật tiêu điều. Từ khi dựng bức tượng vua Lê, cảnh quan xung quanh thay đổi hẳn, cũng như được khởi sắc lên vậy. Đọc bài văn bia lên, chúng ta như thấy khí phách hào hùng của vị anh hùng dân tộc thế kỷ XV, có công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng Thăng Long và tên tuổi của ông gắn liền với sự tích "Trả gươm thần", làm nên một huyền thoại thiêng liêng, trở thành biểu tượng điển hình của Thăng Long - Hà Nội.
Tượng vua Lê được đúc bằng đồng, trong tư thế đứng, tay phải cầm kiếm hơi chúc xuống, tay trái chống vào hông. Đầu đội mũ bình thiên, bốn góc có treo kim tòng, mặc áo long bào, đeo đai lưng. Tượng cao khoảng 1,20m, đặt trên trụ đá tròn, có 3 cấp bệ xếp bằng đá; phía dưới cũng được lượn tròn theo thân trụ với đường kính to nhỏ khác nhau. Tượng dựng trên mặt bằng bao gồm: cổng, sân vườn, nhà phương đình và tượng đài dựng trên một cấp nền cao hơn 0,80 m. Phần tiếp giáp giữa sân vườn và kiến trúc chính có đặt 2 tượng sấu ở 2 bên bậc lên xuống. Ngoài cùng có cổng xây gạch dạng trụ biểu. Nhà phương đình bốn mái cong ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ. Toàn bộ các hạng mục trên nằm trong một khuôn viên riêng, hòa cùng khung cảnh của hồ Hoàn Kiếm nên thơ. Sự tích hồ "Trả gươm", gắn liền với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Lê Lợi. Hàng năm, vào ngày 22 tháng 8 âm lịch, người dân từ khắp nơi vẫn đến thắp hương, để tưởng nhớ công ơn của đức vua Lê Thái Tổ anh hùng./.
Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.612-616)
*Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Quý là cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã nghỉ hưu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét