Phim “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”
sắp chiếu tại Quảng Ngãi
Võ Văn Tạo
Chiều 27-7, ông André Menras (Hồ Cương Quyết) cho biết, cách nay khỏang 1 tuần, ông có tiếp xúc và làm việc với lãnh đạo Sở Ngoại vụ và Đài Truyền hình – Phát thanh tỉnh Quảng Ngãi, để giới thiệu bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát”, do ông làm biên kịch kiêm đạo diễn, viết và cùng đọc lời bình.
Tại các cuộc tiếp xúc và làm việc, lãnh đạo 2 cơ quan trên hoan nghênh bộ phim, hứa sẽ cho công chiếu rộng rãi tại các huyện trong tỉnh, với một đề nghị: nên lồng tiếng Việt theo tiếng địa phương, để người dân Quảng Ngãi dễ hiểu hơn (bản gốc lồng tiếng Việt do André trực tiếp nói, hơi khó nghe). André chấp nhận đề nghị này và hoàn toàn tin tưởng vào lời hứa của các vị lãnh đạo 2 cơ quan trên.
Dài đúng 1 tiếng đồng hồ, “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát” phản ánh chân thực đời sống ngư dân huyện duyên hải Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Đi biển ngư trường Hoàng Sa vốn là nghề truyền thống của ngư dân 2 huyện này từ mấy trăm năm nay. Biển Hoàng Sa nhiều cá tôm, nhưng đầy giông bão. Vượt lên khó khăn, nguy hiểm, nhiều thế hệ ngư dân vẫn bám biển mưu sinh, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Những năm gần đây, Trung Quốc ngang ngược chiếm đóng nhiều đảo ở Hoàng Sa, áp đặt vô căn cứ lệnh cấm khai thác hải sản; bắt bớ, bắn giết, cướp tài sản, giam cầm, đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái pháp luật, gây biết bao đau thương tang tóc, đẩy nhiều gia đình ngư dân vào cảnh đói nghèo khốn cùng, nợ nần chồng chất…
Bộ phim được khởi quay tại Quảng Ngãi và dựng phim tại TP Hồ Chí Minh trong hơn 1 tháng (5-6/2011), với sự giúp đỡ của chính các ngư dân địa phương. Sau khi được công chiếu tại Pháp, Đức, Ba Lan, Sec … Hội ADEP France Vietnam đã mở một tài khoản đặc biệt để giúp đỡ các góa phụ, trẻ mồ côi nghèo khó ở 2 huyện trên.
Thế nhưng, điều không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra: tại buổi (dự định) chiếu phim tối 29-11-2011 ở TP Hồ Chí Minh, lực lượng an ninh đã ngăn cản, đối xử thô bạo và phi pháp đối với André và bạn bè của ông, lén ghi hình mọi người đến dự khán *. André gọi bọn chúng là “chó chết” – “phản động cực đoan – lưu manh – côn đồ” – “thế lực hắc ám trong bóng tối” – “thân Tàu” – “bán nước”… vì Bộ Ngoại giao VN đã tạo điều kiện thuận lợi để phim được thực hiện, cơ quan văn hóa cũng OK.
André cũng cho biết, sắp tới, ông sẽ sang Pháp và một số nước ở châu Âu, theo lời mời của các cộng đồng dân cư ở đây, để tiếp tục giới thiệu bộ phim và thuyết trình về hoàn cảnh khó khăn của ngư dân Việt Nam, kêu gọi giúp đỡ họ.
André Menras là người gốc Pháp. Ngày 25-7-1970, ông cùng bạn là Jean Pierre Debris đã trèo lên tượng đài Thủy quân lục chiến (trước Nhà hát lớn Sài Gòn), phất cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn kêu gọi phản chiến. Cả 2 bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và tòa án binh kết án 4 năm tù giam (Debris) và 3 năm (André). Bị giam ở khám Chí Hòa, André được những người tù cộng sản đặt tên VN là Hồ Cương Quyết, Debris là Hồ Tất Thắng (theo họ Hồ của Hồ Chí Minh). Bị đày ra Côn Đảo, cuối 1972, cả 2 được trả tự do và bị trục xuất về Pháp. André từng tham gia nhiều cuộc biểu tình tại TP HCM để phản đối Trung Quốc gây hấn ở biển Đông.
Hy vọng kế hoạch công chiếu “Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát” được suôn sẻ, không lặp lại bi kịch đáng xấu hổ: “Kế hoạch vinh danh tri ân liệt sĩ Gạc Ma, Trường Sa bị ngăn chặn!” *
V.V.T.
–
* Mời xem thêm: + 248. Thư ngỏ của ông Andre Menras Hồ Cương quyết gửi lãnh đạo VTV1 (08-08-2011), + 533. Thư của ông Hồ Cương Quyết André Menras gửi Chủ tịch TPHCM (05-11-2011); + 581. André Menras Hồ Cương Quyết: Không ai có quyền ngăn cấm tôi vì tình yêu thiêng liêng đó! (20-12-2011); + 812. Kế hoạch vinh danh, tri ân Liệt sĩ Gạc Ma, Trường Sa bị ngăn chặn (16-3-2012).
+ Ông Hồ Cương Quyết nhập tịch VN (NLĐ). + Tự hào cầm tấm hộ chiếu Việt Nam (QĐND, 9/2/2010). + Phim về Hoàng Sa đến châu Âu (TN, 30/1/2012).
Nguồn: Ba Sàm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét