Blogger Widgets

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

ĐÃ CÓ THỂ KHÉP LẠI CÂU CHUYỆN "CANH GÀ THỌ XƯƠNG"

Sự thật về chữ “canh” trong “canh gà Thọ Xương” 

Thứ tư 17/10/2012   23:41

ANTĐ - Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để nói về tiếng gà báo canh người ta viết chữ 更, bát canh cũng có thể viết là 更. Tuy nhiên, xét về văn cảnh trong cả 4 câu, thì chữ "canh" ở đây được hiểu là tiếng gà báo canh.
Sau sự việc của cô giáo Thủy - trường THCS Lomonoxop, trên một số diễn đàn mạng, có một số ý kiến cho rằng, "canh gà Thọ Xương" là nói về ẩm thực, ý kiến này nhận được vô số lời bàn luận bởi từ trước tới nay, "canh gà Thọ Xương" luôn được giảng dạy và được hiểu là tiếng gà gáy báo canh. 

Thậm chí có người đọc còn lấy dẫn chứng rằng: “trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh cũng chép bài thơ này. Xin lưu ý, Dương Khuê viết thơ bằng chữ Nôm, nỏ phải chữ Quốc ngữ. Nguyên văn viết chữ Canh là (bát canh, món canh), không phải (canh khuya, canh chầy)”. 

Để làm rõ hơn thực hư của chữ “canh” trong “canh gà Thọ Xương” đang gây xôn xao dư luận, PV ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, hiện có 2 luồng ý kiến, một cho rằng, đây là bài ca dao của người Việt đã được văn bản hóa, có ý kiến cho rằng đây là bài thơ của nhà thơ Dương Khuê - hiệu là Vân Trì.

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh đã tìm trong sách
Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư tiên sinh ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và chưa tìm thấy bài thơ như trên, mà bài thơ này nằm trong cuốn Vân Trì thi thảo (mang ký hiệu VHv. 2482, đang lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). 

Bài thơ có tên đề là Hà Nội t cảnh với 4 câu thơ chữ Nôm:“Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh () gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Tiếng chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
 

4 câu thơ chữ Nôm được viết trong Vân Trì thi thảo,
chữ "canh" được đánh dấu bằng vòng tròn đỏ

Về chữ “canh” trong câu “canh gà Thọ Xương”, theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, viết chữ 更 để nói về tiếng gà báo canh, không có chữ Canh 羹 (bát canh, món canh) như ý kiến mà độc giả nêu ra; còn canh (món ăn) cũng có thể viết là chữ 更 này. Trong văn cảnh của bài thơ này thì nên hiểu “canh” là canh giờ, “canh gà Thọ Xương” là tiếng gà gáy báo canh ở Thọ Xương - Hà Nội. Còn chữ “canh” là 羹, theo từ điển được hiểu là món canh, hoặc là nấu canh.

Xét từ ý bài thơ trong cuốn
 Vân Trì thi thảolà tả cảnh Tây Hồ vào lúc trăng tà các sư thỉnh chuông chùa cũng là lúc gà gáy báo canh, như vậy nên mới có câu “tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Theo quan niệm tính giờ ngày xưa, đêm có 5 canh: Canh 1 là từ 19h - 21h, Canh 2 là từ 21h - 23h, Canh 3 là từ 23h - 1h, Canh 4 là từ 1h - 3h, Canh 5 là từ 3h - 5h.


Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, trong văn cảnh của bài thơ này thì nên hiểu “canh” là canh giờ, “canh gà Thọ Xương” là tiếng gà gáy báo canh ở Thọ Xương - Hà Nội
 .
PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh đưa ra thêm dẫn chứng trong Tổng tập ca dao người Việt (Quốc ngữ) cũng có những bài gắn “tiếng chuông” với “tiếng gà gáy báo canh”, như: 
Có thương thì thương, không thương thì nói
Làm chi lần lần lữa lữa, như hẹn nợ thêm buồn
Trên chùa đã động tiếng chuông
Gà Thọ Xương đã gáy, chim trên nguồn đã kêu”, 
hay:

"Đêm năm canh gà kia gáy thúc
Gió nam phong thổi giục cây sầu",...

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh cho rằng, việc hiểu “canh gà Thọ Xương” trong bài thơ Hà Nội Tây cảnh hay trong bài ca dao (Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ) là "bát canh gà" thì ông chưa được học!

Từ sự việc này, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh cho biết thêm, ví như từ “vấn nạn”
, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay dùng từ “vấn nạn”, như những câu “tham nhũng đã trở thành vấn nạn của xã hội”, hay “bệnh thành tích trong giáo dục là vấn nạn hiện nay”,... ông tin chắc rằng, người viết hay nói từ này chưa tra cứu nghĩa gốc từ “vấn nạn”. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì “vấn nạn” nghĩa là: đặt lời hỏi để làm rầy người ta, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì “vấn nạn” là vặn hỏi lẽ khó khăn. Còn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) chưa có mục từ “vấn nạn”. PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh cũng nhấn mạnh, hiện trong xã hội, còn nhiều từ được hiểu sai, dùng sai đã gây nên những sự cố đáng tiếc!

Thu Hà 
Nguồn: An Ninh thđô.

Lời đính chính trên FB Phan Quang Minh:
ĐÍNH CHÍNH: Hôm qua tôi có share một stt của bác Le Quang về việc Vũ Bằng (được cho là) đã viết tay một bài thơ liên quan đến món "canh gà Thọ Xương". Cũng trong stt của bác Lê Quang, tôi có đọc được và cũng đưa lên stt comment của một bác (xin được giấu tên) cho rằng trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh có tại thư viện Viện Hán Nôm có chép bài thơ Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê bằng chữ Nôm, trong đó chữ Canh được viết là là 羹 (bát canh) chứ không phải 更 (canh khuya). Cũng chính bác xin giấu tên này là tác giả của giả thuyết được đưa lên mạng mấy hôm nay, cho rằng trong sách trên có chép bài thơ Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê. Tôi đã nhờ anh Xuân Diện ở Viện Hán Nôm tra lại cuốn sách trên, nhưng anh Diện cho biết không hề có. Hôm nay, bác Lê Quang và bác xin giấu tên kia đã khẳng định đây chỉ là trò đùa. Và những câu thơ (được cho là của Dương Khuê) trong bài Tối ức Thọ Xương thang hoàn toàn là do bác kia tự phóng tác ra. Stt của Lê Quang có hơn 300 người share, sau đó xuất hiện cả trên các blog khác với tốc độ lan truyền chóng mặt.

Vậy xin nói lại cho rõ, rằng những vấn đề trên hoàn toàn không có thực, chỉ là trò đùa của hai bác nói trên. Rất mong mọi người cẩn trọng trong việc đưa và phát tán những thông tin này, tránh gây ra ngộ nhận cho người đọc. (Nguồn: FB Phan Quang Minh).



Mời xem lại: ĐÃ TÌM THẤY CÂU THƠ "CANH GÀ THỌ XƯƠNG" TRONG "DƯƠNG GIA PHẢ KÝ"

Tễu: Như thế, thật là đđầy, chắc chắn, khả tín để có thể kết luận: Dương Khuê là tác giả của bài thơ viết về Hà Nội, mà ngày nay được phổ biến với bốn câu: Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ. Và "canh gà Thọ Xương" chỉ có thể là tiếng gà gáy báo sang canh ở Thọ Xương - Hà Nội.   

Vì những lđó,  chủ đề "Canh gà Thọ Xương"có lẽ nên khép lại ở đây! 

P/S: Bây giờ là 3h45, tức là giữa canh năm, mong trời mau sáng đđến Thư viện, cầm trên tay văn bản này để tận mắt trông thấy bài thơ.  


08h30, ngày 18 tháng 10, tôi đã mượn cuốn sách Vân Trì thi thảo (VHv. 2482) và đã đọc được bài thơ Hà Nội tcảnh ở trang 25b. Nay xin xác nhận với chư vị! (hình ảnh cầm trên tay văn bản VHv.2482). 

11h30: Chuyết Chuyết tiên sinh cung cấp thêm tư liệu về chữ "Canh gà": 

“Canh gà” là một từ được dịch từ cụm “kê canh”, hay “ngũ kê canh”, “ngũ thời canh”. Trong tiếng Hán, “ngũ kê canh” có hai nghĩa.

1. Tiếng gà kêu báo canh trong đêm. Quách Hiến đời Hán trong bài Động minh ký ghi: “gà đêm giữ chức, theo dịp trống canh mà gáy không thôi, từ đêm cho đến sáng, canh một là một tiếng, canh năm là năm tiếng, nên gọi là ‘ngũ thời kê’” (有司夜鸡,随鼓节而鸣不息,从夜至晓,一更为一声,五更为五声。亦曰五时鸡). Hoàng Tuân Hiển đời Thanh trong bài “Sơn ca” có câu:  vãn thủy Tây lưu tưởng vô pháp, tòng kim bất dưỡng ngũ canh kê 挽水西流想无法,从今不养五更鸡 nghĩa là “tưởng chẳng có cách nào kéo được nước chảy về Tây, từ nay chẳng nuôi gà báo năm canh nữa”. 

Chú thích: “gà đêm giữ chức”, theo truyền thuyết thời cổ thần gà (gọi là Thiên Kê) giữ chức vụ (hữu ti) báo thời gian ban đêm.

2. Ngũ canh kê: cái lồng làm bằng gỗ, trúc hay kim loại, trong có đặt đèn dầu, tiện cho việc đặt bếp nấu thức ăn trong đêm, tức là một loại lò chuyên dùng ban đêm. Ba Kim trong bài “Thu” có câu: “anh hãy rót cho cậu ta một chén trà nóng [đang nấu] trên lò (ngũ canh kê) nhé” (“你把五更鸡上煨的春茶给他倒一杯).

*Tranh dân gian Đông H. Chữ trên tranh: Dạ xướng ngũ canh hòa

Đến đây, mời chư vị thưởng thức bài Quan họ lời cổ "Đêm qua nhớ bạn" 
qua giọng ca Quý Tráng & Thúy Cải:

Đêm hôm qua, mình tôi nhớ bạn 
Tôi buồn về ai
Tai tôi nghe con gà cầm canh nó gáy 
Buồn lại ngâm câu thơ
Dế nó lại giăng theo.... 



************************************************************************************************************************


Thư cám ơn của Ông Dương Nghiệp Bảo 

20/10/2012 
Thân gửi anh Nguyễn Xuân Diện, 

Mấy hôm trước chúng tôi có theo dõi vụ tranh luận sôi nổi về đề tài "canh gà Thọ Xương". Blog Hiệu Minh có hỏi ý kiến chúng tôi, nhưng anh đã giúp gỡ rối và chứng minh rất cụ thể, hầu làm sáng tỏ "một vụ thắc mắc trong Văn Học Cổ VN ". Chúng tôi rất cảm kích và ngưỡng mộ những ý kiến và dẫn chứng của anh (nói riêng), và Viện Hán Nôm (nói chung). Thay mặt gia tộc họ Dương, chúng tôi thành thật cám ơn anh rất nhiều.

Dương Nghiệp Bảo

__________________________________
Đọc thêm: Câu chuyện "canh gà", Nguyễn Xuân Diện trả lời PV của RF
trước khi PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh công bố bản Nôm trên. 

Câu chuyện “canh gà”
2012-10-20
Chương trình VHNT kỳ này xin giới thiệu bốn câu thơ đơn giản nhưng lại là đề tài cho nhiều câu chuyện bên lề khó quên. Hai chữ “canh gà” trong câu thơ vốn mang ý nghĩa là thời khắc vào ban đêm thì lại được không ít người diễn giải trệch ra thành một món canh thịt gà, có nguồn gốc từ xóm Thọ Xương Hà Nội. 

Trong kho tàng văn học Việt Nam bốn câu thơ:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

đã được rất nhiều người, nhiều thế hệ nhớ tới như một phẩm vật văn hóa quý giá được lưu truyền trong dân gian.

Bốn câu thơ đơn giản này lại là đề tài cho nhiều câu chuyện bên lề khó quên. Hai chữ “canh gà” trong câu thơ vốn mang ý nghĩa là thời khắc vào ban đêm thì lại được không ít người diễn giải trệch ra thành một món canh thịt gà, có nguồn gốc từ xóm Thọ Xương Hà Nội. Từ những ý tưởng trái nghịch này, hai chữ canh gà ra tới hải ngoại với một căn cước mới bằng tiếng Anh là “chicken soup”, từ đó nhiều khi người đọc bối rối không biết cái bát súp gà kia tại sao lại chiếm thời gian của nhiều người đến thế.

Thật ra điểm mấu chốt của bài thơ khiến người ta thường lầm lẫn vì nghĩ rằng nó là bốn câu ca dao được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Tác giả của bốn câu thơ thân quen này là ai và điều gì làm cho nó nổi tiếng như vậy?

Mặc Lâm mời quý vị theo dõi câu chuyện này qua cuộc trao đổi giữa chúng tôi và TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện để tìm hiểu thêm về một tác giả mà chính ông Diện do cơ duyên trong khi đi nghiên cứu đã tìm thấy câu trả lời thú vị từ một dòng họ nức tiếng của đất Hà Thành. 

Của tác giả Dương Khuê 

Mặc Lâm: Thưa xin chào TS. Như chúng ta đã biết vài ngày qua dư luận đã dấy lên một cơn lốc phản ứng trước việc một cô giáo bỏ qua chi tiết sai trong một bài luận văn của một học sinh khi em này viết rằng “canh gà Thọ Xương” là một món canh gà rất ngon. Cô giáo này cho biết là do sơ ý chứ không phải vì thiếu kiến thức hay chủ quan trong vấn đề giảng dạy.

Nhân câu chuyện lầm lẫn này chúng tôi được biết TS là người có cơ may tiếp cận được với các văn bản có liên quan đến bài thơ này từ rất sớm chứng minh bốn câu thơ này là của một tác giả uyên thâm, đó là cụ Dương Khuê chứ không phải là ca dao như nhiều người thường nghĩ. Câu chuyện bắt đầu như thế nào thưa TS?

TS Nguyễn Xuân Diện: Khoảng năm 1993 tôi có đưa một bạn sinh viên của ngành Hán Nôm tới Vân Đình tức là thủ phủ của huyện Ứng Hòa mà ngày xưa là huyện Ứng Thiên, bây giờ là huyện Ứng Hòa của Hà Nội để làm một bài luận văn tốt nghiệp đại học về sự nghiệp giáo dục của Dương Lâm, vì lúc ấy tôi cũng tranh thủ nghiên cứu về thơ văn của các tác giả họ Dương.

Ở đây nhân vật mà tôi muốn đề cập đến là tác giả Dương Khuê. Ngoài chuyện quan tâm đến ca trù thì tôi có để ý đến một số thơ văn khác của cụ nghè Vân Đình tức là cụ Dương Khuê.

Lúc bấy giờ một cụ trưởng tộc họ Dương đã trao cho chúng tôi một bản photo của cuốn Dương Gia Phả Ký. Cuốn Dương Gia Phả Ký này là một bản đánh máy bằng chữ quốc ngữ trên giấy Tây do Dương Thiết Thiệu Cương vào cuối mùa hạ Quý Sửu tức là năm 1943 1973 và đã được một nhà nghiên cứu về gia phả học rất nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 do Nhã Dã Lan Nguyễn Đức Dụ in ấn. Cuốn Dương Gia Phả Ký này gồm có 122 trang, ngoài việc chép các sinh hoạt của gia tộc họ Dương bắt đầu từ cụ Dương Phan Quang thì còn chép rất nhiều thơ văn, đối liễn của các tác giả họ Dương này.

Bắt đầu từ trang 106 thì có chép thi ca của cụ Dương Khuê, tức cụ nghè Vân Đình biệt hiệu là Vân Trì. Cũng ngay trang này ở bài thứ hai thì có bài Hà Thành Tức Cảnh có bốn câu thơ có một vài chữ khác với bài thơ mà chúng ta vẫn thường bắt gặp đó là:

Phất phơ cành trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

Căn cứ vào đề từ của bài thơ chúng ta thấy Hà Thành ở đây tức là Hà Nội và như vậy Thọ Xương là địa danh thuộc Hà Nội.

Mặc Lâm: Thưa xin được ngắt lời TS, còn chữ An Thái thì có người cũng viết là Yên Thái, có gì khác  nhau giữa hai danh từ này?

TS Nguyễn Xuân Diện: Trong văn bản viết thì An Thái thực ra là Yên Thái vì trong chữ Hán thì chữ An và chữ Yên viết là một chữ nhưng có hai âm đọc. Đấy là cái văn bản mà chúng tôi được thấy bài thơ này trong Dương Gia Phả Ký và từ đó đến nay thì luôn luôn chúng tôi để ý tìm trong các thi văn của các tác giả họ Dương ở Vân Đình. Trong kho sách của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm cũng như trong các trang thư cá nhân khác, tuy nhiên chúng tôi chưa tìm thấy bài thơ này viết bằng văn bản Hán Nôm.

Trong cuốn “Tâm trạng Dương Lâm - Dương Khuê” xuất bản lần đầu vào năm 1995 và tái bản năm 2005 của tác giả Dương Thiệu Tống, cụ là giáo sư Tiến sĩ và là cháu nội của cụ Dương Lâm đã cho biết bài thơ đó chép theo Dương Gia Phả Ký và cuốn Luận đề về Dương Khuê mà cuốn này lại do Nguyễn Duy Diễn xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1960.

Như vậy ngay từ năm 1960 thì tài liệu Luận đề về Dương Khuê đã khẳng định Hà Thành Tức Cảnh là của Dương Khuê nhưng lần giở xa xôi hơn nữa thì trong cuốn Văn Đàn Bảo Giám là tuyển tập thi ca do Trần Trung Duyên Viên sưu tập, cụ Dương Bá Trạc đề tựa, sau đấy cụ Tản Đà cũng đề tựa vào năm 1934 có ba tập xuất bản từ năm 1926 cho đến năm 1938 thì trọn bộ. Bài Hà Thành Tức Cảnh được chép trong các sách đó cũng ghi tác giả là Dương Khuê. Văn Đàn Bảo Giám xuất bản sau khi Dương Khuê tạ thế khoảng 2-30 năm. Như vậy khi Văn Đàn Bảo Giám xuất hiện thì các con cháu của các cụ Dưong Lâm và Dương Khuê vẫn còn đang sống và do đó rất đáng tin.

Tôi cho rằng bài thơ Hà Thành Tức Cảnh mà sau đó người ta cứ tưởng là một bài ca dao thì đích thực là của tác giả Dương Khuê.

Mặc Lâm: Thưa TS nhiều người rất bối rối vì sự xuất hiện của câu thơ khác hẳn những gì mà chúng ta đang bàn ở đây vì địa danh thì gống nhưng địa điểm danh thắng thì hoàn toàn khác đó là câu:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.
TS có giải thích thế nào về cái khác nhau giữa Trấn Võ và Thiên Mụ?

TS Nguyễn Xuân Diện: Khi người ta đọc câu:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ…

Theo như cụ Hoàng Đạo Thúy thì nói bài này ở Hà Nội, thế nhưng trong một bút ký của học giả Phạm Quỳnh trong những ngày ở Huế có tả một đoạn nói về Thiên Mụ và học giả Phạm Quỳnh có bình là: “cả hồn thơ xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là cái danh lam có tháp bảy tầng ở ngay bờ sông Hương. Làng Thọ Xương thì ở bên kia song, ban đêm nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng giữa khoảng trời nước long lanh mà cảm, đọc thành câu ca ấy mới rõ cái tính tình người xứ Huế”.

Như vậy cụ học giả Phạm Quỳnh đã dùng ý tứ của cụ Dương Khuê để viết lại cho hợp với địa danh của Huế có chùa Thiên Mụ và làng chài Thọ Xương, hay còn gọi là Thọ Khương, hay Thọ Cương, hoặc là Long Thọ Cương. Theo như nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thanh của Viện Hán Nôm thì cho rằng Phạm Quỳnh viết dựa trên câu thơ của Dương Khuê hoặc từ kinh nghiện văn hóa dân gian bản địa.

Đấy là quá trình truyền bản của mấy câu thơ liên quan đến

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương…
 

Không phải 'canh gà' 

Mặc Lâm: Sau khi cô giáo dạy văn cho điểm tám đối với bài viết về canh gà của một học sinh mô tả đây là loại súp gà rất ngon thì dư luận lại đưa ra nhiều câu chuyện minh chứng cho bài viết của em học sinh này là đúng.
Đáng chú ý là một bài viết cho rằng còn trong thư viện của Viện Hán Nôm với ký hiệu hẳn hoi cũng của cụ Dương Khuê tên là “Vân Đình Tiến sĩ Dưong Khuê Thượng thư Tiên sinh”, nhưng cụ kể câu chuyện của mình về hai chữ “canh gà” là do cụ viết ca ngợi món canh gà rất ngon tại ngõ Thọ Xương Hà Nội. Việc này thực hư thế nào thưa TS?

TS Nguyễn Xuân Diện: Mấy người trên mạng nói là đã đến Viện Hán Nôm và tìm cuốn này với ký hiệu là A.2185, trong đó có chép bài thơ gọi là Tối Ức Thọ Xương Thang tức là nhớ nhất món canh Thọ Xương của cụ Dương Khuê. Đấy chỉ là những điều họ bày đặt ra cho vui vẻ trong thời gian căng thẳng như thế này thôi chứ không phải là một câu chuyện thật.

Mặc Lâm: Cũng có một câu chuyện trên mạng kể rằng bốn câu thơ này nói về món canh gà trong thực đơn của nhà văn Vũ Bằng vì nhà văn này từng nổi tiếng với những món ngon Hà Nội… Câu chuyện này rõ ràng là khó tin vì nhà văn Vũ Bằng chỉ là một hậu bối so với sự xuất hiện của bốn câu thơ này. TS thấy sao?

TS Nguyễn Xuân Diện: Có người cho rằng canh gà là một món ăn nhưng không ai đưa ra một tác phẩm nào chứng minh rằng đúng là món canh gà trong câu thơ này. Có một tác giả là Lê Quang, kể một câu chuyện rất lâm ly khi ông ấy đến gặp một cụ già năm nay đã 95 tuổi cho biết là ngày xưa đã giao du với Nguyễn Bính, Đinh Hùng và các nhà thơ khác.

Tác giả Lê Quang kể một câu chuyện là khi ông ấy đến hỏi cụ già ấy về canh gà Thọ Xương thì cụ ấy đã rón rén mở một tập tài liệu ra trong đó có những trang thủ bút của nhà văn Vũ Bằng đã hoen mực và ông ấy viết là Canh gà Thọ Xương là một cái tên trong các món ăn Hà Nội lúc bấy giờ.

Tất nhiên người cung cấp câu chuyện không có một bức ảnh cho thấy cái gọi là thủ bút ấy của nhà văn Vũ Bằng. Khi công dân mạng người ta dồn quá thì anh này thú nhận là anh ta bịa ra cho vui thôi.

Mặc Lâm: Để kết thúc câu chuyện về canh gà hôm nay theo TS thì chi tiết văn chương nào chứng minh rằng canh gà Thọ Xương là nói về thời gian mà hoàn toàn không dính líu gì tới món ăn như những người thích đùa nêu ra …
 
TS Nguyễn Xuân Diện: Trong tình hình hiện nay chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn là bốn câu thơ này vốn xuất phát từ bốn câu:

Phất phơ cành trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

vốn là của Vân Trì Dương Khuê người ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội.

Trong câu Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương thì nó đã dựng lên một tiểu đối trong phép làm thơ lục bát rất đẹp. “Tiếng chuông Trấn Võ” đối với “Canh gà Thọ Xương”. Tiếng chuông gồm có chuông sáng và chuông chiều nói về quy định  thời gian trong nhà chùa. Canh gà thì nói về thời khắc chia thời gian trong đêm. Như vậy tiếng chuông Trấn Võ là một cách để người ta chỉ thời gian của sinh hoạt về tôn giáo. Canh gà Thọ Xương là tiếng gà gáy trong các vùng quê ven Hồ Tây thì đấy là tiếng báo giờ trong dân gian, nó tạo nên một tiểu đối và cả bài thơ tả một cảnh yên bình, đẹp đẽ và thơ mộng của Hồ Tây chứ không thể lẫn vào món canh gà như là bát canh, bát súp gà được.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Nguyễn Xuân Diện.

Thưa quý thính giả, vậy là chúng ta có thể yên tâm khi đã có tài liệu khả tín về bốn câu thơ dễ thương này. Hy vọng rằng từ nay, mỗi khi nghe tiếng võng kẽo kẹt trưa hè của ai đó đưa con bằng bốn câu lục bát chân phương này chúng ta sẽ không nghe mùi hương ngào ngạt từ một chị gà mái nào đó mà thay bằng mùi hương hoa bưởi, hoa lài của một Hà Nội lung linh tiếng chuông chùa Trấn Võ.

Dù hiểu bài thơ bằng cách nào cũng cho thấy tình yêu thương của người dân ba miền đã thấm đẫm cái hồn cốt Trấn Võ, Thọ Xương vào sâu trong đời sống của họ. Yên Thái tuy ngày nay không còn tiếng chày vào buổi sáng mịt mùng nhưng Tây Hồ vẫn đời đời lung linh sắc xám của những buổi sáng đẫm sương Hà Nội.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét