Kính thưa các bác,
Nhân đọc bài “Chủ tịch thành phố Hà Nội muốn nghe dân phản biện” trên Blog của TS Nguyễn Xuân Diện, tôi xin có mấy ý kiến đóng góp.
Có thể ý kiến của tôi hơi gay gắt, nhưng nhìn từ góc độ một Kiến trúc sư tôi đặc biệt phản đối cái gọi là “Luật Thủ đô”.
Ông Nguyễn Thế Thảo, người xuất thân vốn là một Kiến trúc sư (tôi có quen nhiều người biết rõ quá trình học tập của ông), sau đó ông rẽ ngang sang con đường hoạt động chính trị. Thú thực là từ khi nghe tin ông Thảo từ Bắc Ninh được điều về làm chủ tịch Thành phố Hà Nội thì chúng tôi nửa hy vọng lẫn nửa nghi ngờ.
Hy vọng vì dù sao ông cũng xuất thân là một KTS, biết đâu vì “máu nghề nghiệp” nổi lên mà ông có những chiến lược xây dựng Thủ đô sao cho đàng hoàng, to đẹp hơn. Đặc bịêt giới KTS chúng tôi rất hy vọng ông xoá bỏ được tình trạng quy hoạch treo và một sự rất tệ hại trong quản lý quy hoạch đó là việc “điều chỉnh quy hoạch cục bộ”.
Có thể diễn tả một cách nôm na cho những người ngoài ngành hiểu là, một khu đất đã có quy hoạch chung là trường học chẳng hạn, với tất cả những lý lẽ về “sự cần thiết của nó”. Sau đó có một doanh nghiệp nào đó muốn được giao khu đất đó để xây dựng văn phòng hay khách sạn…v.v họ sẽ chạy dự án và xin “điều chỉnh quy hoạch cục bộ” khu đất đó và chuyển đổi mục đích sử dụng từ xây trường học sang dự án mà họ định triển khai. Chả phải nói thì ai cũng hiểu việc chuyển đổi đó cũng rất “thuyết phục” và đầy đủ lý lẽ về sự cần thiết của nó mà chả cần đếm xỉa gì đến cái “sự cần thiết” phải xây trường học trước kia. Tất nhiên là với điều kiện…………
Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã phát biểu minh chứng cho sự thất bại của quy hoạch trong 10 năm qua. Các bác có thể tham khảo thêm trên các báo “chính thống”.
Còn nghi ngờ? Là vì như trên đã nói, có nhiều người biết rõ quá trình học tập và hành nghề của ông Nguyễn Thế Thảo cho đến khi làm lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Do vậy sự tin tưởng đối với năng lực nghề nghiệp của ông là không cao. Chưa kể tới ông là một nhà quản lý, chính trị gia ở VN nên sẽ bị rất nhiều nhóm lợi ích chi phối. Việc “nhóm lợi ích” chi phối ông thế nào rất nhiều người biết nhưng vì không có bằng chứng vật chất nên không dám trình bày ở đây.
“Ở Việt Nam có một rừng luật …” là phát biểu của cố Luật sư, Đại biểu Quốc hội Ngô Bá Thành - một luật sư nổi tiếng trong và ngoài nước. Có thể khẳng định VN chúng ta không thiếu luật, và việc “Luật Thủ đô” bị khoá họp Quốc hội trước bác bỏ là hoàn toàn đúng đắn vì tính mơ hồ của nó.
Một trong những “xương sống” của Luật thủ đô mà thành phố Hà Nội trình lên Quốc hội phê duyệt, đó là lấy lý do Hà Nội là một thành phố “đặc thù” do đó cũng cần phải có một cơ chế “đặc thù” để quản lý nó.
Vậy, có thủ đô nào trên thế giới mà lại không có sự “đặc thù” riêng của nó?
Khoan hẵng bàn chuyện liệu các Thủ đô trên thế giới có bộ luật riêng hay không, việc đó sẽ có một bài riêng phân tích. Vả lại tham khảo học tập là cần thiết nhưng chúng ta không cần cái tư duy là, thế giới có cái gì thì mình cũng có cái đó.
Trở lại vấn đề đặc thù đã nói ở trên, chính vì sự mơ hồ trong “đặc thù” mà bộ luật đã bị Quốc hội bác bỏ trong kỳ họp trước. Hà Nội đã không chỉ ra được nó có đặc thù ở điểm nào? Nó khác gì các đô thị khác? Tiêu chí vì Hà Nội xanh, sạch, đẹp, vì hoà bình….v.v thì bất kỳ thành phố nào trên thế giới đều mong muốn đâu phải riêng Hà Nội?
Hà Nội luôn đòi hỏi cơ chế riêng để quản lý điều hành, nhưng như trên đã nói Việt Nam chúng ta không thiếu Luật. Vấn đề là có vận dụng đúng, đầy đủ các bộ Luật đã ban hành hay không và vận dụng thế nào mới là quan trọng.
Hãy thử nghĩ xa hơn điều gì sẽ xảy ra nếu các thành phố ở Việt Nam đều đòi có bộ luật riêng để quản lý điều hành. Ví dụ thành phố Điện Biên cần bộ luật riêng vì lý do có nhiều di tích lịch sử quan trọng, là thành phố thuộc tỉnh biên giới quan trọng về an ninh quốc phòng. Tương tự như vậy thành phố Cao Bằng, Hà Giang v.v... cùng lý do trên và thêm lý do có nhiều dân tộc anh em sinh sống, là miền núi đặc biệt khó khăn….vv và vv. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có lý do là trung tâm kinh tế thương mại, là thành phố đông dân nhất cả nước…vv.
Tất cả những lý do trên đều chính đáng. Nhưng Hà Nội không chỉ ra được nó đặc thù ở chỗ nào? Nó cần bộ luật gì mà phải có nó Hà Nội mới phát triển xứng tầm (trên cơ sở giả dụ các lãnh đạo đều xứng tầm mà thiếu công cụ luật pháp). Hay vì tôi là Thủ đô nên tôi phải đặc thù?
Hãy nhớ, khi quyết định nhập tỉnh Hà Tây về Hà Nội. Trong tờ trình đọc ở kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố có những kiến giải lý do hết sức ngô nghê để sát nhập là “Hà Tây là vành đai cung cấp rau xanh cho nội thành Thành phố Hà Nội….”. Lý do ngô nghê này sau đó đã phải sửa đổi.
Tôi yêu Hà Nội, hơn nữa tôi là người gốc Hà Nội nhưng tôi đặc biệt phản đối cái gọi là “Luật thủ đô”. Nó chỉ tạo nên tình trạng cát cứ và phân biệt đối xử, tệ hơn là tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy” trong cả nước. Đặc biệt là với trình độ quản lý điều hành ở Việt Nam chúng ta hiện nay.
Trân trọng
KTS. Lê Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét