Blogger Widgets

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

ÔNG HỮU THỈNH "THỔI KÈN" ÔNG TRẦN GIA THÁI

NHÀ THƠ HỮU THỈNH GIỚI THIỆU THƠ TRẦN GIA THÁI

Lời dẫn của nhà văn Phạm Viết Đào:

Chủ tịch Hữu Thỉnh thường ít khi tự tay viết giới thiệu về các bạn văn trừ khi mà họ đã trút hơi thở cuối cùng, sắp vào huyệt mộ…Lúc đó Hữu Thỉnh mới ra tay bằng những bài điếu văn rất có nghề, rất "mả", người nào ra người ý...; Trần Gia Thái là một trong những trường hợp hiếm hoi, hiện đang sống nhăn…thế nhưng lại được Hữu Thỉnh tự tay "đúc bia", "tạc tượng", thế mới tài…

Xin giới thiệu bài phê bình thơ Trần Gia Thái của nhà thơ Hữu Thỉnh; đọc bài phê bình này chắc Trần Đại Gia sướng rên; Người ít am hiểu về thơ, xem xong bài này thấy thơ Trần Gia Thái hay “kinh" cả người!



(Trần Gia Thái đang là đối tượng bị một số trí thức kiện, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc; Trần Gia Thái phải chịu trách nhiệm về bản tin phát trên Đài truyền hình Hà Nội; Đài truyền hình Hà Nội đã ghép ảnh một số trí thức vào bản tin chỉ trích một số phần tử phản động, gây rối tại Hà Nội trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 21/8 vừa qua…)

MỘT TẬP THƠ TƯƠI LÊN NIỀM HY VỌNG
Về tập thơ Lời nguyện cầu trước lửa của Trần Gia Thái
HỮU THỈNH

Tôi kiên trì thói quen đọc thơ để hiểu người. Bởi vì Thơ là nghệ thuật ít giấu mình được nhất. Mức độ thành công của một tập thơ tùy thuộc vào chỗ, tác giả đã tạc dấu ấn cá nhân của mình lên câu chữ bao nhiêu, đã chạm khắc tâm trạng, xúc cảm, hồn cốt lên trang giấy như thế nào. Để làm việc đó, có muôn nghìn cách, chỉ trừ sự giả. Cho nên, trong các châm ngôn về sự viết, tôi quý nhất lời dạy này: Chân thành là nghệ thuật cao nhất của Thơ.

Chiểu theo một quan niệm không có gì là tân kỳ như vậy, tôi đọc đi đọc lại tập thơ mới nhất này của Trần Gia Thái. Mỗi lần đọc khoảng cách khá xa, và cố chọn vào những thời điểm khác nhau, là cái cách để đo phản ứng của tác phẩm. Và tôi đã thấy anh, thấy một người thơ hiển hiện sau và trên tất cả những gì anh đã tâm sự cùng ta. Bởi tập thơ này cũng như những sang tác trước của anh đã được làm theo một nguyên tắc nhất quán:

Thật đáng sợ khi mọi thứ đều trơn tuột
Và trong ta xúc cảm chết trong mồ.
( Sợ )

Đây là một quan niệm nghiêm túc nhưng “nguy hiểm” đấy Trần Gia Thái ạ. Bởi nó đòi hỏi sự hết mình, đòi hỏi sự tận cùng, đòi hỏi vô tận sự tâm huyết. Trần Gia Thái là một người nồng nhiệt và tâm huyết. Khi yêu, anh cho ta thấy mọi cung bậc, màu sắc, hương vị, thậm chí ta có thể đo được độ nóng của trái tim anh. Nào trách móc, nào nhớ nhung, nào là say đắm, và cái được nhất của anh là tạo ra được một không gian, một từ trường của cảm xúc.

Gần đến thế mà sao không thể tới
Bến bờ ơi
Em ảo ảnh đến muôn nghìn.
( Ảnh ảnh )

Đây chưa hẳn đã là thất tình, càng chưa phải là tuyệt vọng. Ngẫm cho kỹ, đây là thước đo. Tôi không thấy mùi vị của sự chán nản, ngược lại, tôi nhận ra sự cao giá của người tình.
Ở trong thơ, nói và hiểu là hai việc khác nhau. Đó là nghệ thuật phô diễn. Trần Gia Thái cho ta thấy biết bao nhiêu cung bậc của tình cảm khi yêu, kể cả khi anh nói nhún, anh tự ti, anh bơ vơ, mộng du, đau khổ…thì đấy là một trường tình, tất cả hiện ra, nhưng không một lần ta thấy anh nhỏ bé. Kể cả khi anh thú nhận:

Cơn bão giữa lòng người
Cơn bão trong lòng đất
Bão quật anh tơi bời
Giữa đôi bờ còn ? mất ?
(Em đi)

Ôi chàng trai si tình! Anh có thể bước đi không vững trong cơn say nhưng tình yêu của anh thật cường tráng.

Trần Gia Thái có những bài thơ tình ấn tượng. Đọc lên, ta có thể ôm được sự nồng nhiệt. Từ góc khuất riêng tư ấy, anh mở ra với thế sự, với việc đời. Mảng thơ này của anh cho tôi hoàn thiện chân dung của tác giả. Mở ra với sự đời là sống với những áp lực, những dồn đuổi, là biết bao nhiêu cái ở ngoài tầm tay, đó là những vạn biến. Để sống với nó, cần có sự bất biến. Đó là sống thật. Trong bài “ Một lần đúng “ Trần Gia Thái muốn trở thành một người điên để “ có quyền sống thật “ và để “ không bị người đời thô bỉ, nhẩy xổ vào cuộc sống riêng “. Liệu anh có thể làm được như thế hay không, khoan hãy bàn. Cái cần bàn, cần quan tâm trước nhất, là một thái độ sống đúng đắn: Sống thật. Đó là một phẩm giá.

Một người đeo đuổi cái thật, tôn cái thật như một lẽ sống như thế, đã khiến ta cảm động với biết bao ứng xử trước việc đời. Trần Gia Thái nói về những người thân thành thật và cảm động bao nhiêu, thì anh càng nồng nhiệt và tâm huyết trước việc đời rộng lớn bấy nhiêu. Ở mảng thơ thế sự này, thơ anh biến hóa, sinh động, tươi tốt hẳn lên. Có lúc rất mộc:

Ổ rơm chân đất manh chiếu rách
Một mùa được mấy bữa no nê
( Sao mà nhớ )

Có lúc xót xa cay đắng:

Năm mươi ba tuổi ta bầm dập thương tích
Đòn vu hồi từ những kẻ vẫn xưng là bạn là anh
(Tuổi 53)

Có lúc vô cùng thương cảm khi viết về người cha đã khuất:

Cứ tưởng người đi dạo lúa dạo đồng
Người đi chở cát với vôi nồng
Người đi đội đá xây mương nổi
Đong bát mồ hôi đổi cháo không

Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi
Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi
Mồ hôi thì mặn nước mắt chát
Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi
(Nhớ Cha)

Và nhiều nữa. Tất cả tất cả, từng nấc từng nấc trong một cuộc hành trình thơ, một hành trình đời, và những va quệt nhân tình không nhân nhượng và nhẹ tay, đã để lại dấu ấn mặn mòi trên những trang thơ của Trần Gia Thái. Tôi không chú ý lắm về việc tác giả đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật gì, tôi chỉ quan tâm tới hiệu quả, Trần Gia Thái đã làm ta cảm động nhận ra Anh.

Một tập thơ tươi lên nhiều hy vọng.
Hà Nội, ngày 22/2/2011
H.T
(Nguồn: Tạp chí Nhà văn số tháng 9/2011)
Nguồn: Phạm Viết Đào -Blog.

Nguyễn Xuân Diện: 

Phải chăng đây là hồi kèn mà ông Hữu Thỉnh - người quy kết trí thức "da báo" trong bài viết của GS Ngô Đức Thọ, ở đây này  - thổi lên để tiễn biệt thi sĩ Trần Gia Thái?

Còn điếu văn ông Hữu Thỉnh, chắc cũng đã có bản nháp đang lưu ở đâu đó rồi....


0 nhận xét:

Đăng nhận xét