Blogger Widgets

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

CHIỀU THỨ BẢY, THEO THỊ MẦU LÊN CHÙA

THỊ MẦU TẤN CÔNG TIỂU KÍNH TÂM QUA BA GIAI ĐOẠN


Bài này, để tôi tưởng nhớ Ông Nội tôi 
và tặng độc giả Nguyễn Xuân Diện -Blog!  

Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo, bế bụng đi xem.
 

(Ca dao)

Từ xa xưa, mỗi khi các làng mở hội xuân, vẫn thường có diễn chèo. Các vở chèo cổ đã đi vào tâm thức dân gian. Nào Lưu Bình Dương Lễ (có màn tiễn Châu Long - Quân tử vu dịch), nào Xúy Vân giả dại (có đoạn Phù thủy sợ ma nổi tiếng). Nào Chu Mãi Thần (có trích đoạn Tuần ty Đào Huế cay như gừng)...Nhưng đặc sắc và được nhiều người nhớ là trích đoạn Thị Mầu lên chùa trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.

Sự tích:

Về sự tích này, có tài liệu cho rằng có nguồn gốc từ Cao Ly, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã đầu thai xuống trần tu hành được 9 kiếp rồi, đến kiếp thứ 10, Ngài giáng sanh vào nhà họ Mãng ở nước Cao Ly.

Tại Việt Nam, sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền trong dân gian Việt Nam từ lâu qua nghệ thuật hát chèo, cải lương, kịch, truyện thơ và truyện văn xuôi. Vở chèo Quan Âm Thị Kính ra đời trước, sau đó mới tới truyện thơ rồi chuyển thể qua kịch ảnh. Truyện thơ Quan Âm Thị Kính chưa biết đã được sáng tác vào năm nào và do ai sáng tác, chỉ biết bản in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911. Bản này gồm có 788 câu thơ lục bát và một lá thư của Kính Tâm viết cho cha mẹ.

Nội dung tóm tắt:

Mãng Ông có con gái là Thị Kính đến tuổi lấy chồng, song chưa gả cho ai. Thiện Sĩ, học trò, dòng dõi thi thư, đến xin làm rể. Ông bằng lòng cho họ nên vợ nên chồng. Ở nhà Thiện Sĩ chăm chỉ học bài, Thị Kính bên cạnh miệt mài vá may. Đến đêm khuya chàng mệt, ngả lưng yên giấc. Nhìn cằm chồng có chiếc râu mọc ngược, sẵn có dao bén, nàng cầm lấy, định dùng để xén nó đi. Bất ngờ Thiện Sĩ choàng tỉnh thấy thế gạt tay vợ, đứng dậy hét toáng lên thất thần. Mẹ chồng chạy vào, nghe con trai kể, tưởng là con dâu định giết chồng, bèn mắng chửi và đuổi về nhà cha mẹ đẻ. Nàng nghĩ thương thân xót phận đành thay dạng nam nhi, xin vào chùa đi tu, được Sư Cụ nhận lời, đặt cho hiệu là Kính Tâm.

Trong làng có Thị Mầu con của một vị trưởng giả giàu có ở vùng ấy, thấy tiểu Kính Tâm đẹp người tốt nết, liền tìm mọi cách dụ tiểu xiêu lòng. Bị cự tuyệt Thị Mầu thất tình về nhà dan díu với anh lực điền. Phú ông bắt gặp, sợ mang tiếng với dân làng hàng xóm bèn cho tiền và đuổi anh ta ra khỏi làng.

Thị Mầu mang thai bị làng ngả vạ và bị gọi ra tra hỏi, thị chối quanh nhưng về sau lại đổ cho Kính Tâm. Làng mời Sư Cụ và Tiểu Kính đối chất. Tiểu một mực kêu oan, nhưng Mầu cứ đổ riệt, Kính Tâm bị làng đem ra tra tấn, đòn bộng, máu đổ thịt rơi, mấy lần bất tỉnh, nhưng Kỉnh Tâm vẫn một mực kêu oan. Sư Cụ động mối từ tâm, đứng ra xin bảo lãnh cho trò để đem về khuyên nhủ dạy răn.

Thị Mầu sinh con mang trả nhà chùa. Tiểu Kính nhớ câu Phật dạy "Cứu nhất nhân đắc kì vạn Phúc" nên ẵm về nuôi. Hàng ngày Tiểu bế trẻ đi khắp nơi xin sữa nuôi dưỡng. Ròng rã 3 năm, sức tàn lực kiệt, tiểu viết thư để lại cho cha mẹ rồi hoá. Sau đó mọi người mới hay Tiểu là gái. Nhà chùa lập đàn giải oan cho nàng siêu sinh tịnh độ...

Quan Âm Thị Kính chùa Mía (Đường Lâm). Ảnh: N.X Diện.

Và trong lúc trà tỳ mọi người đều trông thấy một vầng hào quang ngũ sắc trên bầu trời và trên vầng hào quang là một toà sen nhiều cánh có hình ảnh Bồ Tát Kính Tâm.
(Theo từ điển Wikipedia)

Trích đoạn Thị Mầu lên chùa là một trích đoạn đặc sắc. Ở đó hát, múa, diễn được kết hợp nhuần nhuyễn. Vai diễn Thị Mầu là một trong những vai mẫu của Chèo cổ, mà bất cứ nữ sinh Khoa Kịch hát dân tộc (trước gọi Khoa Chèo) nào cũng phải học.

Xem qua, chúng ta chỉ thấy một Thị Mầu khao khát yêu đương, khao khát tình yêu và nhục cảm. Ta thấy Thị Mầu mặc yếm đào rực lửa tình, nàng khoác chiếc áo màu hồng xác pháo rạo rực xuân thì. Những bước chân thoăn thoắt đi theo câu hát và tiếng nhạc rộn ràng. Và đôi mắt nàng, lung la lúng liếng. Chiếc quạt của Thị Mầu là một đạo cụ diệu kỳ như cánh bướm xuân, như chiếc chìa vôi (khi nàng hát câu Cau non tiễn chũm lòng đào rồi chỉ vào ngực nàng - khuôn ngực mà Ca dao nói: Hỡi cô có cái chũm cau, Anh búng một cái có đau anh đền!)...

Thị Mầu đã tấn công Tiểu Kính Tâm - người con gái giả trai nương nhờ cửa Phật - qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thấp thoáng từ đằng xa. Thị Mầu chỉ thấy Kính Tâm từ xa. Vòng múa của cô còn xa cách Kính Tâm, vòng múa rộng, bước khoan thai, câu hát cũng khoan thai. Thị Mầu vẫn còn giữ "lịch sự" với Kính Tâm.

Giai đoạn 2: Xa không được, Thị Mầu sáp lại. Kính Tâm vẫn cứ "vô tâm" với mình, làm cho Thị Mầu tức lắm. Nàng hát câu:

Thầy Tiểu ơi
Thầy như táo rụng sân đình
Em như gái dở đi rình của chua

Rồi nhặt một quả táo rụng (hay hòn sỏi nhỏ ở sân chùa) ném về phía Tiểu Kính Tâm. Theo phản xạ, Kính Tâm đưa mắt lại. Bốn mắt gặp nhau. Thị Mầu choáng trong phút giây gặp gỡ đó. Vòng múa của cô gần lại với Kính Tâm, bước chuyển của đôi chân đã gấp hơn, cô không còn đi bằng bàn chân mà đã đi bằng nửa bàn chân, câu hát cũng thôi khoan thai. Thị Mầu đã đánh rơi sự "lịch sự" với Kính Tâm.

Giai đoạn 3: Thị Mầu áp sát Tiểu Kính Tâm, thấy cái cổ trắng ngà của Tiểu Kính Tâm. Nàng lấy chiếc quạt, quạt lấy cái hơi của Tiểu Kính Tâm về phía mình. Ôi trời! Gái bén hơi giai như thài lài gặp cứt chó là đây có phải?! [Trích phân tích của cố NSND. Năm Ngũ trong băng Tư liệu - Nguyễn Xuân Diện sở hữu 1 bản sao].

Vòng múa thít chặt lại với Tiểu Kính Tâm, đôi chân gấp gáp, cô không còn đi bằng nửa bàn chân, nữa mà đã đi bằng những đầu ngón chân thon. Câu hát cũng gấp gáp! Thị Mầu đã đê mê trong hoan lạc ảo tưởng. Thị Mầu đã cuồng si, điên loạn. ....

Cảm ơn cha ông đã làm ra chèo Quan Âm Thị Kính, để muôn sau Thị Mầu còn lẳng lơ mãi với nhân gian!

Nguyễn Xuân Diện mời chư vị xem trích đoạn Chèo cổ Thị Mầu lên chùa, trong vở Quan Âm Thị Kính, do diễn viên, NSUT Thu Huyền (vợ của ca sĩ Tấn Minh) - một em gái xứ Đoài - thể hiện. Tại Hội thi Tài năng trẻ toàn quốc ở Đà Nẵng, Nghệ sỹ Thu Huyền đã được trao Giải Nhất.


Tôi xem trích đoạn Thị Mầu lên chùa đã nhiều. Nhưng có hai người làm tôi mê nhất là Thanh Trầm và Thu Huyền.

Tôi ngưỡng mộ Thu Huyền - người em gái nhỏ bé đã góp phần làm sống dậy cả một nền nghệ thuật của tiền nhân!

Nguyễn Xuân Diện

0 nhận xét:

Đăng nhận xét