Lình xình Giải thưởng Hồ Xuân Hương (Nghệ An):
Muốn giải trong sạch thì nên hủy kết quả để làm lại
Hoàng Trị
Đọc bài “Giải thưởng Hồ Xuân Hương - Không ổn ngay từ khung khổ pháp lý” của tác giả Phạm Xuân Cần trên báo Lao Động Nghệ An số 728 ra ngày 3/11/2011, tôi rất đồng tình với quan điểm và những lý lẽ mà tác giả đã đưa ra. Đó thực sự là một bài viết rất đúng, có tầm, phân tích mổ xẻ được nguyên nhân vì sao giải thưởng Hồ Xuân Hương lần này có nhiều sai sót và nảy sinh khiếu kiện.
Quả thật thể lệ giải thưởng Hồ Xuân Hương hết sức sơ sài, khung khổ cho giải thưởng thiếu chặt chẽ và không hợp lý, thậm chí có sai sót về thẩm quyền và quy trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho thấy nó được tư vấn rất tồi. Họ không hiểu luật hoặc cố tình không hiểu, quan liêu nên mới dẫn đến sai sót như vậy. Việc tổ chức thực hiện có dấu hiệu thiếu nghiêm túc giống như tình trạng “sinh con rồi mới sinh cha, “con không giống cha”.
Xin phản ánh thêm một số sai sót của giải thưởng Hồ Xuân Hương giai đoạn 2005-2010. Trước hết là về tổ chức giải, việc lập danh sách thành viên sơ khảo và hội đồng chung khảo không làm theo quy trình dân chủ. Điều vô lý thứ 2 đó là ban sơ khảo và hội đồng chung khảo đều có tác phẩm dự giải và đều đạt giải cao. Đây là điều rất lạ và cũng nảy sinh tình trạng “chấm cho mình và chấm cho nhau”, còn đâu là công bằng, công tâm nữa? Điều nguy hại nữa là Ban sơ khảo và hội đồng chung khảo khi chấm không có tiêu chí chuẩn xác, không có ba rem thì căn cứ vào cái gì để chấm? Do thể lệ không quy định tỷ lệ thành phần hội đồng, vì vậy mới có chuyện Hội đồng chung khảo gồm 13/14 thành viên “người ngoại đạo” nhưng chấm họa, các ban khác cũng tương tự như vậy nên nhiều tác giả có tác phẩm tham dự giải bất bình với kết quả của Hội đồng.
Xin nói thêm về tổ thanh tra của Sở VHTT&DL. Một số người vừa là thành viên thuộc các ban giải thưởng Hồ Xuân Hương, vừa có tác phẩm dự giải và đạt giải cao, trong lúc đang có nhiều khiếu nại tố cáo mà lại là thành viên của tổ thanh tra là không đúng luật. Từ đó cách thức giải quyết khiếu nại tố cáo và kết luận thanh tra thiếu khách quan…
Cũng như tác giả Phạm Xuân Cần, tôi cảm thấy muốn giải thưởng Hồ Xuân Hương trong sạch thì nên hủy kết quả, làm lại từ đầu. Đây là nghệ thuật gắn với khoa học nên phải làm việc theo tính khoa học, pháp lý. Một khi khung khổ pháp lý không đảm bảo, quy chế đã không đúng thì dù cho phúc khảo hay chấm lại cũng không có tính thuyết phục. Bởi vậy nhất thiết phải thiết lập lại quy trình, văn bản theo đúng pháp lý để giải thưởng đảm bảo tính khách quan, công bằng. Có người lo ngại rằng hủy kết quả, làm lại từ đầu thì sẽ tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc, ảnh hưởng đến những người đã được nhận giải thưởng các lần trước… Tôi nghĩ đó là những người chưa hiểu rõ về những sai sót, bất cập của giải thưởng Hồ Xuân Hương lần này, họ không nằm trong cuộc nên mới suy nghĩ như vậy. Có người lại lo ngại rằng nếu hủy kết quả làm lại từ đầu thì tỉnh sẽ mang tiếng.
Thực tế thì dù chưa hủy kết quả nhưng nhiều văn nghệ sĩ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước cũng đã biết về sự “lình xình” của giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV của tỉnh ta, cứ cố trao giải thưởng trong tình hình này có khi còn mang tiếng hơn. Vì vậy nên hủy kết quả, làm lại từ đầu, đồng thời các cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có vi phạm để làm gương cho các giải sau.
Nguồn: Thắng Xòe -Blog.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét