Trọng Thủy - Mỵ Châu và bài học cảnh giác xâm lược
Chuyện tìnhTrọng Thủy - Mỵ Châu DR
«Tôi kể người nghe chuyện Mỵ Châu», xin mượn câu thơ nổi tiếng này của nhà thơ Tố Hữu để bắt đầu một câu chuyện mang đẫm màu sắc huyền thoại của lịch sử Việt Nam trong buổi đầu dựng nước : Chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu. Cũng như tất cả các dân tộc trên thế giới, lịch sử Việt Nam thường có những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại. Đó chính là một trong những phần tinh túy và thiêng liêng nhất, nó góp phần tạo nên một sợi dây vô hình buộc chặt tâm hồn con người vào đất nước quê hương mình. Thế nhưng, giá trị lớn nhất của lịch sử là « ôn cố tri tân », tức để cho hậu thế xem xét mà rút ra những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống. Trong chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu, gấp sách lại, xin đừng tự hỏi rằng có những chỗ đáng tin hay không đáng tin, mà điều quan trọng là nên tự hỏi rằng : Câu chuyện đó muốn kí thác điều gì cho hậu thế ?
Chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu gắn liền với lịch sử ngàn năm Bắc Thuộc của nước Việt Nam thuở trước, bởi sự kiện An Dương Vương mất nước đã bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam. Câu chuyện này được sách sử ghi lại như thế nào ?
Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê
Đầu tiên đến với bộ Đại Việt sử ký toàn thư, là bộ quốc sử bằng chữ Hán viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương năm 2879 trước Công nguyên (TCN) đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê (1428-1879). Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697, được xem là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.
Về chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu, Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “ Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành (Nay còn di tích ở huyện Đông Anh, Hà Nội), lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn (Côn Lôn: Tên dãy núi Trung Quốc ở miền Tân Cương - Tây Tạng, vì thành rất cao). Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo, mới trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi khởi công đắp lại.
Bính Ngọ, năm thứ 3 (255 TCN), mùa xuân, tháng 3, chợt có thần nhân đến cửa thành, trỏ vào thành, cười mà nói rằng: " Đắp đến bao giờ cho xong! ". Vua mời vào điện hỏi, thần nhân trả lời: " Cứ đợi giang sứ đến ". Rồi cáo từ đi ngay.
Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, quả thấy có con rùa vàng bơi trên sông từ phía đông đến, xưng là giang sứ, nói được tiếng người, bàn được việc tương lai. Vua mừng lắm, để vào mâm vàng, đặt mâm lên trên điện. Vua hỏi về nguyên nhân thành sụp, rùa vàng đáp: " Đó là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báo thù nước, nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi có con quỷ, đó là người con hát thời trước chôn ở đấy hóa làm quỷ. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng, đó là dư khí của tinh, phàm người qua lại, ngủ đêm ở đấy, đều phải chết vì bị quỷ làm hại. Chúng có thể gọi nhau họp đàn lũ, làm cho sụp thành. Nếu giết con gà trắng để trừ tinh khí ấy, thì thành tự nhiên được bền vững ». Vua đem rùa vàng đến quán ấy, giả làm người ngủ trọ. Chủ quán nói : " Ngài là quý nhân, xin đi ngay, chớ lưu lại đây mà bị họa". Vua cười nói : "Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì nổi ? ".
Rồi ngủ lại quán. Đến đêm nghe tiếng tinh quỷ từ ngoài đến gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng, quỷ không vào được, đến khi gà gáy thì lũ quỷ tan chạy hết. Rùa vàng xin vua đuổi theo. Tới núi Thất Diệu thì tinh khí biến mất, vua trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng vua đã chết rồi, gọi người đến để khâm liệm đem chôn. Thấy vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán liền sụp lạy nói: " Ngài làm sao được như thế, tất phải là thánh nhân! ". Vua xin con gà trắng giết để tế. Gà chết, con gái chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi, thấy có nhạc khí cổ và xương người, đem đốt thành tro, rải xuống sông, yêu khí mới mất hẳn.
Từ đấy, đắp thành không quá nửa tháng thì xong. Rùa vàng cáo từ ra về. Vua cảm tạ, hỏi rằng: " Đội ơn ngài thành đắp đã vững, nếu có giặc ngoài đến, thì lấy gì mà chống giữ ? " Rùa vàng bèn trút chiếc móng trao cho vua và nói: " Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì ". Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (có sách chép là Cao Thông) làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ”.
Các bộ sử sau Đại Việt sử ký toàn thư
Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi lại câu chuyện như vậy, và các thế hệ sử gia đời sau cũng tiếp nối, ghi lại câu chuyện nhuốm màu thần thoại này một cách tương tự.
Một bộ sử đồ sộ khác của Việt Nam ra đời hồi thế kỷ 19 là Khâm định Việt Sử Thông Giám Cương mục do Quốc sử quán Triều Nguyễn (1802-1945) biên soạn chép rằng: “ Tháng ba, Năm Bính Ngọ 255 TCN,Thục An Dương Vương năm thứ 3, đắp xong Loa thành. Vua Thục đắp thành ở Phong Khê, rộng đến nghìn trượng, xoáy tròn như hình trôn ốc, nên gọi là Loa thành, lại gọi là thành Tư Long ”.
Đi vào chi tiết, chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu được ghi lại trong bộ sử này không có gì khác biệt so với bộ Đại Việt Sử ký toàn thư ra đời cách đó hai thế kỷ. Thế nhưng, có một nét đáng chú ý là các sử gia triều Nguyễn, khi kể lại câu chuyện này, đã ghi rất rõ : Chép theo sử cũ, mà sử cũ cụ thể là sử nào thì họ không nói rõ. Điều đó muốn nói rằng, dù câu chuyện có nhiều chi tiết hư cấu, nhưng các sử gia này xin chép lại « theo sử cũ » để cho hậu thế được biết.
Đến bộ Việt Sử Tiêu Án ra đời năm 1775 của Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ, chuyên bàn luận về những câu chuyện lịch sử còn nhiều nghi vấn, thì câu chuyện xây thành Cổ Loa và nỏ thần được ghi lại giống y như chuyện của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhưng cũng dẫn chuyện bằng ba chữ: “ Sử cũ chép…”, và còn thể hiện quan điểm rõ ràng về những chi tiết không có thật: “ Việc ma làm đổ thành, có thể tin được không? Phàm vật gì trái thường thì gọi là yêu, yêu khí thắng thì tất phải có nương tựa vào cái gì đó, nhưng mà nương tựa vào con gà và người con gái mà làm đổ được thành, thì không có lẽ nào ”.
Năm 1919, Lệ Thần Trần Trọng Kim làm quyển Việt Nam Sử Lược, dành một chương cho Nhà Thục của Thục Phán An Dương Vương, trong đó cũng ghi lại câu chuyện Thục Phán An Dương Vương xây thành Cổ Loa, rồi đến chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu, với nội dung cũng không có gì khác so với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tuy nhiên, sử gia Trần Trọng Kim cũng ghi rõ: “ Tục truyền rằng…”, đã cho thấy quá rõ ý của ông.
Còn nhiều chi tiết cần khảo cứu thêm
Không chỉ chuyện xây dựng Loa Thành và chuyện Nỏ Thần mang nhiều chi tiết khó tin, mà đến một số chi tiết trong chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu cũng còn cần phải khảo cứu thêm. Chẳng hạn như chi tiết quan trọng nhất thể hiện sự chung thủy trong mối tình này là việc Trọng Thủy nhảy xuống giếng chết để tạ tình của Mỵ Châu, cũng còn nhiều bàn cãi.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trọng Thủy có người con trai là Triệu Hồ, sau này trở thành người nối ngôi Triệu Đà vào năm 137 TCN và qua đời năm 124 TCN ở tuổi 52. Căn cứ vào năm mất và số tuổi thọ được ghi, ta thấy Triệu Hồ sinh năm 175 TCN. Ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư về cuộc đời Trọng Thủy có chỗ không lô-gich: Một mặt Trọng Thủy được xác định chết khi diệt xong Âu Lạc vào năm 208 TCN, thế mà con trai ông lại sinh vào năm 175 TCN, tức sau khi ông mất đến 33 năm. Liệu ông có còn người con nào khác chăng? Theo khảo cứu của tác giả bài viết này, thì sách sử chỉ thấy nói đến người con trai mang tên là Triệu Hồ nói trên của Trọng Thủy.
Sử ký của Tư Mã Thiên đời nhà Hán được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN cho biết, Nam Việt của Triệu Đà đánh bại Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương vào khoảng năm 179 TCN. Tuy vậy, nếu Trọng Thủy chết theo Mỵ Châu lúc này thì ông cũng không thể là cha của Triệu Hồ, vì khoảng cách từ khi ông qua đời tới khi Triệu Hồ ra đời là 4 năm. Còn nếu như giả thiết năm sinh của Triệu Hồ là 175 TCN là đúng, thì ta có thể xác định Trọng Thủy còn sống ít nhất tới năm 175 TCN chứ không tự sát vì Mỵ Châu vào năm 208 TCN.
Mặt khác, qua kết quả khảo cổ mộ Triệu Văn Vương (cháu nội của Triệu Đà, là vua thứ hai của Nam Việt) được khai quật ở Quảng Châu thuộc Quảng Đông Trung Quốc, Triệu Hồ được xác định là người qua đời ở tuổi khoảng từ 35-40 tuổi, không phải là người ngoài 50 tuổi như ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư. Nếu Triệu Hồ mất năm 124 TCN và chỉ sống có 35-40 năm, thì Trọng Thủy còn sống ít nhất tới năm 164 TCN-159 TCN và mất trước năm 137 TCN (năm mất của Triệu Đà), chứ không phải mất vào cái năm đánh bại Âu Lạc 208 TCN, tức cũng không thể nhảy xuống giếng tạ tình Mỵ Châu cho được.
Một chi tiết khác đáng chú ý nữa là, Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhà Nguyễn chỉ nhắc tới việc Trọng Thủy lừa Mỵ Châu để phá nỏ thần, rồi theo dấu lông ngỗng mà truy sát cha con An Dương Vương, chứ không nói tới việc Trọng Thủy tự vẫn chết theo Mỵ Châu và cũng không nói tới tuổi thọ của Triệu Hồ.
Bài học mất nước thời dựng nước
Đến đây ta có thể thấy rằng, dù có bỏ qua những chi tiết huyền thoại không thể chứng minh, thì chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu vẫn còn nhiều chi tiết chưa thống nhất. Vậy thì các sử gia đời trước đã trang trọng chép lại chuyện tình đầy nét huyền thoại này với mục đích là để cho hậu thế có thể « ôn cố tri tân », ngẫm nghĩ việc xưa mà rút ra bài học cho cuộc sống hiện tại.
Cũng cần nói thêm, hẳn không khỏi có những mối nghi ngại khi sử dụng tài liệu truyền thuyết. Thực ra, giới nghiên cứu đã nhiều lần có những phân tích đầy tính thuyết phục về giá trị sử liệu của truyền thuyết dân gian, đặc biệt đối với những giai đoạn lịch sử người Việt chưa có chữ viết như thời Hùng Vương - An Dương Vương. Như vậy, trong các truyền thuyết lịch sử, bao giờ bên trong vỏ bọc hoang đường thần thoại cũng chứa đựng cái cốt lõi chân thực của những sự kiện, những vấn đề lịch sử có thực.
Vậy thì, khi bỏ qua những chi tiết phép màu, chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu chứa đựng những cốt lõi lịch sử nào ? Ở đây, có hai sự thực lịch sử được phơi bài : Chuyện cái nỏ của người Âu Lạc và chuyện An Dương Vương mất nước.
Bàn về « nỏ thần » của người Việt, có lẽ vì người Việt khi ấy sử dụng rất hiệu quả vũ khí tên là « nỏ », bởi thế mà kẻ thù phương Bắc có phần khiếp sợ chăng ?
Về vấn đề này, sử gia Trần Thị Mai, Phó giáo sư, Tiến sỹ lịch sử Việt Nam, trưởng Phòng sau đại học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng :
«Nỏ là vũ khí để săn bắn thú rừng làm nguồn thức ăn. Nỏ là vũ khí để tự vệ khi đi nương, đi rẫy, đi rừng. Nỏ là vũ khí để tự vệ chống xâm lăng. Trong cuộc kháng chiến chống lại đội quân xâm lược nhà Tần (214 - 208 TCN) và trong cuộc kháng chiến chống lại đội quân xâm lược của Triệu Đà (206-179 TCN), nỏ là ưu thế quân sự của người Việt. Để chống lại đội quân xâm lược của Triệu Đà, tướng sĩ Âu Lạc đã sử dụng nỏ liên châu, một loại nỏ đã được cải tiến có thể bắn được nhiều mũi tên cùng lúc. Nhờ đó, thành Cổ Loa đã được bảo vệ vững chắc trong hơn 20 năm trước sức tấn công của quận đội nhà Triệu. Kết quả khai quật khảo cổ học tại Cổ Loa bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam vào năm 1959 đã tìm thấy lẫy nỏ và hơn 10.000 mũi tên đồng, minh chứng cho kỹ thuật chế tác nỏ và khả năng sử dụng nỏ cùng mũi tên đồng của quân dân Âu Lạc thuở ấy ».
Như vậy, câu chuyện cái nỏ là có thật, « nỏ thần » trong truyền thuyết Trọng Thủy-Mỵ Châu là để chỉ tài dùng nỏ « thần kỳ » của người Âu Lạc. Đó là một thế mạnh quân sự của người Âu Lạc làm khiếp sợ kẻ thù. Và bí quyết của sức mạnh quân sự đó đã bị kẻ thù nắm được, dẫn đến họa mất nước.
Sử gia Trần Thị Mai tổng kết bài học lịch sử đắt giá này như sau :
« Nỏ liên châu và mũi tên đồng là có thật. Trọng Thủy là nhân vật có thật, đã từng tham chiến cùng cha của ông là Triệu Đà trên chiến trường Âu Lạc. Tuy nhiên, câu chuyện Nỏ thần và chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy lại mang đậm chất hư cấu, huyền sử. Người xưa sáng tạo nên những câu chuyện này là muốn nhắc nhở chính mình và hậu thế không bao giờ được quên bài học cảnh giác, nhất là cảnh giác trước những âm mưu xảo quyệt của các thế lực ngoại xâm. Bài học về nàng Mỵ Châu "nỏ thần sơ ý trao tay giặc", về vua An Dương Vương mất cảnh giác nhận giặc làm con rể để đến nỗi "cơ đồ đắm biển sâu" thời nào cũng còn nguyên giá trị của nó ».
Đến đây ta có thể tóm lại rằng, câu chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu để lại cho hậu thế một bài học vô cùng quí giá, đó là « bài học cảnh giác trước kẻ thù xâm lược ». Và như sử gia Trần Thị Mai khẳng định, bài học này thời nào cũng còn nguyên giá trị của nó. Bởi thế, bao thế hệ sử gia Việt Nam đã trang trọng chép lại, để cho hậu thế nhìn vào mà « ôn cố tri tân ».
Để thay lời kết, sau đây xin mượn bài thơ của thi sĩ Tố Hữu, những lời thơ mà mỗi người Việt Nam luôn phải xem là «câu kinh nhật niệm» để tự nhắc nhở mình : Đừng bao giờ chủ quan để mất cảnh giác trước kẻ thù xâm lược.
" Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,
Trái tim lầm chỗ để trên đầu.
Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu ".
Nguồn: RFI Việt ngữ.
Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê
Đầu tiên đến với bộ Đại Việt sử ký toàn thư, là bộ quốc sử bằng chữ Hán viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương năm 2879 trước Công nguyên (TCN) đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê (1428-1879). Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697, được xem là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.
Về chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu, Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “ Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành (Nay còn di tích ở huyện Đông Anh, Hà Nội), lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn (Côn Lôn: Tên dãy núi Trung Quốc ở miền Tân Cương - Tây Tạng, vì thành rất cao). Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo, mới trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi khởi công đắp lại.
Bính Ngọ, năm thứ 3 (255 TCN), mùa xuân, tháng 3, chợt có thần nhân đến cửa thành, trỏ vào thành, cười mà nói rằng: " Đắp đến bao giờ cho xong! ". Vua mời vào điện hỏi, thần nhân trả lời: " Cứ đợi giang sứ đến ". Rồi cáo từ đi ngay.
Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, quả thấy có con rùa vàng bơi trên sông từ phía đông đến, xưng là giang sứ, nói được tiếng người, bàn được việc tương lai. Vua mừng lắm, để vào mâm vàng, đặt mâm lên trên điện. Vua hỏi về nguyên nhân thành sụp, rùa vàng đáp: " Đó là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báo thù nước, nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi có con quỷ, đó là người con hát thời trước chôn ở đấy hóa làm quỷ. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng, đó là dư khí của tinh, phàm người qua lại, ngủ đêm ở đấy, đều phải chết vì bị quỷ làm hại. Chúng có thể gọi nhau họp đàn lũ, làm cho sụp thành. Nếu giết con gà trắng để trừ tinh khí ấy, thì thành tự nhiên được bền vững ». Vua đem rùa vàng đến quán ấy, giả làm người ngủ trọ. Chủ quán nói : " Ngài là quý nhân, xin đi ngay, chớ lưu lại đây mà bị họa". Vua cười nói : "Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì nổi ? ".
Rồi ngủ lại quán. Đến đêm nghe tiếng tinh quỷ từ ngoài đến gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng, quỷ không vào được, đến khi gà gáy thì lũ quỷ tan chạy hết. Rùa vàng xin vua đuổi theo. Tới núi Thất Diệu thì tinh khí biến mất, vua trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng vua đã chết rồi, gọi người đến để khâm liệm đem chôn. Thấy vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán liền sụp lạy nói: " Ngài làm sao được như thế, tất phải là thánh nhân! ". Vua xin con gà trắng giết để tế. Gà chết, con gái chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi, thấy có nhạc khí cổ và xương người, đem đốt thành tro, rải xuống sông, yêu khí mới mất hẳn.
Từ đấy, đắp thành không quá nửa tháng thì xong. Rùa vàng cáo từ ra về. Vua cảm tạ, hỏi rằng: " Đội ơn ngài thành đắp đã vững, nếu có giặc ngoài đến, thì lấy gì mà chống giữ ? " Rùa vàng bèn trút chiếc móng trao cho vua và nói: " Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì ". Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (có sách chép là Cao Thông) làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ”.
Các bộ sử sau Đại Việt sử ký toàn thư
Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi lại câu chuyện như vậy, và các thế hệ sử gia đời sau cũng tiếp nối, ghi lại câu chuyện nhuốm màu thần thoại này một cách tương tự.
Một bộ sử đồ sộ khác của Việt Nam ra đời hồi thế kỷ 19 là Khâm định Việt Sử Thông Giám Cương mục do Quốc sử quán Triều Nguyễn (1802-1945) biên soạn chép rằng: “ Tháng ba, Năm Bính Ngọ 255 TCN,Thục An Dương Vương năm thứ 3, đắp xong Loa thành. Vua Thục đắp thành ở Phong Khê, rộng đến nghìn trượng, xoáy tròn như hình trôn ốc, nên gọi là Loa thành, lại gọi là thành Tư Long ”.
Đi vào chi tiết, chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu được ghi lại trong bộ sử này không có gì khác biệt so với bộ Đại Việt Sử ký toàn thư ra đời cách đó hai thế kỷ. Thế nhưng, có một nét đáng chú ý là các sử gia triều Nguyễn, khi kể lại câu chuyện này, đã ghi rất rõ : Chép theo sử cũ, mà sử cũ cụ thể là sử nào thì họ không nói rõ. Điều đó muốn nói rằng, dù câu chuyện có nhiều chi tiết hư cấu, nhưng các sử gia này xin chép lại « theo sử cũ » để cho hậu thế được biết.
Đến bộ Việt Sử Tiêu Án ra đời năm 1775 của Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ, chuyên bàn luận về những câu chuyện lịch sử còn nhiều nghi vấn, thì câu chuyện xây thành Cổ Loa và nỏ thần được ghi lại giống y như chuyện của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhưng cũng dẫn chuyện bằng ba chữ: “ Sử cũ chép…”, và còn thể hiện quan điểm rõ ràng về những chi tiết không có thật: “ Việc ma làm đổ thành, có thể tin được không? Phàm vật gì trái thường thì gọi là yêu, yêu khí thắng thì tất phải có nương tựa vào cái gì đó, nhưng mà nương tựa vào con gà và người con gái mà làm đổ được thành, thì không có lẽ nào ”.
Năm 1919, Lệ Thần Trần Trọng Kim làm quyển Việt Nam Sử Lược, dành một chương cho Nhà Thục của Thục Phán An Dương Vương, trong đó cũng ghi lại câu chuyện Thục Phán An Dương Vương xây thành Cổ Loa, rồi đến chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu, với nội dung cũng không có gì khác so với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tuy nhiên, sử gia Trần Trọng Kim cũng ghi rõ: “ Tục truyền rằng…”, đã cho thấy quá rõ ý của ông.
Còn nhiều chi tiết cần khảo cứu thêm
Không chỉ chuyện xây dựng Loa Thành và chuyện Nỏ Thần mang nhiều chi tiết khó tin, mà đến một số chi tiết trong chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu cũng còn cần phải khảo cứu thêm. Chẳng hạn như chi tiết quan trọng nhất thể hiện sự chung thủy trong mối tình này là việc Trọng Thủy nhảy xuống giếng chết để tạ tình của Mỵ Châu, cũng còn nhiều bàn cãi.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trọng Thủy có người con trai là Triệu Hồ, sau này trở thành người nối ngôi Triệu Đà vào năm 137 TCN và qua đời năm 124 TCN ở tuổi 52. Căn cứ vào năm mất và số tuổi thọ được ghi, ta thấy Triệu Hồ sinh năm 175 TCN. Ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư về cuộc đời Trọng Thủy có chỗ không lô-gich: Một mặt Trọng Thủy được xác định chết khi diệt xong Âu Lạc vào năm 208 TCN, thế mà con trai ông lại sinh vào năm 175 TCN, tức sau khi ông mất đến 33 năm. Liệu ông có còn người con nào khác chăng? Theo khảo cứu của tác giả bài viết này, thì sách sử chỉ thấy nói đến người con trai mang tên là Triệu Hồ nói trên của Trọng Thủy.
Sử ký của Tư Mã Thiên đời nhà Hán được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN cho biết, Nam Việt của Triệu Đà đánh bại Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương vào khoảng năm 179 TCN. Tuy vậy, nếu Trọng Thủy chết theo Mỵ Châu lúc này thì ông cũng không thể là cha của Triệu Hồ, vì khoảng cách từ khi ông qua đời tới khi Triệu Hồ ra đời là 4 năm. Còn nếu như giả thiết năm sinh của Triệu Hồ là 175 TCN là đúng, thì ta có thể xác định Trọng Thủy còn sống ít nhất tới năm 175 TCN chứ không tự sát vì Mỵ Châu vào năm 208 TCN.
Mặt khác, qua kết quả khảo cổ mộ Triệu Văn Vương (cháu nội của Triệu Đà, là vua thứ hai của Nam Việt) được khai quật ở Quảng Châu thuộc Quảng Đông Trung Quốc, Triệu Hồ được xác định là người qua đời ở tuổi khoảng từ 35-40 tuổi, không phải là người ngoài 50 tuổi như ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư. Nếu Triệu Hồ mất năm 124 TCN và chỉ sống có 35-40 năm, thì Trọng Thủy còn sống ít nhất tới năm 164 TCN-159 TCN và mất trước năm 137 TCN (năm mất của Triệu Đà), chứ không phải mất vào cái năm đánh bại Âu Lạc 208 TCN, tức cũng không thể nhảy xuống giếng tạ tình Mỵ Châu cho được.
Một chi tiết khác đáng chú ý nữa là, Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhà Nguyễn chỉ nhắc tới việc Trọng Thủy lừa Mỵ Châu để phá nỏ thần, rồi theo dấu lông ngỗng mà truy sát cha con An Dương Vương, chứ không nói tới việc Trọng Thủy tự vẫn chết theo Mỵ Châu và cũng không nói tới tuổi thọ của Triệu Hồ.
Bài học mất nước thời dựng nước
Đến đây ta có thể thấy rằng, dù có bỏ qua những chi tiết huyền thoại không thể chứng minh, thì chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu vẫn còn nhiều chi tiết chưa thống nhất. Vậy thì các sử gia đời trước đã trang trọng chép lại chuyện tình đầy nét huyền thoại này với mục đích là để cho hậu thế có thể « ôn cố tri tân », ngẫm nghĩ việc xưa mà rút ra bài học cho cuộc sống hiện tại.
Cũng cần nói thêm, hẳn không khỏi có những mối nghi ngại khi sử dụng tài liệu truyền thuyết. Thực ra, giới nghiên cứu đã nhiều lần có những phân tích đầy tính thuyết phục về giá trị sử liệu của truyền thuyết dân gian, đặc biệt đối với những giai đoạn lịch sử người Việt chưa có chữ viết như thời Hùng Vương - An Dương Vương. Như vậy, trong các truyền thuyết lịch sử, bao giờ bên trong vỏ bọc hoang đường thần thoại cũng chứa đựng cái cốt lõi chân thực của những sự kiện, những vấn đề lịch sử có thực.
Vậy thì, khi bỏ qua những chi tiết phép màu, chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu chứa đựng những cốt lõi lịch sử nào ? Ở đây, có hai sự thực lịch sử được phơi bài : Chuyện cái nỏ của người Âu Lạc và chuyện An Dương Vương mất nước.
Bàn về « nỏ thần » của người Việt, có lẽ vì người Việt khi ấy sử dụng rất hiệu quả vũ khí tên là « nỏ », bởi thế mà kẻ thù phương Bắc có phần khiếp sợ chăng ?
Về vấn đề này, sử gia Trần Thị Mai, Phó giáo sư, Tiến sỹ lịch sử Việt Nam, trưởng Phòng sau đại học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng :
«Nỏ là vũ khí để săn bắn thú rừng làm nguồn thức ăn. Nỏ là vũ khí để tự vệ khi đi nương, đi rẫy, đi rừng. Nỏ là vũ khí để tự vệ chống xâm lăng. Trong cuộc kháng chiến chống lại đội quân xâm lược nhà Tần (214 - 208 TCN) và trong cuộc kháng chiến chống lại đội quân xâm lược của Triệu Đà (206-179 TCN), nỏ là ưu thế quân sự của người Việt. Để chống lại đội quân xâm lược của Triệu Đà, tướng sĩ Âu Lạc đã sử dụng nỏ liên châu, một loại nỏ đã được cải tiến có thể bắn được nhiều mũi tên cùng lúc. Nhờ đó, thành Cổ Loa đã được bảo vệ vững chắc trong hơn 20 năm trước sức tấn công của quận đội nhà Triệu. Kết quả khai quật khảo cổ học tại Cổ Loa bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam vào năm 1959 đã tìm thấy lẫy nỏ và hơn 10.000 mũi tên đồng, minh chứng cho kỹ thuật chế tác nỏ và khả năng sử dụng nỏ cùng mũi tên đồng của quân dân Âu Lạc thuở ấy ».
Như vậy, câu chuyện cái nỏ là có thật, « nỏ thần » trong truyền thuyết Trọng Thủy-Mỵ Châu là để chỉ tài dùng nỏ « thần kỳ » của người Âu Lạc. Đó là một thế mạnh quân sự của người Âu Lạc làm khiếp sợ kẻ thù. Và bí quyết của sức mạnh quân sự đó đã bị kẻ thù nắm được, dẫn đến họa mất nước.
Sử gia Trần Thị Mai tổng kết bài học lịch sử đắt giá này như sau :
« Nỏ liên châu và mũi tên đồng là có thật. Trọng Thủy là nhân vật có thật, đã từng tham chiến cùng cha của ông là Triệu Đà trên chiến trường Âu Lạc. Tuy nhiên, câu chuyện Nỏ thần và chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy lại mang đậm chất hư cấu, huyền sử. Người xưa sáng tạo nên những câu chuyện này là muốn nhắc nhở chính mình và hậu thế không bao giờ được quên bài học cảnh giác, nhất là cảnh giác trước những âm mưu xảo quyệt của các thế lực ngoại xâm. Bài học về nàng Mỵ Châu "nỏ thần sơ ý trao tay giặc", về vua An Dương Vương mất cảnh giác nhận giặc làm con rể để đến nỗi "cơ đồ đắm biển sâu" thời nào cũng còn nguyên giá trị của nó ».
Đến đây ta có thể tóm lại rằng, câu chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu để lại cho hậu thế một bài học vô cùng quí giá, đó là « bài học cảnh giác trước kẻ thù xâm lược ». Và như sử gia Trần Thị Mai khẳng định, bài học này thời nào cũng còn nguyên giá trị của nó. Bởi thế, bao thế hệ sử gia Việt Nam đã trang trọng chép lại, để cho hậu thế nhìn vào mà « ôn cố tri tân ».
Để thay lời kết, sau đây xin mượn bài thơ của thi sĩ Tố Hữu, những lời thơ mà mỗi người Việt Nam luôn phải xem là «câu kinh nhật niệm» để tự nhắc nhở mình : Đừng bao giờ chủ quan để mất cảnh giác trước kẻ thù xâm lược.
" Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,
Trái tim lầm chỗ để trên đầu.
Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu ".
Nguồn: RFI Việt ngữ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét