Luật cần không có, lại thò ra luật nhà thơ
Đại biểu không thể hiểu nổi tại sao lại đưa Luật Nhà thơ vào dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của QH khóa XIII!
Ngày 2-11, thảo luận tổ về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (QH) nhiệm kỳ khóa XIII, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng chương trình này còn nhiều vấn đề bất hợp lý cần phải điều chỉnh. Chẳng hạn, dự thảo chương trình đưa vào những dự án luật chưa cần thiết (như Luật Nhà thơ, Luật Thư viện) nhưng lại thiếu vắng những luật để điều chỉnh những vấn đề cấp bách hiện nay. Những dự án luật liên quan đến những quyền cơ bản của công dân lại bị bỏ ra ngoài.
Hành xử theo luật rừng giữa một rừng luật
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), cử tri kiến nghị rằng mấy năm gần đây Nhà nước ban hành một rừng pháp luật nhưng rất nhiều cá nhân, tổ chức lại hành xử theo luật rừng. Thậm chí, một số người còn khinh nhờn, ngang nhiên không thực hiện những quy định đã đặt ra do pháp luật không chặt chẽ, không phù hợp với thực tế. Nguyên nhân là do luật thì nhiều nhưng chất lượng xây dựng lại quá thấp. Trưởng ban soạn thảo các dự án luật đa phần là người đứng đầu các bộ ngành nên không đủ thời gian để nghiên cứu, các chuyên viên giúp việc thì thiếu chuyên môn và kinh nghiệm.
ĐB Nguyễn Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng hiện nay còn có tình trạng tách nhỏ các lĩnh vực ra để xây dựng các dự án luật. “Luật Khiếu nại thông qua trong kỳ này đã có một chương quy định về việc tiếp công dân nhưng trong chương trình khóa XIII lại đề nghị xây dựng Luật Tiếp công dân. Điều này khiến việc thực hiện pháp luật sau này sẽ rất chồng chéo và không hiệu quả” - ông Hà nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 2-11. Ảnh: THANH LƯU
Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (TP.HCM), ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) và một số ĐB khác đều cho rằng một số dự án luật hiện nay có chất lượng rất thấp, chỉ ban hành 1-2 năm, thậm chí vừa có hiệu lực đã phải sửa. Cạnh đó, các ĐBQH được tiếp cận các tài liệu quá sát nên không thể nghiên cứu kịp. “Hai tuần vừa qua chúng tôi nhận được khoảng 20 kg tài liệu. Với thời gian và số lượng tài liệu như thế này thì làm sao các ĐB đóng góp ý kiến một cách hiệu quả được. Theo tôi, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định nên cung cấp thông tin công khai về các tài liệu liên quan đến dự án luật để các ĐB có thể tham gia góp ý ngay từ đầu” - ông Chung kiến nghị.
“Đưa Luật Nhà thơ vào làm gì?”
“Tôi không hiểu dự án Luật Nhà thơ nó chế định cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng nhẽ lại bắt ông kia phải làm thơ, ông này không được làm. Trong khi những cái rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước, đã được đề nghị đưa vào từ khóa trước đến nay nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn nợ cử tri” - ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bức xúc.
Đồng tình, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nói thời buổi này chẳng có mấy người vào thư viện thì xây dựng Luật Thư viện liệu có cần thiết? Trong khi đó, những luật liên quan đến quyền cơ bản của công dân, phát huy quyền làm chủ của người dân như Luật Trưng cầu dân ý lại chưa được xem xét. “Đề nghị đưa Luật Trưng cầu dân ý vào chương trình chính thức và đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng thời nên xây dựng dự án Luật Đạo đức cán bộ, công chức vì đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay” - bà Dung kiến nghị.
Bổ sung, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nói tại nhiệm kỳ trước, nhiều dự án luật đưa vào rồi đưa ra đều dễ dàng như nhau. Nguyên nhân do khâu chuẩn bị quá dễ dãi. “Đưa vào cũng không phân tích rõ, tới lúc thấy khó một chút thì xin rút, trong đó có nhiều dự án luật rất quan trọng như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai sửa đổi… Rồi Luật Xuất bản, QH khóa XI đã sửa, khóa XII cũng sửa rồi đến khóa XIII làm lại thì tôi cũng không hiểu nổi” - ông Thảo băn khoăn.
Luật Biển vẫn chờ Về Luật Biển, suốt từ năm 1994 tới giờ, lúc thì nói cho ý kiến tại một kỳ, lúc thì nói cho ý kiến tại hai kỳ, rốt cuộc đến bây giờ vẫn chưa thông qua được. Cạnh đó, UBTVQH cần báo cáo rõ các đạo luật đã được QH khóa XII thông qua và có hiệu lực thì bao nhiêu luật có đầy đủ các văn bản hướng dẫn. Thực tế có những luật sau năm năm vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. ĐB NGUYỄN SƠN HÀ (Hà Nội) QH nên lập cơ quan xây dựng luật độc lập Nếu lật lại tờ trình của khóa XII thì thấy các giải pháp cũng không khác mấy so với khóa này. UBTVQH cũng như QH cần có sự đổi mới trong việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. QH cần quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của cơ quan thẩm định dự án luật. UBTVQH cũng nên tính đến giải pháp lập một cơ quan xây dựng luật độc lập của QH. Điều này để tránh việc mang lợi ích nhóm (của các bộ, ngành) trong việc xây dựng các đạo luật. ĐB NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ(Hà Nội) Soạn luật cũng mắc bệnh thành tích Việc xây dựng pháp luật gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều người cứ giữ khư khư cái cũ, cản trở cái mới. Bệnh thành tích trong việc xây dựng pháp luật còn rất phổ biến. Khi có một luật mới lại kéo theo một bộ máy ra đời như khi có Luật Nuôi con nuôi thì thành lập thêm Vụ Nuôi con nuôi, có Luật Giám định tư pháp thì thành lập thêm Trung tâm Giám định tư pháp Quốc gia… Nếu chúng ta không thay đổi mạnh mẽ thì không thể khắc phục được những vấn đề này. ĐB ĐỖ VĂN ĐƯƠNG (TP.HCM) |
THANH LƯU - ĐỨC MINH
Nguồn: Pháp Luật Tp HCM
Nguyễn Xuân Diện:
Ối giời đất ơi! Lúc đầu tôi cứ tưởng bọn blogger rác rưởi vô công rồi nghề nó giễu các đại biểu Quốc hội cho vui thôi! Làm gì có Luật Nhà thơ?!! Ai ngờ nó là thật!
Chúng tôi không thể hiểu nổi được điều này, thưa Ngài Chủ tịch QH. Vì vậy, xin Ngài khẩn cấp lên danh sách để đưa một số đại biểu đi khám kiểm tra sức khỏe tâm thần ngay, nếu cần thì cho nội trú để điều trị.
Đọc thêm:
Quốc hội bàn Luật Nhà thơ
Đọc báo, thấy lần này Quốc hội bàn về Luật Nhà thơ. Nếu luật này thông qua, chắc chắn nhà thơ sẽ bị bó chặt thơ trong mồm, khó để xuất khẩu thành thơ, và dân gian cũng khó mà làm thơ trào phúng, thơ kiểu bút tre.
Nếu luật đưa ra các quy định về niêm vần, bằng trắc cho các thể thơ tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát, thơ tự do, quy định số câu trong một bài thơ…thì chắc chắn chẳng ai nghe điều luật tệ hại này. Bởi đây là điều mà thơ cà và nhà thơ ai cũng hiểu, và hiểu hơn các nhà làm luật bởi đó là nghệ thuật ngôn từ, nhà thơ thông thái hơn những vị vẽ luật này.
Nếu luật đưa ra các định chế về việc thơ là phải chính xác, không suy diễn, không ẩn dụ, phải theo luật thì đó không thể là thơ được.
Nếu luật quy định thời gian sáng tác một bài thơ, một trường ca thì triệt tiêu cảm hứng.
Nếu luật quy định các nhà thơ của chúng ta phải sáng tác trong các điều luật của Luật Nhà thơ, chắc chắn đất nước Việt Nam e không còn ai dám làm thơ, hay nói đúng hơn là nhà thơ mất hết.
Không biết các nhà làm luật lấy cơm từ thuế dân có hiểu về địa hạt thơ ca hay không mà dám đưa ra một bộ Luật nhà thơ để bàn trước quốc dân?
Từ lúc có con người, thơ ca cũng xuất hiện một cách tự nhiên và thăng hoa cho đến hôm nay và con người sở hữu những kiệt tác vĩ đại được truyền nối qua nhiều thế hệ bằng nhiều cách.
Không triều đại nào của thời phong kiến dại dột soạn luật cho nhà thơ làm thơ, cũng không nhà vua nào dám luật hoá các nghệ thuật ẩn dụ, chơi chữ trong thơ ca cả.
Không biết Luật nhà thơ làm được gì cho quốc kế dân sinh mà đưa vào bàn trong khi các luật Trưng cầu dân ý, Luật biển, Luật quản lý vốn kinh doanh nhà nước thì chưa thấy đã động.
Ôi thôi, một đời lọ thơ
Cu Làng Cát
Thật là :
Trời sinh vua để làm vua
Và thi sĩ để làm thơ ru đời
Một ông vua trái luật trời
Việc vua thì nhác, lại đòi… làm thơ.
Và thi sĩ để làm thơ ru đời
Một ông vua trái luật trời
Việc vua thì nhác, lại đòi… làm thơ.
(Trên đây là đoạn mở đầu của bài thơ Nhà vua và nhà thơ của Tú Mỡ, in trên báo Ngày nay ở Hà Nội năm 1939).
Đọc thêm nữa, chùm đàm tiếu của giang hồ, do Ba Sàm điểm:
Luật chập cheng (Quê choa). “Ngồi nghĩ mãi không ra tại sao lại có cái luật dở hơi này. Hay bởi vì dạo này thơ chống Tàu, thơ Hoàng Sa, thơ Biên giới, thơ biểu tình, thơ “đạp mặt”… nổi lên nhiều quá, chính quyền phải bày ra cái luật này để đối phó?”. – Đỗ Trung Quân: Tranh thủ trước khi có Luật nhà thơ (Quê choa). – Hãy nghe nhà thơ, nhà báo, blogger, ĐBQH nói về Luật Nhà thơ (Hãy dành thời gian). – Bùi Văn Bồng: Ô HÔ CÁI LUẬT NHÀ THƠ (Lê Thiếu Nhơn). – Thơ: cái họa của người Việt (Trương Duy Nhất). – Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói về “luật nhà thơ”. – LUẬT NHÀ THƠ — (Faxuca). – CẦN KHÁM BỆNH KHẨN CẤP CHO MỘT SỐ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI — (Nguyễn Xuân Diện).
Đọc thêm nữa, chùm đàm tiếu của giang hồ, do Ba Sàm điểm:
Luật chập cheng (Quê choa). “Ngồi nghĩ mãi không ra tại sao lại có cái luật dở hơi này. Hay bởi vì dạo này thơ chống Tàu, thơ Hoàng Sa, thơ Biên giới, thơ biểu tình, thơ “đạp mặt”… nổi lên nhiều quá, chính quyền phải bày ra cái luật này để đối phó?”. – Đỗ Trung Quân: Tranh thủ trước khi có Luật nhà thơ (Quê choa). – Hãy nghe nhà thơ, nhà báo, blogger, ĐBQH nói về Luật Nhà thơ (Hãy dành thời gian). – Bùi Văn Bồng: Ô HÔ CÁI LUẬT NHÀ THƠ (Lê Thiếu Nhơn). – Thơ: cái họa của người Việt (Trương Duy Nhất). – Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói về “luật nhà thơ”. – LUẬT NHÀ THƠ — (Faxuca). – CẦN KHÁM BỆNH KHẨN CẤP CHO MỘT SỐ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI — (Nguyễn Xuân Diện).
Nguyễn Xuân Diện tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét