TRUYỆN MỘ TỔ NHÀ TRẦN
Tiên Tổ nhà Trần ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, (tỉnh Nam Định) đời đời làm nghề đánh cá, một dải trường giang ở phía Nam đâu đâu cũng là nhà. Bấy giờ có một ông thày địa lý Trung quốc sang nước ta xem đất. Chú theo Long mạch từ núi Tam đảo đi xuống, qua Thăng long, Cổ Bi đến các xã Kệ Châu và Cao xá thuộc Huyện Kim Động, thấy có nhiều đống đất hoàn tụ, bèn cười nói rằng:
- Đây là chỗ đóng quân và nấu cơm. Đến xã Phượng Trà, huyện Nam xương không thấy vết tích đâu nữa. Chú ngắm trông một hồi lâu rồi nói :
- Nước sông chảy mạnh, không lẽ huyệt lại ẩn tàng dưới đáy sông. Chú bèn sang sông đi đến Huyện Hà liễu, Huyện Ngự Thiên, thấy các ngọn núi đều đứng thẳng, liền lấy tay chỉ và cười nói rằng: - Chỗ cất đầu lên ở đây, trốn tránh ta như thế nào được. Chú tìm đến chỗ phát tích tại xã Nhật Cảo và chỗ kết cục tại xã Thái Đường mới hạ la bàn để xem xét và cứ say mê quanh quẩn mãi ở đấy không đi được. Chợt có Nguyễn Cố người xã Tây vệ đến đấy, hỏi Khách rằng:
- Ông lưu ý ở chỗ này, có Huyệt tốt phải không ? Khách ngửa mặt lên Trời cười nói rằng: - Không ngờ ở nơi bình địa mà lại có đất Đế Vương. Đáng chê các thày Địa lý thời nay, không Thày nào có nhãn lực. Nguyễn Cố nói : - Nếu quả là đất Đế Vương, xin Ông cho tôi. Ông muốn được tạ lễ bao nhiêu, tôi cũng xin nộp đủ.
Khách nói : - Nhà ông có Phúc may gặp được tôi thì tôi cho ông. Nhưng sau khi táng rồi, ông phải trả tôi ngay 100 quan tiền, và về sau lấy được nước, ông phải cho tôi một nửa. Nguyễn Cố xin vâng lời, rồi đem mộ Tổ táng vào chỗ ấy. Khách sợ Cố phản trắc, bèn bảo :
- Táng xong tất có điềm lành. Nhưng trong hạn trăm ngày, thỉnh thoảng phải đến thăm nom. Nếu sau cơn mưa gió, sấm sét, thấy có sự lạ, thì lành ít, dữ nhiều, phải táng đi chỗ khác ngay. Nguyễn Cố đem mả Tổ táng vào nơi ấy, được ba bốn ngày, đến nửa đêm có một tiếng sét rất to, làm kinh động nhân dân và súc vật ở vùng ấy. Sáng hôm sau đi xem thì thấy ở các xã Đặng xá, Tây vệ và Thái đường có nhiều hòn đá nhô lên, gọi là đá tai mèo, khắp vườn tược ao chuôm, nơi nào cũng có. Những hòn đá ấy đến nay vẫn còn.
Nguyễn Cố biết là được đất rồi, rất lấy làm mừng rỡ. Vợ Cố bảo rằng: - Ngôi đất ấy dầu cho là phát Phúc, nhưng hiện nay thì làm thế nào lo được 100 quan tiền. Vả lại sau này chia đội Thiên hạ, thì còn được bao nhiêu.
Cố thấy vợ nói thế, thì định bụng không tạ lễ cho chú Khách nữa. Khi Khách đến hỏi, Cố hẹn mấy ngày sau sẽ trả. Khi đến hẹn, Khách tới nhà, Cố liền bắt trói lại, rồi đang đêm đem vứt xuống sông. Vất xong vội vàng chạy về. Nguyên chỗ Cố vất Khách xuống là một bãi phù sa, nước Thủy triều dâng lên ngập cả bãi. Sau khi vất Khách xuống, nước triều rút lui, bãi phơi khô, Khách nằm lại trên bãi. Chợt có một chiếc thuyền đánh cá của họ Trần đi ngang qua đấy, nghe có tiếng người hô hoán, vội tới cứu đem lên thuyền, rồi cở trói cho Khách và hỏi duyên cớ. Khách đem đầu đuôi sự việc này thuật lại cho họ Trần nghe và nói thêm rằng: - Nhờ có ông mà tôi được sống lại. Tôi xin đem ngôi đất quý ấy biếu ông để tạ ơn. Người họ Trần nói:
- Ngôi đất đó Nguyễn Cố đã táng rồi còn làm gì được nữa.
Khách nói:
- Tôi đã tính trước, ngôi đất ấy thế nào nhà ông cũng được.
Người họ Trần bèn lưu chú Khách ở trong thuyền, không để lộ cho người ngoài biết. Khách bảo người họ Trần lấy đồng đỏ đúc lưỡi Tầm sét và lấy cây vang nấu nước để dùng.
Một đêm, mưa to gió lớn và luôn có tiếng sét đán. Đến khi tạnh mưa, Khách và người họ Trần đem lưỡi tầm sét cắm xuống mộ Tổ của Nguyễn Cố, xuyên thủng đến quan tài, rồi lấy nước vang tưới vào mộ. Sáng hôm sau Nguyễn Cố ra thăm, cho là mộ bị sét đánh, có máu chẩy ra, vội vàng rời mộ ra chỗ khác. Khách bèn đem mộ Tổ họ Trần táng vào đó.
Ngôi đất này phía trước trông ra ngã ba sông Cái(Nguyên chú: Thuộc xã Hữu Bị Huyện Mỹ lộc, tục gọi là Cửa Vàng) ..Phía sau gối vào voi phục, lâu đài và cờ, gươm bài trí hai bên. Huyệt ở Thổ Phúc tàng Kim (Trong đất giấu vàng), tọa Càn - Hướng Tốn. Táng xong Khách bảo rằng: Phấn đại yên hoa đối diện sinh, hẳn lấy được nhan sắc Thiên hạ.
Người họ Trần nói: Nếu được như lời Ông, xin chia cho Ông một nửa đất nước.
Khách nói :
- Không cần phải làm như thế. Nhà ông hưởng nước, chỉ cần đời đời tư cấp cho nhà tôi đủ ăn, đủ mặc mà thôi.
Người họ Trần hứa sẽ ghi lòng tạc dạ. Rồi làm giấy tờ giao ước, mỗi bên giữ một bản để làm tin. Lại nói chú Khách vốn là người tâm cơ trí lực . Chú làm hai bản sấm thư để lại cho con cháu và dặn:
- Nếu sau này họ Trần vẫn đối đãi tử tế, thì bảo thực cho họ biết. Nếu họ bội ước thì như thế, như thế ...
Khách lại bảo họ Trần rằng:
- Tôi đã để lại một phép, có thể làm cho nhà ông trị vì được lâu dài hơn. Phép ấy là gì, sau này sẽ bảo cho biết.
Họ Trần vô cùng cảm tạ.
Trần Thừa là cháu ba đời, năm Diên phúc thứ 8 (1218) triều Lý, sinh ra Trần cảnh mũi cao, mặt Rồng, được Chiêu Hoàng nhường ngôi cho làm Vua Thái Tông. Ban đầu khi con cháu chú Khách ở Trung quốc sang, các Vua Trần đều tặng tống rất hậu. Nhưng đến cuối đời thì đối đãi kém tử tế. Một người cháu của chú Khách sang nói với Vua Trần:
- Tổ tiên hạ thần có để lại một bản sấm thư, dặn đến năm nay thì đem sang trình quý Quốc.
Vua Trần xem sấm thư thấy nói: Ngôi mộ phát tích ở Thái Đường nay sắp hết thịnh, cần phải khơi thông Thủy đạo thì mới giữ được lâu dài. Vua Trần tin lời nói ấy, bèn chiểu theo họa đồ ở sấm thư đào một Thủy đạo từ sông Cái xã Phú xuân đi vào, quanh đến xã Thái Đường.(Con sông ấy nay vẫn còn dấu vết). Không ngờ đào đứt Long mạch, họ Trần bèn suy , rồi bị Xích Chủy hầu(Gọi Hồ Quý Ly) thoán đoạt. Xét ra Vua Trần trị vì được từng ấy năm, là do mệnh Trời, chứ sức người làm thế nào được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét