Blogger Widgets

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

BÙI CÔNG TỰ: NHÀN TẢN NÓI CHUYỆN NHẬT BẢN


Nhàn tản nói chuyện Nhật Bản
Bùi Công Tự

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao chính phủ ta đang có chuyến đông du thăm Nhật Bản từ ngày 30/10 đến 03/11/2011 theo lời mời của tân thủ tướng Yoshichiko Noda.

TTXVN cho biét công việc của thủ tướng tại Nhật Bản thật sự là bù đầu vì phải cùng các nhà lãnh đạo nước bạn bàn thảo nhiều biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác tren tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, đầu tư, thương mại, ODA, du lịch, lao động, văn hóa…, thúc đẩy và đạt được cam kết cụ thể trong việc triển khai các nội dung và dự án hợp tác kinh tế mang tầm chiến lược. Khối lượng công việc khổng lồ như vậy mà thời gian chỉ có bốn ngày kể cả thời gian đi về và các thủ tục lễ tân. Đúng là làm quan to cũng khổ thật!

Trong khi thủ tướng vất vả và năng động như thế thì một người đàn ông như tôi chỉ nhiều hơn ông thủ tướng có dăm tuổi mà đã chơi dài cả chục năm nay, tự thấy uổng công đào tạo của Đảng và nhà nước. Chợt nghĩ được câu “nhàn tản nói chuyện Nhật Bản” liền viết bài này góp vui cho chuyến đông du của thủ tướng.

Bọn trẻ bây giờ lười học sử chắc nhiều đứa không biết phong trào “Đông du”? “Đông du” là phong trào do nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu khởi xướng những năm đầu thế kỉ XX. Phong trào này bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ nước Nhật, một quốc gia cũng từng “nghèo nàn lạc hậu” như nước ta, nhờ canh tân mà lúc đó đã trở thành cường quốc. Ngày ấy cụ Phan cùng các đồng chí của mình đã đưa được ông hoàng Cường Để và một số thanh niên Việt Nam có chí hướng (phần đông quê Nghệ An) sang Nhật học tập. Cụ cũng hy vọng với tình đồng chủng “máu đỏ da vàng” người Nhật sẽ giúp Việt Nam giành lại quyền độc lập từ tay người Pháp xâm lược. Cuộc vận động “Đông du” tuy không đạt mục tiêu nhưng cũng in một dấu ấn lịch sử. Nó còn cho thấy người Việt chúng ta đã từng hướng về Nhật Bản, coi Nhật Bản là một tấm gương, một ước mơ.

Được biết trong thời gian ở Nhật, Phan Bội Châu đã có những cuộc tiếp xúc với các giới chức và nhà cầm quyền Nhật Bản. Cho nên có thể coi cụ Phan là người khởi đầu cho mối bang giao giữa hai nước trong thời lịch sử hiện đại.

Nhưng thật ra người Nhật đã đến với người Việt từ trước. Từ thế kỉ XV các tàu buôn Nhật Bản đã cập bến cửa khẩu Vân Đồn (Hải Phòng) và Hội An (Quảng Nam). Sang thế kỉ XVII các thương lái Nhật và Hoa đã cùng người Việt phát triển đô thị Hội An thành một thương cảng lớn, làm nơi trung chuyển cho thương mại Nhật Bản tiếp cận thị trường các nước Đông Nam Á. Những thế kỉ sau (XVIII, XIX) Nhật Hoàng thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” nên mối bang giao Nhật – Việt bị gián đoạn.

Tuy thế ở Việt Nam vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện về người Nhật, những chuyện thường là “phi thường, rùng rợn”, như chuyện các võ sĩ đạo có thể tự mổ bụng moi gan mình. Hồi thế chiến thứ hai thì tôi nghe kể quân Nhật chỉ có vài mống đi trên một chiếc xe cam nhông vào thị xã Thái Bình nổ “pằng pằng” vài loạt đạn, thế mà quân Pháp phải đầu hàng, giao nộp vũ khí. Lại có chuyện người Nhật mua cám nuôi ngựa. Dân ta có người đem mùn cưa trộn vào cám bán cho họ. Ngựa ăn mùn cưa không tiêu hóa được bị chết. Quân Nhật bắt người bán cám nhét vào bụng con ngựa đó đem chôn sống. Hồi những năm 60 thế kỉ trước thì có ông Lương Đình Của sang thăm Nhật cứ để cả giầy da lội xuống ruộng bùn, khi về khách sạn vét đất bùn ở đế giầy gói ghém bí mật đem về Hà Nội phân tích xem đất của họ có những chất gì mà năng suất lúa cao thế? Mãi sau này xem phim Oshin mới biết dân Nhật cực khổ chừng nào, nghị lực vươn lên thế nào? Xem Doremon mới biết người Nhật hài hước, hồn nhiên đáng yêu làm sao!

Trở lại chuyện thời sự. Có tài liệu nói rằng sau Cách Mạng Tháng Tám một số sĩ quan Nhật đã giúp chúng ta huấn luyện quân sự. Có viên tướng Nhật đã tiếp kiến Cụ Hồ tư vấn nhiều vấn đề quân sự, kinh tế. Viên tướng này khuyên: “Các ngài đã có chính quyền thì có thể in tiền để dùng”. Những hoạt động của quân đội Nhật trong thời gian chiếm đóng Việt Nam (1940 – 1945) hình như chưa được nghiên cứu nhiều? Trong kháng chiến chống Mỹ, do đối lập về ý thức hệ nên chính phủ Nhật đứng về phe Mỹ nhưng nhân dân Nhật có phong trào mạnh mẽ phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Nhật Bản lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1973. Tuy thế quan hệ hữu nghị chỉ thực sự phát triển từ năm 1992 với việc Nhật Bản cấp viện trợ cho Việt Nam. Những năm gần đây mối quan hệ giữa hai nước không ngừng nâng cao và hiện nay đã nâng lên tầm quan hệ chiến lược. Nhật là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, Việt Nam xuất siêu vào Nhật. (kim ngạch thương mại Việt – Nhật năm 2010 là 16 tỷ USD) .

Trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Nhật thì theo tôi Việt Nam được lợi nhiều hơn vì ta thiếu vốn, thiếu công nghệ, cần mời gọi đầu tư. Tuy vậy đối với bạn, Việt Nam cũng rất quan trọng trong chiến lược vì hòa bình và ổn định ở châu Á mà Nhật Bản là cường quốc có trách nhiệm quốc tế lớn.

Nhật Bản luôn nắm bắt mọi cơ hội để tăng cường hợp tác với Việt Nam. Trong quan hệ với Nhật Bản tôi thấy yên tâm vì nhiều chữ “không” ! Đó là Nhật Bản không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam: không lừa gạt Việt Nam về chính trị: không chèn ép, lợi dụng Việt Nam về kinh tế: không đe dọa Việt Nam bằng vũ lực: không tận thu tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam: không chủ trương di dân vào Việt Nam: không phá hoại Việt Nam bằng tiền giả, hàng hóa độc hại và dao kiếm mã tấu.v.v,..và.v.v…. Cho nên chúng ta có thể tin cậy ở Nhật Bản. Đồng thời cũng phải làm cho bạn tin cậy chúng ta, không phải chỉ bằng những cam kết mà quan trọng hơn bằng nhân cách con người, nhất là nhân cách người lãnh đạo.

Nhân tiện đây tôi nhắc lại vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ. Năm 2008 Nhật phát hiện công ty CPI của Nhật hối lộ quan chức Việt Nam trong dự án đại lộ Đông – Tây. Người của công ty CPI đã khai báo, nhận tội. Nhật Bản yêu cầu ta điều tra, truy tố người nhận hối lộ. Phía Việt Nam phản ứng thiếu tích cực. Một lãnh đạo chủ chốt của TPHCM bao che: “Chúng ta sử dụng cán bộ thì phải tin cán bộ”(!). Nhật Bản liền tuyên bố tạm dừng cung cấp ODA. Bạn nói và bạn đã làm thật, buộc Việt Nam phải xử Huỳnh Ngọc Sỹ (mặc dù chỉ xác định số tiền hối lộ là 800 ngàn USD chứ không phải 2,6 triệu USD như phía Nhật nói).

Câu chuyện này cho chúng ta thấy chính quyền Nhật Bản chống tham nhũng triệt để đến mức nào. Sự việc xảy ra ở TPHCM cách xa Tokyo 4000 km mà người ta vẫn phát hiện ra. Số tiền hối lộ cũng không lớn lắm lại liên quan đến nước ngoài mà họ vẫn kiên quyết xử lí.

Giá nhân chuyến thăm này, ông Dũng xin ông Noda vài bài chống tham nhũng đem về nước thực hành?
                                           
TPHCM ngày 31 tháng 10 năm 2011

0 nhận xét:

Đăng nhận xét