Trân trọng giới thiệu chùm bài viết về các loài hoa của tác giả Thích Thanh Thắng:
Hoa Cẩm cù
Giàn cẩm cù trước sân nhà nó ngày càng xanh tốt và nở rất nhiều hoa. Vào buổi sáng từng chùm hoa như trái cầu nhỏ tỏa hương dịu nhẹ. Sức sống của lan cẩm cù thật bền, bởi ngay cả khi hoa đã rụng đi rồi, từ những cuống hoa đã cũ, một thời gian sau lại nảy nụ và đơm những bông hoa trắng nhỏ xen lẫn nhụy hồng có hình ngôi sao năm cánh trông thật dễ thương.
Nó còn nhớ, năm vừa tròn 12 tuổi, nó đã quyết tâm đi bộ gần 30 cây số từ Phố Hiến sang chùa Hương để cầu nguyện cho mẹ nó mau khỏi bệnh. Theo lời mẹ nó kể thì nó là đứa con cầu tự ở đất Phật Hương Sơn.
Thời gian đó mẹ nó ốm nặng phải nghỉ dạy học, có lúc yếu tưởng chừng như không qua khỏi. Từng cơn hen suyễn kéo đến nặng nhọc, tay mẹ nó gầy khô vịn vào thành giường cùng với những cơn co thắt lồng ngực không ngớt dày vò. Bố và các anh của nó thỉnh thoảng phải đi làm xa, ở nhà nó và đứa em gái không biết làm thế nào chỉ biết đứng nhìn mẹ mà ôm nhau khóc. Nghe mẹ nó nói, mẹ không còn sống được bao lâu nữa, nhưng nó vẫn có đủ niềm tin để nói rằng: “Mẹ ơi, mẹ sẽ không chết đâu, mai con sẽ sang Hương Tích niệm Phật và cầu nguyện cho mẹ mau khỏi bệnh!”. Mẹ nó khẽ mỉm cười nhìn nó bằng con mắt thật hiền nhưng rất yếu. Nó không thể nào quên được ánh mắt của mẹ nó khi ấy.
Hôm trước trời còn ấm, thế mà chỉ trong có một đêm trời đã trở rét. Những cơn gió rít lên từng hồi trên triền đê, với chiếc áo bông đã cũ, nó theo con đường mòn nhỏ đi ra bến đón thuyền sang sông. Hành trang của nó chỉ có hơn chục nghìn bạc được cẩn thận luồn sâu vào trong cạp quần phòng khi bất trắc, một chiếc làn nhựa màu đỏ với một chút lễ bạc gồm vài đĩa hoa tươi, vài đinh vàng giấy, ba nải chuối còn xanh, vài bó hương và cả cơm nắm muối vừng mà chiều hôm trước bà ngoại và dì nó làm để nó mang theo ăn dọc đường.
Nó qua sông trong con mắt ái ngại của mọi người… Chẳng còn nhớ nó đi qua bao nhiêu cánh đồng, chỉ biết rằng nó đi mãi, đi đến mỏi cả chân theo những cái chỉ tay của mọi người. Rồi chiều hôm đó nó cũng đến nơi đất Phật! Nó sung sướng vô cùng khi được ngồi trên một con đò đầy với bao nhiêu là những câu niệm Phật, những câu kể hạnh, những bài kệ vần được ngâm nga trôi sóng sánh theo dòng suối Yến.
Đêm đó, ở ngôi nhà trọ vách đất, nó được ngủ trong một chiếc màn dài bằng vải xô màu vàng đục khâu vá chằng chịt với cả chục con người mà nó không quen biết. Sáng tinh sương, mọi người đã thức dậy, có bà cụ hỏi chuyện, biết nó đi một mình để cầu nguyện cho mẹ hết bệnh, bà ôm lấy đầu nó rồi dúi cho nào là hoa quả, nào là oản nếp, rồi bà trả cả tiền thuê nhà trọ cho nó nữa... Nó ngấn nước mắt cảm ơn về một lòng tốt mà bây giờ nó vẫn còn nhớ như in.
Nó ăn phần cơm nắm mà dì nó đã gói cho, còn để dành phần lộc Phật đem về cho em gái. Trời còn nhá nhem tối, nó đi thẳng một mạch lên động Hương Tích, chỗ nào có chùa, có miếu, có đặt bát hương là nó ghé vào khấn vái. Nó ôm chiếc làn trước ngực, hai bàn tay tê cóng, nhưng nó không dám rời, vì mẹ nó dạy đồ dâng cúng Phật không bao giờ được để xuống dưới đất hay sách thấp dưới lưng quần. Và khi ấy, nó chỉ nhớ đến hình ảnh của mẹ thôi, không có gì khác trong lời cầu nguyện và bước chân của nó.
Thắp hương và khấn nguyện Phật Bà Hương Tích xong, nó vội vã xuống núi để lên đò ra về. Không hiểu sao chị lái đò lại thương nó một cách lạ lùng, chị ấy nói với nó rằng, nhìn kìa em lau nước mũi đi, gần trưa rồi chị chở có mình em thôi, em có thích lan cẩm cù không, chị chở ra đó, em tự leo lên mà nhổ, đem về trồng làm kỷ niệm. Nó quá bất ngờ và hạnh phúc! Nó quệt mũi và nhanh chân leo lên một mỏm núi thấp ven suối rồi bóc vội một đám dây cẩm cù bám dọc trên triền đá.
Nó cẩn thận quấn chùm dây cẩm cù lên cây gậy mía, chào chị lái đò, ngoái nhìn cảnh Hương Sơn rồi theo đường cũ về nhà. Về đến nhà, đúng lúc trời rét đậm, nó mang lộc người ta cho đem đến mời mẹ ăn và cùng chia cho em gái. Rồi nó khoe loài lan cẩm cù nó mang về từ đất Phật. Mẹ nó chỉ khẽ nhìn và bảo nó đi trồng ngay không dây cẩm cù sẽ chết héo. Thật diệu kỳ, từ ngày đó bệnh mẹ nó ngày càng thuyên giảm, cơn hen suyễn ít đi cùng với sự xuất hiện của những chùm cẩm cù nhỏ nhắn xinh tươi đầu tiên.
Sau này, trong một lần về thăm nhà, mẹ nó nhắc đến loài lan cẩm cù mà nó đem về từ đất Phật khi trước, nó không nói gì, chỉ lặng im thầm thương dáng mẹ đang ngày một hao gầy. Cho đến khi chào tạm biệt mọi người trở vào chùa, nó mới xin đem theo một dây cẩm cù, chủ yếu để nhớ đến nghị lực sống phi thường của mẹ nó, và cũng để nhớ đến một loài hoa và những con người nghĩa tình mà nó gặp nơi đất Phật. Cứ mỗi lần về thăm nhà, khi đi, mẹ nó lại gọi điện vào và bảo rằng, bây giờ nhớ con mẹ vẫn chưa bình thường được…
Dây cẩm cù mà nó trồng đang đơm những chùm hoa đầu tiên. Một loài hoa bình dị, đầy sức sống, đẹp như câu ví “Mẹ ta hoa Phật!”.
Hương hoa sói
Trên đĩa hoa đủ sắc, đủ hương mà người dân làng tôi thành kính dâng cúng Phật bao giờ cũng được điểm vào đó những nhành hoa sói, nhằm tôn thêm vẻ đẹp cho cả đĩa hoa. Khi mới nụ, hoa có màu trắng xanh, lúc gần nở thì trắng ngần như những hạt gạo. Dân gian gọi là hoa sói, bởi vì lúc sắc hương đầy đủ nhất cũng là lúc các cánh hoa chia rõ làm ba múi giống như hình mõm con sói trắng.
Hoa sói gần như nở quanh năm, bắt đầu từ lễ vào hè, hoa ngát hương vào mỗi buổi sớm, nhưng đến cuối hạ chớm thu thì hoa thơm cả hai buổi sáng chiều. Với bọn trẻ chúng tôi, hoa sói được hình dung như chiếc sao chổi, hơn là việc phải thắc mắc với người lớn và gắng sức nghĩ về cái mõm của con sói ở mãi chốn núi rừng xa kia.
Mỗi lúc nắng ngã nhoài trên mái hiên, bước ra sân, người ta cứ như muốn nghiêng người vào bụi hoa sói bởi mùi hương dịu nhẹ quyến rũ thanh tao của nó. Mẹ tôi bảo, khi mà những bụi hoa trong như ngọc sáng lên giữa những cuộng cành xanh tươi, là lúc các cô gái gần như không thể cưỡng lại được mùi hương của nó. Cũng chỉ tại mùi hương quyến rũ và cái màu trắng tinh khiết ấy mà các cô gái thường thích ngắt một bông hoa sói để giắt vào tai, cài vào tóc cho thơm.
Các cô gái ngày xưa thường gắn bó quanh năm với mùi hương hoa sói, nên đôi khi cũng ưa tạo thêm một chút điệu đà. Trong khi đó, các cụ thường quan niệm, những thiếu nữ có nhan sắc, lại thêm dáng vẻ điệu đà thì thường hay bị tạo hoá hờn ghen. Vì thế, hễ cứ nhìn thấy cô gái nào giắt hoa vào mái tóc là các cụ ví ngay, chỉ suốt ngày “hoa hoè hoa sói”. Chứ vẻ đẹp của hoa sói đơn giản, đâu có gì cầu kỳ, màu mè, loè loẹt.
Có thể hiểu “hoa hoè hoa sói” là một câu thương trách của các cụ, nhằm giảm bớt cái “mệnh bạc” của những người phụ nữ nhan sắc, tài hoa. Bởi các cụ cho rằng người phụ nữ yêu hoa cũng thường là mẫu người đa sầu đa cảm. Càng về sau, câu ví “hoa hoè, hoa sói” càng được người ta hiểu khác đi, nhằm chỉ cho sự cầu kỳ, phức tạp, bày vẽ thêm của con người.
Tôi nhớ Sư cụ đã kể cho lũ tiểu nhỏ chúng tôi câu chuyện trong kinh về một vị tỳ kheo ngồi thiền bên hồ sen và bị vị nữ thần quở trách là đã quyến luyến mùi hương. Câu chuyện này có điểm gần gũi với câu chuyện mẹ tôi kể về mùi hương hoa sói. Nhưng hạnh phúc nhân gian vốn có nhiều cung bậc khác nhau. Khi tận hương, hoa sói cũng chẳng bao giờ phân biệt tăng tục, trẻ già, quý tiện...
Chắc hẳn hoa sói phải có ý nghĩa gì đặc biệt trong lối sống, tâm hồn người Việt, nên ở Cửu đỉnh, vua Minh Mệnh mới cho khắc hoa sói vào Tuyên đỉnh nhằm chuyển tải thông điệp về sự hài hòa, tinh thông. Cũng vì hoa có màu trắng ngần như bạch ngọc, nên từ dân gian vào đến cung đình, hoa được đặt tên là trân châu một cách đài các.
Làng tôi, từ nhà ra chùa, lối ngõ nơi đâu mà không phảng phất mùi hương hoa sói. Chẳng cần ướp gì vào không gian mà nhà nhà chung tỏa một mùi hương huyền ảo, thanh bình. Cũng chẳng cầu kỳ, kiểu cách như các thú chơi tao nhã của các bậc tao nhân mặc khách, Sư cụ chùa làng tôi có thói quen thưởng trà hoa sói từ những cánh hoa đã rụng và vàng khô đi dưới đáy những đĩa hoa thơm. Sự hoà quyện bởi nhiều mùi hương hấp thụ vào cánh hoa sói khô nâu vàng, cộng với vị ngọt ngon của nước mưa đã cho ra những hương vị tự nhiên, đượm mùi thiền, thanh tao, thoát tục.
Phải chăng nghệ thuật sống của người Việt xưa chính là luôn học cách để tâm hồn thăng hoa ngay từ những điều giản dị, mộc mạc quanh mình…
Hoa lựu
Lựu mệnh danh là một trong những cây hoa sứ giả của mùa hè, thường được trồng làm cảnh ở đình, chùa và vườn nhà. Hoa lựu cuốn hút mọi người bởi màu sắc đỏ rực, trông giống như ngọn lửa đang reo lên đầy sức sống. Cánh hoa lựu mỏng, giống như mảnh lụa hơi nhàu, vòi nhị đỏ hơi cong phô ra cùng với những hạt phấn vàng. Cụ Nguyễn Du có nhắc đến loài hoa này bằng một câu thơ rất hay: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”.
Lựu được xếp vào hành thứ hai trong ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Bởi vậy trong hành mộc có không ít người mang mệnh thạch lựu (thạch lựu mộc). Hoa lựu màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, trong khi thân và lá xanh biểu thị cho hành mộc, theo đó chuyển tải ý nghĩa của sự tương sinh, mộc sinh hỏa.
Ít ai nhìn thấy cánh hoa lựu rụng, bởi khi hoa nhuỵ héo đi, tất cả như được thu vào bên trong. Sau đó, cuống hoa sẽ từ từ phình to, kết thành quả, quả chín lâu sẽ nứt ra nhìn rõ những hạt nhỏ trong như pha lê. Theo phong tục của một số dân tộc, đặc biệt là người Hoa, mỗi khi tổ chức hôn lễ, người ta thường dâng cúng trái lựu lên bàn thờ tổ tiên để ước mong sự sinh sôi, nảy nở.
Còn ở ta, các cụ xưa quan niệm, lựu là loài cây tương sinh, nếu trồng ở phía trước nhà thì trong nhà ít xảy ra lục đục và cãi cọ nhau. Gia đình nào thường xuyên cãi cọ, cũng giống như tự xua đuổi những điều may mắn ra khỏi nhà. Dân gian hay ví von “hoà khí mới sinh tài” là vì vậy. Nói vậy thôi, có nhiều nhà trồng thạch lựu mà vẫn cứ cãi cọ nhau, thế cũng đủ biết giữa ước mong và hiện thực của lối sống ứng xử cũng còn có nhiều khoảng cách.
Lựu là loại cây chịu hạn và rất ưa nắng, trong khi hoa lại có tác dụng hấp thụ khí độc, nên người ta thường trồng giữa sân nhà hay trước mái hiên để trừ tà khí, chướng khí. Khí chất mạnh mẽ của hoa lựu cũng được cụ Nguyễn Trãi miêu tả bằng một câu thơ gây ấn tượng khá mạnh với thị giác của mọi người: “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ”.
Lựu đơm từng nụ hay từng chùm gồm dăm ba nụ to nhỏ khác nhau, hoa nở ra từ đầu cành. Khi tận sắc, toàn thân lựu trĩu xuống, đong đưa trên nền lá xanh trông thật đẹp. Đang còn nụ, lựu đã điểm sắc đỏ, hình tròn như trái xoan, lúc gần nở chiếc nụ thon dài hơn cùng với cái cuống đế khá dày. Khi chớm nở, bao hoa nứt ra theo hình ngôi sao sáu, bảy cánh, rồi từ bên trong màu đỏ nhanh chóng xổ tung ra cùng ánh nắng.
Nắng hè vàng ruộm, hoa đỏ thắm tươi, ai lỡ bỏ khoảnh khắc ráng chiều nghiêng cành lựu…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét