Sáng nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và gia đình đã tổ chức trang trọng lễ viếng, lễ truy điệu và lễ ký táng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường. Đông đảo bà con hai bên nội ngoại, bạn bè, đồng nghiệp đã có mặt tại nhà tang lễ thành phố, 125 Phùng Hưng, Hà Nội để tiễn biệt Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường. Ban lễ tang có 09 thành viên, do PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm Trưởng ban.
Đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm do PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh dẫn đầu vào viếng lúc 08h00. Nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học đã từng công tác tại Viện, về hưu đã nhiều năm cũng đã đến viếng, làm cho không khí nhà tang lễ càng thêm buồn đau khi những mái đầu bạc cúi xuống bên linh cữu người đồng nghiệp trẻ tuổi.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Thịnh viếng người học trò yêu quý của mình
Tiến sĩ Lã Minh Hằng bị tai nạn giao thông, đang phải chống nạng
cũng đã đến tiễn biệt người em bạc mệnh
cũng đã đến tiễn biệt người em bạc mệnh
Nhiều cán bộ đã nghỉ hưu của Viện Hán Nôm đến tiễn biệt người đồng nghiệp trẻ tuổi
Nhiều đoàn thể, thầy giáo, cô giáo, bạn bè, thân hữu của TS Nguyễn Thị Hường ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội, Hội đồng hương Kinh Bắc... đã đến viếng và ghi sổ tang, tiễn biệt người học trò, người bạn, người em xinh xắn, thông minh, giỏi giang đã qua đời sau một tai nạn giao thông thương tâm trưa ngày 16.9.2012, khi cô đưa tiễn bố chồng ra bến xe và cùng đứng chờ xe thì bị một xe khách mất lái lao đến làm tử vong ngay tại chỗ.
Đúng 09h00, lễ truy điệu bắt đầu. Ông Trịnh Khắc Mạnh, PGS.TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đọc lời điếu trong xúc động nghẹn ngào. Bài điếu văn biền ngẫu đã nhiều lần bị ngắt quãng, trong tiếng nấc nghẹn ngào của cả người chủ lễ lẫn những người tham dự lễ truy điệu.
TS. Nguyễn Thị Hường là đồng nghiệp của ông, đồng thời cũng là người học trò thông minh mà ông hướng dẫn luận án Tiến sĩ, vừa bảo vệ thành công xuất sắc cách đây mới mười ngày.
TS. Nguyễn Thị Hường là đồng nghiệp của ông, đồng thời cũng là người học trò thông minh mà ông hướng dẫn luận án Tiến sĩ, vừa bảo vệ thành công xuất sắc cách đây mới mười ngày.
Sau lễ truy điệu, chuyển cữu, xe của nhà tang lễ đưa TS. Nguyễn Thị Hường về ngang qua nhà CT1, Khu chung cư Đặng Xá, Gia Lâm, nơi ấy mẹ của cô cùng đứa con gái nhỏ của cô đang đợi.
Thật đau xé lòng trước cảnh này, những người dự lễ tang không kìm được nước mắt tuôn trào
Đứa con gái nhỏ chưa đầy 2 tuổi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, cứ nhào vào tấm ảnh mẹ trên tay bố.
Nó đâu biết bố đang tan nát cõi lòng mà vẫn phải gượng cười với nó.
Nó đâu biết bố đang tan nát cõi lòng mà vẫn phải gượng cười với nó.
Đoàn xe tang đưa TS Nguyễn Thị Hường về Đài hóa thân Hoàn Vũ Hà Nội.
Khi chiếc giá đưa linh cữu TS. Nguyễn Thị Hường mất hút sau khuôn cửa nhỏ để hóa thân vào cõi vĩnh hằng, là lúc chồng cô và gia quyến không còn chịu đựng được nữa, cùng ngồi thụp cả xuống sàn nhà tang lễ. Giây phút vĩnh quyết đau xé lòng đã chia lìa đôi ngả âm dương, mãi mãi...
Chắp tay, chúng tôi nguyện cầu linh hồn người thiếu phụ tài năng mà bạc mệnh sớm về cõi phúc vĩnh hằng trong ánh sáng tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà!
Ảnh trong bài: Nguyễn Quang Thắng.
ĐIẾU VĂN TIẾN SĨ NGUYỄN THỊ HƯỜNG
Do PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm
đọc tại lễ truy điệu TS Nguyễn Thị Hường
Kính thưa: anh Nguyễn Quốc Anh và toàn thể gia quyến
Kính thưa: bạn bè và đồng nghiệp xa gần.
Trong giờ phút đau thương, xót xa này, tôi xin thay mặt cho Ban tang lễ đọc lời điếu Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường.
Chị Nguyễn Thị Hường sinh năm 1981, tại Bắc Giang trong một gia đình hiếu học, tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Hán Nôm, Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn, được tặng bằng khen Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia năm 2002. Chị công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm từ năm 2004 đến nay. Năm 2005, chị hoàn thành luận văn Thạc sĩ về Văn bia chữ Nôm. Năm 2012, chín ngày trước khi qua đời, chị vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài: Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, được Hội đồng khoa học đánh giá loại xuất sắc. Chị đã công bố nhiều công trình, bài viết có liên quan đến thư tịch học, văn tự học và lịch sử Việt Nam cho thấy tác giả đã có cố gắng bền bỉ trong việc nghiên cứu văn hiến nước nhà. Chị Nguyễn Thị Hường là đồng tác giả, đồng dịch giả các công trình như Địa chí Bắc Ninh, Quốc sử di biên, Từ điển điển cố văn học Nôm, Từ điển từ cổ và chữ Nôm cổ… Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường là một cán bộ trẻ, thông minh, có năng lực và nhiều triển vọng của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Năm 2009 chị lấy anh Nguyễn Quốc Anh, về làm dâu đất Hải Dương, năm 2010 sinh hạ một bé gái kháu khỉnh. Trong gia đình, chị luôn là dâu hiền con thảo, luôn biết chăm lo chu tất cho gia đình bé nhỏ của mình.
Sự ra đi đột ngột của chị để lại muôn vàn xót thương cho gia đình, bè bạn và đồng nghiệp.
Hỡi ôi!
Chớp giật Gia Lâm;
Bụi mù Đặng Xá.
Dẫu vẫn biết hoa thơm khó ở, cõi thế gian tiếc một cánh tươi xinh;
Nay mới thấu cỏ dại thường xanh, câu bạc mệnh khóc nửa đời xấu số.
Nhớ linh xưa:
Người vốn chăm ngoan;
Đời sao khốn khổ.
Thuở lọt lòng con út nâng niu;
Ngày đến lớp bạn bè gắn bó.
Chữ Hán khó - với Người chẳng khó, nào Cử nhân loại Giỏi, nào Thạc sĩ hạng Ưu;
Chữ Hán khó - với Người chẳng khó, nào Cử nhân loại Giỏi, nào Thạc sĩ hạng Ưu;
Cuộc đời hay - với mình cũng hay, khi sách vở lời xưa, khi văn bia chữ tỏ.
Vất vả buổi mưa buổi gió, nhà cửa không- trí tuệ lẽ nào không;
Nhọc nhằn lối dọc đường ngang, học hành có- thân cô đành ở trọ.
Lương công chức ba cọc ba đồng, mà vẫn hăng say;
Kiếp hóa sinh tay trắng lòng son, hãy còn mở ngỏ.
Khá thương thay:
Luận án viết chưa khô nét mực, bằng tiến sĩ chưa cầm chắc trong tay;
Xe cộ đi chẳng thuận cung mây, nghiệp chữ nghĩa bỗng hóa thành dang dở.
Bao nhiêu công dưỡng dục;
Bấy nhiêu nỗi nhọc nhằn.
Ôi thôi!
Đất Bắc Giang vẫn hẹn người xưa, có mẹ ngóng chờ;
Xứ Hải Dương còn chờ dâu thảo, sao con nỡ bỏ.
Lá xanh rụng- lá vàng chửa rụng, thương thay mẹ yếu thân già;
Tuổi xuân còn- tuổi trẻ khó còn, thảm bấy chồng hiền con nhỏ.
Con hãy còn u ơ trứng nước, nào hay nỗi mẹ khuất cành dâu;
Con hãy còn u ơ trứng nước, nào hay nỗi mẹ khuất cành dâu;
Chồng thì vẫn vất vả ngược xuôi, thực não cảnh nhà không bóng vợ.
Thảm thương lòng dạ, thầy thay cha đưa tiễn trò ngoan;
Nhức nhối ruột gan, bà thay mẹ nâng niu cháu đỏ;
Họ hàng tuôn hai dòng nước mắt, xót kiếp thanh xuân;
Đồng nghiệp thắp mấy nén hương thơm, thương người kém số.
Hỡi ôi! Thương thay!
Hồn có linh thiêng
Thì về nhận hưởng!
Hà Nội ngày 18 tháng 09 năm 2012
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Kính viếng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét