Một lời đàn hặc, Tể tướng mất chức
Bùi Xuân Đính
Thượng thư Bộ Lại đang làm việc |
Tháng Tám năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính Hòa đời Vua Lê Hy Tông (tháng 9 năm 1682), trong triều Lê - Trịnh xôn xao vì một có một tờ Sớ được gửi lên chúa Trịnh Tạc khi đó đang nắm thực quyền. Sự kiện gây xôn xao không chỉ vì xảy ra lần đầu trong triều, mà còn vì người bị đàn hặc là Nguyễn Mậu Tài, đương kim Tham tụng (Tể tướng đầu triều, tương đương như Thủ tướng ngày nay) kiêm Thượng thư bộ Lại - bộ có quyền hành cao nhất của triều đình, lo việc thăng, giáng, thuyên bổ quan lai; còn người đứng ra đàn hặc là Nguyễn Viết Đương chỉ là Tham chính sứ Thanh Hoa (chức quan hành chính ở trấn Thanh Hoa, tức tỉnh Thanh Hóa ngày nay).
Vậy căn nguyên của việc đàn hặc đó là gì và kết cục ra sao ?
Số là, vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XVII, Nguyễn Mậu Tài là Tham tụng kiêm Thượng thư đã câu kết với Tham tụng kiêm Thượng thư bộ Công Hồ Sĩ Dương, cũng là thông gia của mình để mưu lợi riêng. Thế lực của hai viên Tham tụng - Thượng thư - thông gia đó rất lớn, nên các quan trong triều đều sợ và kiêng nể.
Nhưng chỉ riêng Nguyễn Viết Đương khi đó đang làm Tham chính sứ Thanh Hoa là người dám nói. Trong tờ Sớ của ông gửi lên chúa trịnh có đoạn :
“Chính sự của một nước gắn liền với viên Tể tướng, mọi việc chính sự được tiến hành hay bị bỏ bễ là do người Tể tướng chính trực hay gian tà. Nay Nguyễn Mậu Tài từ khi cầm quyền chính đến giờ, ghen người hiền đức, ghét kẻ tài năng, kéo bè kéo đảng, gửi gắm riêng nhau. Mậu Tài cùng với Hồ Sĩ Dương kết làm thông gia, mỗi khi bàn luận chính sự thì bên xướng bên hoạ, một đồng một cốt, bưng bít che lấp tai mắt bề trên, không giữ phép công, lại chỉ thông đồng với kẻ gian ác. Như vậy thật không xứng đáng với sự ủy nhiệm của bề trên. Mấy năm nay, nào động đất, nào lụt lội, nào hạn hán, nào hoàng trùng, sự gở lạ nhiều lần xuất hiện. Thế mà Mậu Tài không biết trách mình, lại đổ lỗi cho người trên. Các bầy tôi ở bên dưới đều phải kiêng nể, không nói thì còn ai dám vạch thẳng những điều sai trái của Mậu Tài nữa ? Vậy mong Chúa thượng hãy rộng kén trong người làm quan, chọn lấy những kẻ có đức hạnh, độ lượng và tài trí mà cất nhắc lên địa vị Tể tướng thì sự bổ nhiệm mới được người xứng đáng và trong trời đất mới được dung hòa”.
.
Chúa Trịnh Tạc biết và Mậu Tài là Tể tướng, có nhiều công lao, nhưng thấy Nguyễn Viết Đương dám chỉ và chỉ đúng những sai trái của Mậu Tài, muốn nhân dịp này khuyến khích trăm quan, bèn giáng Nguyễn Mậu Tài xuống làm Tả Thị lang bộ Hộ và cất nhắc Viết Đương lên làm Tả Thị lang bộ Binh.
Chúa Trịnh Tạc biết và Mậu Tài là Tể tướng, có nhiều công lao, nhưng thấy Nguyễn Viết Đương dám chỉ và chỉ đúng những sai trái của Mậu Tài, muốn nhân dịp này khuyến khích trăm quan, bèn giáng Nguyễn Mậu Tài xuống làm Tả Thị lang bộ Hộ và cất nhắc Viết Đương lên làm Tả Thị lang bộ Binh.
Lời bàn:
Câu chuyện trên đây được ghi lại trong sách Lịch triều tạp kỷ cho thấy ba vấn đề về thể chế, pháp luật dưới thời Vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Tạc, giai đoạn hưng thịnh của thời Lê - Trịnh :
Một là, một vị Tể tướng, được học hành tử tế, mới chỉ phạm lỗi câu kết với một vị Thượng thư đồng thời là thông gia của mình để vây bè kéo cánh, vun vén quyền lực, chưa bị tố cáo là tham nhũng hoặc tiếp tay, dung túng cho tham nhũng, mà cũng bị đàn hặc và sau đó bị cách chức. Điều đó chứng tỏ sự nghiêm khắc, công minh của pháp luật triều đình, trước hết là của chúa Trịnh Tạc.
Hai là, một quan địa phương dám đàn hặc một Tể tướng và lời đàn hặc đó được xem xét, giải quyết khá thấu đáo, cho thấy tính tính “cởi mở”, dân chủ, bình đẳng trước pháp luật là không thể bàn cãi.
Ba là, những lời đàn hặc trong tờ Sớ của Nguyễn Viết Đương thể hiện ông là người không sợ cường quyền và không “ngán” sự liên kết quyền lực bằng cả quan hệ thông gia giữa hai vị quan Tể tướng - Thượng thư có thế lực trong triều. Không chỉ dám kết tội Tể tướng, Nguyễn Viết Đương còn khẳng định các hiện tượng thiên tai xảy ra là do việc điều hành chính sự cùng những đối nhân xử thế của Tể tướng, chứ không phải do vua như thông lệ (thời xưa, mỗi khi xảy ra hạn hán, bão lụt, dịch bệnh, động đất…, nhiều vị quan thường dâng sớ, khải, chỉ rõ có là do chính sự của suy đồi, đề nghị các bậc vua chúa sửa đức, sửa đổi chính sự). Đây là một cách nhìn khác, thẳng thắn của Nguyễn Viết Đương. Hơn thế nữa, Viết Đương còn vạch tội cả viên quan đại thần là thông gia của Tể tướng đã chết cách đó hơn một năm. Vì điều này, ông được sử cũ ghi nhận “Tính tình trong sáng, nhưng thẳng thắn, cứng rắn. Đối với việc triều chính, ông bạo nói, không kiêng dè, né tránh. Người đương thời đều khen ông là cương trực”.
*Bài đã đăng trên tạp chí Kiểm tra tháng 11/ 2010.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét