TS.Nguyễn Xuân Diện: Để gìn vàng giữ ngọc
21:55:00 03/08/2008
CÔNG AN NHÂN DÂN - Trong thời buổi lớp trẻ ít quan tâm đến văn hóa cổ, TS Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc Thư viện Hán Nôm (Viện Hán Nôm) là một nhà nghiên cứu trẻ đáng chú ý với nhiều phát hiện mới và sâu sắc về văn hóa dân tộc. Trong đó công trình nghiên cứu về ca trù của anh được đánh giá cao.
Nguyễn Xuân Diện có nhiều buổi thuyết trình về ca trù (anh thường tự hát ca trù để minh họa) độc đáo, hấp dẫn. Là một người Hà Tây (đến hôm nay thì có thể gọi là Hà Tây cũ), TS. Nguyễn Xuân Diện quan tâm nhiều đến di sản văn hóa xứ Đoài.
Thưa anh, Hà Tây là tỉnh có số lượng di tích lịch sử và văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể lớn nhất nước, khi sáp nhập với Hà Nội - nơi có số lượng lớn thứ 2, Hà Nội mới sẽ mang trong mình một giá trị di sản văn hóa khổng lồ. Điều này vừa là niềm tự hào của Thủ đô nhưng chắc chắn cũng là một trách nhiệm nặng nề?
Hà Tây là tỉnh có nhiều di tích nhất cả nước (trong đó có nhiều di tích được liệt vào hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia: Chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Bối Khê, chùa Thầy, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, rồi làng Việt cổ Đường Lâm,...). Mỗi một ngôi đình, đền, chùa này lại không đơn giản chỉ là một hiện vật bảo tàng, mà xung quanh đó, hàng ngày, hàng giờ vẫn diễn ra các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Vì vậy, nó chính là một bảo tàng sống động về văn hóa.
Tôi rất lo ngại mỗi khi chúng ta đụng đến đâu đó để sửa chữa, tu bổ. Đã có quá nhiều bài học về tôn tạo tu bổ di tích. Cũng đã có quá nhiều bài học về việc cải biên, cải tiến cho các văn hóa phi vật thể như chèo, nhã nhạc cung đình, quan họ… Tu bổ như thế nào, quản lý như thế nào, bảo vệ cổ vật thế nào, thậm chí phải giữ đất cho di tích như thế nào để khỏi bị xâm chiếm cũng là vấn đề đang được đặt ra với rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Thực ra trong những năm qua, nhiều di tích ở Hà Tây đã được bảo tồn khá tốt (như chùa Tây Phương, đình Tây Đằng...). Cơn lốc đô thị hóa nông thôn sắp tới sẽ mang nhiều nguy cơ cho di sản?
Chúng ta đều biết là làng Việt đã là nơi cất giữ gần như toàn bộ gia sản văn hóa của tổ tiên chúng ta. Kiến trúc đình, chùa, miếu và các nhà ở dân gian là kết tinh sự hiểu biết của người xưa về môi trường, về kiến trúc và quan niệm về sự ở của tổ tiên chúng ta. Lũy tre xanh và cách bố trí dân cư theo hình xương cá hoặc bố trí dọc theo nguồn nước là cách tự vệ và sự tuân thuận theo tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên - một triết lý của người Việt.
Làng Việt chính là nơi cất giữ văn hóa Việt. Chính làng Việt đã bảo vệ văn hóa Việt Nam khỏi cuộc đồng hóa của Tàu, của Tây từ hàng ngàn năm nay, làm nên sức mạnh đề kháng của văn hóa Việt Nam, tạo nên bản sắc và bản lĩnh văn hóa Việt Nam.
Vì thế, trước cơn cuồng phong của đô thị hóa như một quy luật tất yếu của thời đại mới, trong cơn mưa Âu gió Á này, làng Việt cổ truyền thống đang dần biến mất, thì chính là lúc văn hóa Việt bị đe dọa nhất. Nếu chúng ta không giữ được làng Việt thì cũng sẽ không giữ được văn hóa Việt. Và đương nhiên nếu không giữ được văn hóa Việt thì chuyện mất sức đề kháng, bị đồng hoá, bị văn hóa ngoại lai đánh gục là một nguy cơ trông thấy.
Về di sản văn hóa phi vật thể, xứ Đoài đóng góp những giá trị nào cho Thủ đô và phải làm gì để cho nó đỡ mất mát?
Hà Tây là tỉnh có nhiều dân ca nhất nước (Ca trù, Hát Dô Liệp Tuyết, Hát Chèo Tàu, Hát Chèo, Hát Tuồng Dương Cốc, Hò Phú Nhiêu,...). Rồi còn ca dao hò vè, truyện kể dân gian, còn phong dao tục ngữ nữa chứ.
Xưa kia, chiếng chèo Đoài là một chiếng lớn, đặc sắc. Năm 1957, thành lập Đoàn chèo Cổ Phong. Đoàn chèo Cổ Phong có trong tay các nghệ nhân danh tiếng, làm nên một thương hiệu rất đáng nể. Từ đó đến nay, chèo Hà Tây vẫn được truyền dạy và tiếp nối. Sắp tới đây, không biết ngành văn hóa sẽ xử lý ra sao với Đoàn Chèo Hà Tây. Nếu gọi Nhà hát Chèo Hà Nội là Đoàn 1, Nhà hát Chèo Hà Tây là Đoàn 2, thì riêng một cái tên ấy cũng là đã chém chèo rồi. Theo tôi, vẫn cứ để hai đoàn chèo này, mỗi đoàn có nét đặc sắc riêng và nên để cái tên: Nhà hát chèo Cổ Phong, bên cạnh Nhà hát Chèo Thăng Long - Hà Nội.
Theo tôi, ngành văn hóa nên tuyệt đối tôn trọng Vùng văn hóa của mỗi nơi, mà cụ thể Văn hóa Hà Nội mở rộng sẽ có ba vùng: Vùng Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Vùng Văn hóa Xứ Đoài (các huyện phía Bắc tỉnh Hà Tây) và Vùng Văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam tỉnh Hà Tây). Đặc sắc văn hóa là ở đó, và việc tôn trọng văn hóa vùng phải là kim chỉ nam cho công tác chỉ đạo làm văn hóa.
Đúng là có quá nhiều lo ngại khi sáp nhập 2 vùng văn hóa nhưng cũng rất hay là sắp tới chúng ta sẽ có nhiều cái để giới thiệu với khách du lịch hơn là chỉ quẩn quanh Hồ Gươm, Văn Miếu, chùa Một Cột?
Hà Tây có 1.110 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh (trong đó có nhiều di tích được liệt hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia: Chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Bối Khê, chùa Thầy, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, làng Việt cổ Đường Lâm...). Thì bao nhiêu năm nay, các di tích đó là của Hà Tây, do tỉnh ấy quản lý, nhưng nó vẫn là địa chỉ đến của du khách Hà Nội đấy chứ phải không chị. Tỉnh Hà Tây, chùa Hà Tây, có đóng cửa bao giờ đâu.
Tôi nhớ có lần tại một hội thảo khoa học, anh đã trình bày một tham luận trong đó có nói rằng Hà Tây là đất Ca trù kề bên Thăng Long Hà Nội. Vậy nay, khi không còn là "kề bên", ca trù của Hà Tây (cũ) nên được "gìn vàng giữ ngọc" như thế nào?
Hà Tây là một cái nôi của Ca trù. Tôi đã khảo sát thấy Hà Tây có 31 văn bia liên quan đến Ca trù, trên tổng số 70 văn bia Ca trù của cả nước. Hà Tây có nhiều đền thờ tổ Ca trù, nhiều trung tâm Ca trù rất nổi tiếng như: Phượng Cách (Quốc Oai), Thượng Mỗ (Đan Phượng), Ngãi Cầu (Hoài Đức), Quảng Nguyên, Vân Đình (Ứng Hòa), Ba La Bông Đỏ (Hà Đông), …
Mới đây nhất, ngành Văn hóa Hà Tây còn phát hiện giáo phường ca trù Thôn Chanh (Phú Xuyên). Tôi và nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã về thăm và ghi âm, ghi hình và nhận ra đây chính là một giáo phường Ca trù có bề dày rất đáng ghi nhận.
Tôi mong ngành văn hóa sẽ gìn giữ những "báu vật nhân văn" của Ca trù trên đất Hà Tây (cũ). Mà chẳng phải chỉ ca trù đâu, nói chung, tôi mong ngành văn hóa sẽ bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Tây thật trọn vẹn. Và xin mượn câu Kiều để nhắn gửi rằng:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời!
Xin cảm ơn anh!
Cẩm Thuý (thực hiện)
Nguồn: Công an Nhân dân.
Tuyệt đối tôn trọng văn hóa vùng
Chủ nhật 17/08/2008 15:05
AN NINH THỦ ĐÔ - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện hiện là Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm (Viện Hán Nôm). Anh là một trong số rất ít người nghiên cứu về ca trù một cách thấu đáo theo hướng một ngành nghệ thuật hàn lâm. Và cũng không có nhiều người nghiên cứu về văn hóa Hà Tây, văn hóa xứ Đoài như Nguyễn Xuân Diện. Khi Hà Nội mở rộng, cuộc hội nhập giữa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Tràng An đã diễn ra. Cuộc trò chuyện này như một cách nhìn của những người yêu văn hóa xứ Đoài muốn đưa ra những kiến giải cho việc bảo tồn những vốn quý của ông cha...
- Chào Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, cảm xúc của ông trong những ngày đầu tiên Hà Tây không còn nữa như thế nào?
- Tôi chờ đến lúc 0h ngày 1-8 để cảm nhận những cảm xúc trong lòng tôi. Rồi chờ đợi trận mưa ngâu đầu tiên trong năm vào ngày 1 tháng Bảy âm lịch. Trưa hôm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mời tôi đi dùng bữa trưa để ghi nhớ việc họ hàng và gia đình chúng tôi trở thành người Hà Nội. Cảm xúc của chúng tôi là lo lắng cho di sản văn hóa Hà Tây, nhất là văn hóa xứ Đoài trở thành một bộ phận của văn hóa Hà Nội.
- Với nhiều năm nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Hà Tây, ông đã từng thấy những cuộc sáp nhập và tách rời giữa xứ Đoài với những miền đất khác hay chưa?
- Tỉnh Hà Tây (cũ) bao gồm hai vùng văn hóa: văn hóa trấn Sơn Nam thượng và văn hóa xứ Đoài, trong đó văn hóa xứ Đoài là rất đặc sắc. Dưới thời phong kiến và dưới thời Tây, Hà Tây thuộc hai trấn (xứ) hoặc hai tỉnh khác nhau (Hà Đông và Sơn Tây).
Người xưa phân địa giới như vậy là căn cứ vào điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và văn hóa của mỗi vùng. Từ năm 1945 đến nay, xứ Đoài (gồm các huyện phía Bắc của tỉnh Hà Tây cũ) đã từng 7 lần tách nhập với Hà Nội. Mỗi lần tách ra, xứ Đoài gần như không có gì mới so với khi nó được nhập vào, trên tất cả các phương diện.
- Câu hỏi lớn và cũng là trách nhiệm của những người quản lý hiện thời là, khi Hà Tây hòa vào Hà Nội thì văn hóa và nếp sống của họ sẽ ra sao? Bởi đâu phải giản đơn xây nhà cao tầng, có đường nhựa thì người dân quê bỗng chốc thành người Hà Nội?
- Vâng, thành người Hà Nội, tức là chỉ một chất lượng sống và thụ hưởng văn hóa của cư dân Thủ đô, chứ không phải chỉ là nhà cao tầng, đường nhựa hay cuốn sổ hộ khẩu, cái giấy chứng minh nhân dân hoặc biển số xe máy.
Tôi muốn nói đến văn hóa làng, vì Hà Nội mở rộng sẽ bao gồm rất nhiều làng quê. Mà chúng ta đều biết là làng Việt đã là nơi cất giữ gần như toàn bộ gia sản văn hóa của tổ tiên chúng ta.
Chính làng Việt đã bảo vệ văn hóa Việt Nam khỏi cuộc đồng hóa của Tàu của Tây từ hàng nghìn năm nay, làm nên sức mạnh đề kháng của văn hóa Việt Nam, tạo nên bản sắc và bản lĩnh văn hóa Việt Nam.
Vì thế, trước cơn cuồng phong của đô thị hóa như một quy luật tất yếu của thời đại mới, trong cơn mưa Âu gió á này, làng Việt cổ truyền đang dần biến mất thì chính là lúc văn hóa Việt bị đe dọa nhất.
Nếu chúng ta không giữ được làng Việt thì cũng sẽ không giữ được văn hóa Việt; và đương nhiên nếu không giữ được văn hóa Việt thì chuyện mất sức đề kháng, bị đồng hóa, bị văn hóa ngoại lai đánh gục là một nguy cơ trông thấy. Những làng quê giờ dân không còn đất mà người nông dân không có kiến thức gì ngoài kinh nghiệm canh tác.
Tới đây họ làm gì? Người nông dân được đền bù mất đất dùng đồng tiền như thế nào? Có ai xem các tệ nạn xã hội và các giá trị truyền thống của làng xã ấy đã xảy ra như thế nào. Tôi lo lắng lắm! Không biết làng tôi nhập vào Hà Nội sẽ như thế nào.
- Cái mà tôi quan tâm nhất chính là nghệ thuật truyền thống. Bởi nghệ thuật tồn tại được phải nằm trong không gian của nó. Vậy theo ông, sau đây nó có đổi thay không? Hay nó có gặp khó khăn gì không?
- Hà Tây là tỉnh có nhiều dân ca nhất nước (ca trù, hát Dô Liệp Tuyết, hát Chèo Tàu, hát Chèo, hát Tuồng Dương Cốc, hò Phú Nhiêu...). Rồi còn ca dao hò vè, truyện kể dân gian, còn phong tục nữa chứ. Xưa kia, chiếng chèo Đoài là một chiếng lớn, đặc sắc. Năm 1957, thành lập đoàn chèo Cổ Phong.
Đoàn chèo Cổ Phong có trong tay các nghệ nhân danh tiếng, làm nên một thương hiệu rất đáng nể. Từ đó đến nay, chèo Hà Tây vẫn được truyền dạy và tiếp nối. Sắp tới đây, không biết ngành văn hóa sẽ xử lý ra sao với đoàn Chèo Hà Tây. Nếu gọi Nhà hát Chèo Hà Nội là Đoàn 1, Nhà hát Chèo Hà Tây là Đoàn 2, thì riêng một cái tên ấy cũng là đã chém chèo rồi.
Theo tôi, vẫn cứ để hai đoàn chèo này, mỗi đoàn có nét đặc sắc riêng và nên để cái tên: Nhà hát chèo Cổ Phong, bên cạnh Nhà hát Chèo Thăng Long - Hà Nội. Hát Dô ở Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) cứ 36 năm mới tổ chức một lần. Người già đã về với tiên tổ cả, bây giờ muốn phục hồi thì làm sao?
Dựa vào đâu để phục dựng lại? Còn Hát Chèo Tàu ở Đan Phượng nữa. May mắn là ngành văn hóa và Hội Văn Nghệ Dân gian Việt Nam đã dựa theo công trình của các nhà nghiên cứu kết hợp với trí nhớ nghệ nhân, đã phục hồi được, rồi ghi âm ghi hình cả rồi. Sắp tới Hà Nội giữ thế nào đây?
Hà Tây là một cái nôi của ca trù. Tôi đã khảo sát thấy Hà Tây có 31 văn bia liên quan đến ca trù, trên tổng số 70 văn bia ca trù của cả nước. Hà Tây có nhiều đền thờ tổ ca trù, nhiều trung tâm ca trù rất nổi tiếng như: Phượng Cách (Quốc Oai), Thượng Mỗ (Đan Phượng), Ngãi Cầu (Hoài Đức), Quảng Nguyên, Vân Đình (ứng Hòa), Ba La Bông Đỏ (Hà Đông)…
Hà Tây là một cái nôi của ca trù. Tôi đã khảo sát thấy Hà Tây có 31 văn bia liên quan đến ca trù, trên tổng số 70 văn bia ca trù của cả nước. Hà Tây có nhiều đền thờ tổ ca trù, nhiều trung tâm ca trù rất nổi tiếng như: Phượng Cách (Quốc Oai), Thượng Mỗ (Đan Phượng), Ngãi Cầu (Hoài Đức), Quảng Nguyên, Vân Đình (ứng Hòa), Ba La Bông Đỏ (Hà Đông)…
Mới đây nhất, ngành văn hóa Hà Tây còn phát hiện giáo phường ca trù Thôn Chanh (Phú Xuyên). Tôi và nhạc sỹ Đặng Hoành Loan đã về thăm và ghi âm, ghi hình và nhận ra đây chính là một giáo phường ca trù có bề dày rất đáng ghi nhận. Tôi mong ngành văn hóa sẽ gìn giữ những “báu vật nhân văn” của ca trù trên đất Hà Tây (cũ).
- Những rạn vỡ, những đổi thay, thậm chí là những mất mát về mặt văn hóa có thể là hữu hình, nhưng rất nhiều khi là vô hình. Vậy cần đối xử thế nào với văn hóa xứ Đoài?
- Hà Tây là tỉnh mà về mặt văn hóa rất đáng tự hào. Di sản văn hóa Hà Tây là rất lớn và mang tính tiêu biểu: là đất trăm nghề, là tỉnh có nhiều nghề thủ công mỹ nghệ đứng đầu cả nước (Lụa Vạn Phúc, Khảm Chuyên Mỹ, Quạt Vác, Thêu Quất Động, Mộc Chàng Sơn, Bún Bặt, Bún Cổ Đô...); Hà Tây là tỉnh có nhiều di tích nhất cả nước (trong đó có nhiều di tích được liệt hạng đặc biệt quan trọng của Quốc gia: Chùa Tây Phương, Chùa Bối Khê, Chùa Thầy, Đình Tây Đằng, Đình Chu Quyến...
Mỗi một ngôi đình, đền, chùa này lại không đơn giản chỉ là một hiện vật bảo tàng, mà xung quanh đó, hàng ngày, hàng giờ vẫn diễn ra các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Vì vậy, nó chính là một bảo tàng sống động về văn hóa.
Hà Tây cũng có nhiều lễ hội nhất cả nước, trong đó có lễ hội Chùa Hương kéo dài hết cả mùa xuân. Tôi rất lo ngại mỗi khi chúng ta đụng đến đâu đó để sửa chữa, tu bổ. Đã có quá nhiều bài học về tôn tạo tu bổ di tích.
Cũng đã có quá nhiều bài học về việc cải biên, cải tiến cho các văn hóa phi vật thể như chèo, nhã nhạc cung đình, quan họ… Tu bổ như thế nào, quản lý như thế nào, bảo vệ cổ vật thế nào thậm chí phải giữ đất cho di tích như thế nào để khỏi bị xâm chiếm cũng là vấn đề đang được đặt ra với rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Theo tôi, ngành văn hóa nên tuyệt đối tôn trọng vùng văn hóa của mỗi nơi, mà cụ thể văn hóa Hà Nội mở rộng sẽ có ba vùng: Vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Vùng văn hóa xứ Đoài (các huyện phía Bắc tỉnh Hà Tây cũ) và Vùng văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam tỉnh Hà Tây cũ). Đặc sắc văn hóa là ở đó, và việc tôn trọng văn hóa vùng phải là kim chỉ nam cho công tác chỉ đạo làm văn hóa.
- Xin cảm ơn Tiến sỹ!
Thái Nguyên (Thực hiện)
Nguồn: An Ninh thủ đô.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét