Blogger Widgets

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

HỌA SĨ MỘNG BÍCH - 60 NĂM TÌM DẤU HẠC VÀNG


Hoạ sĩ Mộng Bích
Gần 60 năm theo dấu hạc vàng
Họa sĩ Mộng Bích sinh năm 1933. Bà từng là sinh viên khóa 2 (năm 1956) của Đại học Mỹ thuật Hà Nội, được theo học các bậc thầy hội họa như Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung…Những bức họa nổi tiếng của bà đang được lưu giữ tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam: Nghệ sỹ ca trù Quách Thị Hồ (tranh lụa), Tĩnh vật (tranh lụa), Ông gia người Chăm (tranh lụa), Em bé ngủ (Tranh lụa).
Con hạc vàng lộng lẫy, hiện thân của cái Đẹp vĩnh hằng, trong một khoảng khắc nào đó đã về đậu xuống bậc thềm đau khổ của cuộc sống. Chỉ thế thôi cũng đủ cho họa sĩ Mộng Bích tìm được một lối đi qua những gian truân đời mình để chạm vào cái Đẹp. Trong căn phòng cũ kỹ như một bảo tàng nhỏ về thời bao cấp, nữ họa sĩ 79 tuổi kể chuyện đời bằng những bức tranh…

Cứ ngỡ với giọng nói trong thanh qua điện thoại, nữ hoạ sĩ Mộng Bích vẫn còn ở độ tuổi hồi xuân, nhưng trước mắt tôi là một bà cụ nhỏ thó, mái tóc cắt ngắn đã bạc 8, 9 phần. Bà đi lại chậm rãi trong căn phòng chừng 30m2 bằng gỗ và cót ép, kiểu nhà tạm được xây cho cán bộ từ rừng về ở sau hòa bình lập lại, nhưng đã lần lượt… cháy gần hết, còn lại dãy nhà này như níu giữ lại chút quá khứ. Trong nhà, vài tấm tranh cũ treo trên vách, một bức tĩnh vật hoa trắng còn vẽ dở dang. Cái tủ ly lỗi mốt được dùng để ngăn phòng, một cái xe đạp cũ rỉ gắn biển đăng kí từ thời bao cấp. Chiếc bàn gỗ tróc mép, đen nám, bộ ấm chén Bát Tràng cọc cạch… tất cả đều cô đơn, buồn buồn. Chỉ có tiếng bà cụ vang lên, phá đi sự buồn bã ấy.

Hoa vẫn nở dưới trời bom đạn

Câu chuyện của bà đưa tôi ngược về hơn nửa thế kỷ trước, khi cô thiếu nữ Mộng Bích 23 tuổi từ rừng trở về sau những năm dài kháng chiến, trở thành sinh viên khóa 2 trường Mỹ thuật Yết Kiêu, được theo học các bậc thầy danh tiếng như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung…

Hồi đấy, trường Mỹ thuật mỗi khoá lớp chỉ có hơn chục người. Hoạ sĩ Mộng Bích học cùng với các nữ họa sĩ Giáng Hương, Kim Bạch, Minh Mỹ, Diệu Tần… Trò đi kháng chiến về nhập học nên thầy trò chỉ cách nhau vài tuổi, đôi khi xưng “anh, em” rất thân thiết, giống như một gia đình lớn. Chiến tranh. Các họa sỹ cũng làm nhiệm vụ như các phóng viên chiến trường, khác với phóng viên dùng máy ảnh thì đây là tập giấy vẽ. Hơn tám mươi họa sỹ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh. Thế rồi ra trường, họa sĩ vào các cơ quan làm đủ thứ việc, đâu chỉ có ngồi sáng tác. Phải tranh thủ mọi thời gian mà vẽ vì yêu nghề, có được tác phẩm là nhờ cái nghiệp bám vào thân.

Bà nhớ lại những lần thầy, trò đi thực tế sáng tác. Hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn vui tính, hay diễn kịch, bắt chước chân dung của những bà cụ già trong xóm. Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng đưa trò lên Nghĩa Lộ, địch ném bom dữ dội trên đầu nhưng sau mỗi chuyến đi đều cố sống chết mang một giò phong lan rừng chè về. Rồi những tiết học nhập môn hình hoạ với thầy Phan Chánh, thầy thì cứ lúi húi chữa bài cho bọn con gái, đám con trai đói bụng lẻn hết xuống bếp xin chị cấp dưỡng miếng cháy lót dạ…

Hết chiến tranh lại đến thời bao cấp thiếu thốn. Chồng ốm đằng đẵng mười năm nằm liệt rồi mất khi hai con còn nhỏ dại, vất vả đời thường chồng chất nhưng hình như bà đã tìm ra lối thoát qua những bức tranh. Đó thực sự là tâm hồn bà gửi trong từng nét vẽ, trong sự rung động đến sâu thẳm mà chỉ có hội họa mới giúp bà bày tỏ được. Điều đó như một sự bù đắp của trời. Các họa sỹ đồng trang lứa đều nhắc đến từng bức tranh của bà với một sự ngưỡng mộ, mặc dù bà vẽ không nhiều. Hoạ sĩ Diệp Minh Châu thường khoe về cô học trò của mình là: “Con bé này vẽ tình cảm lắm”. Còn hoạ sĩ Trần Văn Cẩn mỗi lúc có bạn đến chơi, ông lại lôi bức chân dung mình ra khoe: “Mộng Bích vẽ tôi đây này, đúng tôi quá!”


Cái đẹp của một thời day dứt

Họa sĩ Mộng Bích ngậm ngùi kể, thời bấy giờ đường kính trắng rất khan hiếm, mọi người thường dùng đường hoa mai, không lọc hết tạp chất nên pha nước có vị hơi chua, màu vàng nâu nâu. Một buổi tối, chồng bà mệt, tự lấy đường trắng pha nước. Bà cằn nhằn ông phí phạm, sao không uống đường hoa mai, mình là người lớn, đường trắng phải để phần trẻ con hoặc khi đau ốm chứ. Nào ngờ ngày hôm sau ông nằm xuống mãi mãi, mấy thìa đường trắng trở thành nỗi day dứt không nguôi của người vợ.

Ai có thể nghĩ rằng những bức tranh của Bùi Xuân Phái bây giờ trị giá hàng chục ngàn đô- la Mỹ nhưng ngày ấy chỉ đổi vài ly cà phê Lâm. Còn hoạ sĩ bậc thầy Dương Bích Liên phải nhờ người bạn trẻ của mình là Nguyễn Hào Hải giúp đỡ toan, mầu để vẽ, để bây giờ ở nhà Hào Hải mới có tranh của Liên…

Thời bao cấp, những đêm dài xếp hàng chầu chực ở cửa hàng gạo, hàng dầu đến sáng mới hi vọng đến lượt mà mua. “Nhớn nhác như mất sổ gạo“ là câu cửa miệng, vì mất sổ gạo là mất nguồn sống… Cái khổ cực từ ngày đó ám ảnh bà và nhiều người cùng thế hệ cho đến tận hôm nay. Dù có điều kiện hơn nhưng bà vẫn sống như vậy, trong ngôi nhà xưa cũ, cương quyết không muốn thay cả bộ ấm chén uống nước mới vì bộ đang dùng vẫn tốt mặc dù trông cọc cạch. 
 

Nhưng kỳ diệu là chính cái thời thìa đường phải đong đo từng hạt, ly cà phê Lâm đổi được tranh Bùi Xuân Phái… thì hội hoạ Việt Nam lại đẹp và sang trọng hơn bao giờ hết. Họa sĩ lần giở từng bức kí họa, đưa tôi xem những bức ảnh chụp lại tranh mình. Này là bức “Nghệ sỹ ca trù Quách Thị Hồ”, này là “Ông già người Chăm”, “Em bé ngủ”, “Dệt lụa”…, mỗi bức tranh như một trang nhật kí cuộc đời. Tranh bà thật đẹp, cái đẹp đằm thắm ẩn trong từng nét vẽ, dưới từng thớ lụa, chứa đựng sự cảm thông đến kì lạ giữa họa sĩ và nhân vật trong tranh. Lạ lùng là những bức họa bà vẽ ở thời xa lắc, về những con người tôi chưa từng gặp, vùng đất tôi chưa từng qua, thế nhưng tôi lại nhận ra một phần của mình trong đó.

Tiếng gọi từ xứ Chàm bí ẩn

Tôi hình dung theo lời bà kể: người phụ nữ bé nhỏ, một thân một mình đi khắp nơi giữa thời gian khó, tìm đề tài vẽ. Cái ngày chiến tranh ác liệt nhất thì bà vác cặp vẽ vào cầu Hàm Rồng Thanh Hóa, khói bom tan, nhìn những hàng dài thi thể các cô thanh niên xung phong trẻ măng chờ khâm liệm mà thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh. Rồi lăn lội lên núi cao, vừa đi vẽ, vừa kẻ khẩu hiệu tuyên truyền cho bà con vùng cao. Sống với đủ các dân tộc Mán, H’mong, Lô Lô, Dao, Sán chí…, họa sĩ muốn vẽ nhưng dân cứ chạy vì sợ hồn sẽ theo bức vẽ về xuôi mất. Lại có khi thấy người ta cúng đẹp quá, bà xông vào nhà xin vẽ mà không biết họ đang treo cành lá cấm người lạ. Họa sĩ ngày ấy gặp cái gì cũng vẽ, từ cái cuốc, cái cầy, cái nơm… phải ghi lại hết làm tư liệu để nhớ. Bây giờ các họa sỹ có máy ảnh, cần gì chụp toạch cái là xong. Tuy nhiên, chụp ảnh thì chỉ được cái hình, còn vẽ thì từng đồ vật, từng khuôn mặt, dáng người ấy sẽ thấm sâu hơn, có cái hồn, là điều tối quan trọng trong nghệ thuật.

 
Đầu những năm 90’, Viện Nguyên tử tiếp quản cơ ngơi của báo Độc Lập, nơi họa sỹ Mộng Bích công tác nhiều năm. Nghĩ mãi họ mới có sáng kiến tìm cho họa sĩ một việc hợp khả năng: đi vẽ lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt. Họa sĩ nghĩ bụng “Lò phản ứng thì vẽ làm gì, chụp ảnh hơn nhiều, người họa sĩ phải vẽ những cái khác cơ”. Nhưng bà vẫn cứ đi. Trên đường vào Nam, qua ga Mường Mán tàu đỗ lại. Buổi sáng sớm nhìn thấy cả dãy núi màu lam mờ mờ trong sương, nổi lên bóng ông già người Chăm mặc bộ đồ toàn màu trắng dắt ngựa, và cô gái mặc áo chàm tím đội 1 cái thúng. Ngồi trong tàu nhìn lên núi, hình ảnh đó như một bức tranh tuyệt vời khiến họa sĩ đột ngột bỏ ý định lên Đà Lạt mà ở lại đây để vẽ.

Lần đầu tiên tới vùng Chàm và cũng là họa sĩ đầu tiên đặt chân đến nơi này, trên người bà chỉ có cái nón, phiếu ăn, phiếu gạo và một cái cặp vẽ có bút chì để kí họa. Bà đưa giấy giới thiệu của Hội Mỹ thuật cho một anh làm văn hóa ở huyện và tự vào nhà dân tìm chỗ ở nhờ. Ham muốn tìm hiểu văn hoá, thấy đám ma của người Chàm, bà đi theo từ sớm tinh mơ đến qua trưa trên sa mạc đầy nắng gắt, gió và cát trắng để xem người ta hoả táng xác chết thế nào. Rồi lần đầu được ngắm tháp Chàm: sự uy nghi, đẹp đẽ của nơi này khiến trái tim nghệ sĩ rung động. Bà nhớ tỉ mỉ từng chi tiết: “Tháp sừng sững, sáng màu cam thật tuyệt, dưới tháp là cỏ dại cao. Hết mùa mưa tới mùa khô nên cỏ chuyển màu vàng như tơ vàng. Gió lộng, những sợi tơ vàng dập dờn như sóng biển mênh mông quanh chân tháp. Tôi đã ngồi đấy cho đến chiều để vẽ. Thế nhưng, buổi chiều mặt trời chiếu lên tháp thành màu đỏ rực như lửa, đằng sau màu đỏ rực đó lại là màu tím, trên trời những tảng mây trắng cứ lững lờ bay...” Một mình đứng giữa sự uy nghi của núi non, tháp cổ, nhớ lại những truyện cổ về vua Chàm, câu thơ của Thôi Hiệu chợt đến với bà “Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản. Bạch vân thiên tải không du du.” Con hạc vàng kiêu hãnh xưa đã một đi không trở lại, chỉ còn mây trắng nghìn năm lãng đãng bay, cho người hôm nay chút ngậm ngùi lắng mình vào quá khứ.

Đó có lẽ là chuyến đi thực tế cuối cùng của nữ hoạ sĩ Mộng Bích, một chuyến đi thành công nhất trong cuộc đời của bà. Giờ đây, khi xương cốt đã rệu rã, lung lay, khi sức lực chỉ còn đủ quanh quẩn trên nhà dưới bếp, bà vẫn mong mình còn nhiều thời gian, sức khoẻ để “mình viết sách về chuyến đi ấy, để hoàn thành những bức ký hoạ người Chàm vẫn đang chờ mình chuyển thành tranh”.
 
Tu Minh
(M & CS)

Một số bức tranh của nữ họa sĩ Mộng Bích:













Ảnh trong bài: Họa sĩ Bùi Hoài Mai (con trai Họa sĩ Mộng Bích)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét