Blogger Widgets

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

PHƯƠNG BÍCH KỂ CHUYỆN BỊ LỪA MẤT ĐẤT, MẤT NHÀ - Phần 1

CÂU CHUYỆN ĐỀN BÙ VÀ BÀI TOÁN SIÊU LỢI NHUẬN
Trong bất cứ một dự án xây dựng nào, thì khâu giải phóng mặt bằng là vấn đề nan giải nhất. Mức độ nan giải này tùy thuộc vào vị trí “vàng, bạc hay đồng” của mảnh đất đó. Cách đây không lâu, người dân thủ đô hẳn vẫn nhớ cái giá đền bù kỷ lục ở 22 Hàng Bài, khi giá đền bù ban đầu đưa ra là 500 triệu đồng/m2. Tuy nhiên 2 trong số 27 hộ ở 22 Hàng Bài đã nhất định đòi một cái giá trên giời là 1 tỷ đồng/m2
Trích trong bài “Đền bù 1 tỷ đồng/m2 đất ‘vàng’ có vô lý?” của báo Đất Việt http://www.baodatviet.vn/Home/kinhte/Den-bu-1-ty-dongm2-dat-vang-co-vo-ly/201012/121262.datviet
....một biên bản định giá vào thời điểm tháng 3/2005, giá đất ở số 25 Hai Bà Trưng được Hội đồng định giá của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm định giá tương đương 30 cây vàng. “So với giá vàng bây giờ, mức đền bù một tỷ đồng một m2 thì tại sao lại gọi là phi lý?”
Cái chung cư C1 thuộc khu tập thể Thành Công này không dám với tới cái giá đó. Vả lại nó cũng không phải là mua đứt bán đoạn để dân tôi đi nơi khác ở, mà là tái định cư tại chỗ. Đây là một dạng dân có đất, chủ đầu tư có tiền, hai bên liên doanh với nhau để từ một chung cư 5 tầng xây thành 22 tầng. Lợi ích đôi bên là phải đảm bảo hài hòa, một cách tương đối thôi cũng được.
Chung cư C1 là tòa nhà 5 tầng được xây dựng đầu tiên tại khu Thành Công từ những năm 1976, đưa vào sử dụng năm 1978. Hồi đó bố tôi làm cục trưởng cục công trình II thuộc Bộ GTVT (sau này là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 – tức là chủ đầu tư của cái dự án này)
Nguồn gốc chung cư C1 được xây chủ yếu bằng quỹ phúc lợi của cơ quan. Ngay sau khi xây, nó đã bị lún vì thiết kế của Bộ Xây dựng  không chuẩn. May nhờ chất lượng xây dựng ngày xưa không bị ăn bớt như bây giờ, nên nó vẫn ngắc ngoải tồn tại được 30 năm. Khi nhà nước đưa tiền nhà vào lương từ những năm 1992, các cơ quan buộc phải chuyển giao các nhà tự quản cho đơn vị chuyên trách quản lý nhà, để thu tiền nhà nộp vào ngân sách. Tuy nhiên cơ quan quản lý nhà lại chối đây đẩy khi nhìn thấy chung cư C1. Vì nếu họ muốn thu tiền nhà sẽ phải tiến hành sửa chữa, quá bằng một tiền gà ba tiền thóc. Thế là chung cư C1 trở thành tự quản đúng nghĩa, tức là dân tự bỏ tiền túi ra mà sửa chữa để có thể ở được.
Vào những năm trước đây, có ma nào dám nghĩ đến đến chuyện cải tạo hay xây lại các chung cư cũ nát đâu. Dân kêu ca chán chê nhưng chả ai thèm để ý. Thế rồi đến một thời kỳ giá nhà chung cư cũ bỗng tăng chóng mặt, khi người ta nhìn thấy một cơ hội kiếm lời lớn trong việc mua rẻ các căn hộ ở chung cư cũ này, để rồi sẽ được đền bù khi cải tạo hoặc xây dựng thành những chung cư cao tầng mới.
Vậy là bất chấp chờ đợi quy hoạch đồng bộ, người ta chọn những vị trí dễ sinh lời nhất để làm. Có điều các nhà kinh doanh nhận ra cơ hội đó thì dân cũng đâu có mù? Dăm ba nhà đầu tư  mon men vào thăm dò, thấy xương xẩu lại rút lui.
Cuối năm 2008, Hà Nội mưa bão suốt mười mấy ngày. Khắp nơi ngập mênh mông, Người chết đuối ở Hà Nội có đến cả chục mạng. Thế nào mà trong tất cả những điểm úng ngập nặng, thành phố Hà Nội ưu ái mỗi chung cư C1 của dân tôi. Chập tối ngày 6 tháng 11 năm 2008, tất cả dân C1 được thông báo 20 giờ ra họp ở UBND phường để di chuyển khẩn cấp ngay trong đêm. Thoạt nghe ai cũng tưởng đùa (sướng quá đâm ra không tin chăng?).
Hóa ra là di chuyển thật! Chính quyền bảo đi tránh bão, kẻo nhà đổ. Dân cười khẩy! Mấy chục năm ở  đây, mưa to là ngập, sao bỗng dưng lần này chính quyền lại lo lắng cho sinh mạng của dân thế?
Nhưng chính quyền rõ khéo dụ, đưa bà con đi thăm quan nơi ở tạm cư trông có vẻ khang trang, lại cách đó chỉ 3 cây số. Đang ở búi xùi, xập xệ, hơn nữa chính quyền dọa sẽ cắt điện cắt nước... vậy là một cuộc di tản vĩ đại đã được tiến hành ngay trong đêm ngày 6/11/2008.
Sợ dân ngộ ra hay sao ấy mà chính quyền cứ thúc dục phải di chuyển ngay trong 2 ngày. 110 hộ dân với gần 500 con người như ong vỡ tổ, chen chúc nhau đào tẩu khỏi cái tòa nhà tuy xập xệ nhưng cũng đã tồn tại ngót nghét 30 năm. Không có thời gian suy nghĩ và lựa chọn, họ mang đi tất cả đồ đạc trong nhà từ chổi cù rế rách. Tôi nghĩ cuộc di tản này nó còn thê thảm hơn cả chạy B52. Khi phóng viên đến hỏi, tôi bảo: chính quyền ác quá chừng. Chúng tôi sống ở đây 30 năm, vậy mà họ bảo phải di chuyển khẩn câp trong 2, 3 ngày. Ngần ấy con người chen chúc nhau qua cái cầu thang bé tẹo, may mà ko ai bị chết bẹp. Nhưng đồ đạc thất lạc thì có. Lắm người không chen được qua cầu thang, cứ đứng từ tầng 5 ném đồ xuống bùm bụp.
Phần 2: Khôn ngoan không lại với giời.
P.B

0 nhận xét:

Đăng nhận xét