THẤY GÌ QUA CUỘC ĐÀN ÁP BIỂU TÌNH NGÀY 9 THÁNG 12?
(Nhật ký biểu tình - Phần 2)
(Nhật ký biểu tình - Phần 2)
Đào Tiến Thi
Giọt máu oan cừu đỏ núi sông
(Võ Liêm Sơn)
II- TRONG TRẠI “PHỤC HỒI NHÂN PHẨM LỘC HÀ”
10g8 phút, xe vừa đến Trại Lộc Hà thì Anh Ba Sàm gọi điện hỏi tình hình. Tôi đưa máy cho chị Dương Thị Xuân để chị đọc tên từng người vì chị đã ghi được từ lúc trên xe. Công an lùa nhanh chúng tôi vào nhà chứ không cho đứng dềnh dang ở ngoài. Trong “Phòng chờ xử lý vi phạm”, chúng tôi thống nhất nhanh là dứt khoát không đi “làm việc”, không ký bất xứ cái gì, bởi việc bắt là hoàn toàn trái luật.
11g, một ông sỹ quan trung tuổi ra “mời” đi làm việc. Anh ta là xưng là cảnh sát điều tra, biển tên trên áo là Kiều Đình Vinh. Chúng tôi phản đối quyết liệt, vì chẳng có gì phải điều tra cả. Riêng tôi có một cuộc đối chất ngắn với anh ta như sau:
– Anh xưng là cảnh sát điều tra, vậy anh hãy điều tra những kẻ bắt chúng tôi về đây. Anh ta túm luôn cái cụm từ “điều tra những kẻ bắt” của tôi để túm luôn tay tôi kéo đi, như là đã tận dụng được chỗ sơ hở của đối thủ. Anh ta nói:
– Thì anh phải cung cấp thông tin, chúng tôi mới điều tra được chứ. Đi, mời anh đi theo tôi!
– Khoan đã. Kẻ bắt chúng tôi cũng chính là các anh, còn điều tra gì nữa? Còn phía chúng tôi, chúng tôi đi biểu tình, chả có gì phải điều tra cả. Các anh bắt người thật vô cớ.
Anh ta lại túm ngay chữ “vô cớ” để dẫn dụ tôi vào kế của anh ta:
– Anh nói anh bị bắt vô cớ, vậy hãy đi làm việc với chúng tôi để chúng tôi làm rõ xem chúng tôi “vô cớ” hay “có cớ”.
A, anh này ranh thật – tôi nghĩ bụng. Tôi bảo:
– Việc bị bắt vô cớ tôi sẽ khiếu kiện sau, tức là khi nào tôi được trở về. Lúc ấy tôi mới có điều kiện viết đơn và gửi đơn, chứ ở đây đến giấy bút cũng chả có, tôi chịu. Nếu khi trở về chưa kịp làm đơn mà các anh thích điều tra ngay, cứ có “trát” mời, tôi sẽ đi.
Có một số cuộc lôi kéo gay gắt của mấy tên mặc thường phục với cháu Phương và với anh Trương Dũng. Mặc thường phục lại không biển thẻ thì không thể nhân danh bất cứ điều gì để làm việc với người bị bắt nhưng chúng lại hung ác, lì lợm hơn hẳn số mặc sắc phục. Chúng cứ chĩa camerra vào chúng tôi để quay trong khi anh Dũng quay thì chúng giật máy. Mà anh Trương Dũng thì tính nóng như Trương Phi nên càng kích thích tính hung hãn của chúng. Có lúc chúng quyết tâm lôi bằng được anh Dũng đi nhưng mọi người cũng quyết tâm lôi lại.
Sau một hồi cãi vã, họ rút lui.
Buồng vệ sinh ở đây cực kỳ bẩn thỉu. Đầy phân chuột, phân gián và không có nước nôi gì hết. Nhưng ngay bên ngoài lại là chiếc ô tô chở một chiếc máy tối tân: máy phá sóng điện thoại. Từ lúc vào trong nhà mọi sự liên hệ với bên ngoài đều bị cắt đứt. Chúng tôi chẳng khác gì những nạn nhân bị bắt cóc đưa về động quỷ, hoàn toàn cách ly với bên ngoài. Nhưng chúng tôi không khổ sở bằng thân nhân và bạn bè chúng tôi, vì họ không biết tình trạng chúng tôi ra sao. Tôi thương vợ tôi nhiều bệnh tật lại hay lo lắng, làm sao yên lòng được đây. Tôi lại thương những người bị bắt lần đầu, nhất là mấy cháu, mấy em còn trẻ. Để khuây khoả, tôi tranh thủ làm quen với họ. Có bốn người tôi rất thương và cảm phục: một cháu nữ sinh viên Đại học Kinh tế, một cháu đi làm thuê người Quảng Ninh, một bác nông dân ở Cầu Giấy, một kiến trúc sư người Đà Lạt. Cháu sinh viên Đại học Kinh tế bút danh Vũ Phan, người bé nhỏ, bị bắt lần đầu, lúc mới vào cháu lo lắng nhưng vẻ mặt vẫn cương nghị. Tôi động viên cháu và dặn cháu khi về trường thế nào cũng có rắc rối ít nhiều nhưng đừng sợ. Cứ bình tĩnh phân tích lẽ phải trái với các thầy cô, sẽ có nhiều người hiểu ra. Nếu cần thì kiến nghị lên Bộ Giáo dục và nhờ các giáo sư có uy tín trợ giúp. Cháu người Quảng Ninh tên Ngọc, 18 tuổi, ít hơn con trai tôi một tuổi nhưng đã ra Hà Nội làm thuê gần 2 năm. Cháu nói cũng mới tạm đủ sống cho bản thân, chưa có tiền gửi về cho bố mẹ. Tôi thương cháu quá, bảo: “Cháu tự nuôi được bản thân là giỏi rồi. Ở tuổi cháu, hầu hết bố mẹ phải đổ tiền của nuôi ăn học, tốn kém lắm mà chưa chắc đã kết quả gì”. Anh Sơn, người Cầu Giấy, nông dân chính hiệu, tuy rằng nay không còn ruộng đất nhưng vẻ nông dân chất phác và lam lũ vẫn hiện lên từ dáng người, nét mặt, áo quần, cử chỉ. Nói chuyện một lát, tôi thấy anh rất quan tâm các vấn đề của đất nước, lo lắng cho số phận đất nước như một người trí thức thực thụ (trong khi bao nhiêu trí thức lại trùm chăn, hỏi gì cũng ù ù cạc cạc). Anh Chu Minh Tuấn, kiến trúc sư người Đà Lạt, đang tuổi tráng niên, người cao lớn, gương mặt cao ráo, sáng sủa. Những người trời phú cho tướng phong lưu như thế thường chước bạ cuộc đời vào các thú ca lâu, tửu quán chứ ai nhọc thân vì đất nước giang san. Thế mà Tuấn từ Đà Lạt ra Hà Nội thăm người nhà, chỉ tình cờ mà nhập luôn vào cuộc biểu tình đầy nguy hiểm này.
Gần 12g trưa, khi nhiều người đã bưng suất cơm hộp lên chuẩn bị ăn thì cỡ chục công an lại xuất hiện, lại “mời” đi “làm việc”. Tôi lại phải đôi co một hồi với ông sỹ quan cảnh sát điều tra Kiều Đình Vinh lúc nãy. Khi anh ta nắm tay tôi kéo đi, tôi chỉ thẳng vào mặt anh ta, kiên quyết:
– Hãy sống theo hiến pháp và pháp luật, thưa ông sỹ quan. Lấy lý do gì mà kéo tôi đi như vậy?
Ông sỹ quan bỗng nhiên đắc chí:
– Anh đã nhân danh pháp luật thì tôi cũng nhân danh pháp luật mà nói với anh rằng: anh đã vi phạm pháp luật.
– Tôi vi phạm cái gì?
– Xuống đường gây rối trật tự công cộng, vi phạm nghị định 38.
– Này, anh thừa biết chúng tôi đi biểu tình. Biểu tình chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Ông sỹ quan càng có vẻ đắc chí hơn nữa, nói dằn từng tiếng thật rành mạch:
–Tôi-nói-cho-anh-biết-đi-biểu-tình-là-phi-pháp-việc-chống-Trung-Quốc-đã-có-các-nhà-lãnh-đạo-lo-không-phải-là-việc-của-các-anh-anh-rõ-chưa?
Tôi nhắc mấy người đứng cạnh nhớ câu nói đó của viên sỹ quan công an mà có lẽ có hàm cấp cao nhất trong số công an đang ở đây.
Trong lúc ăn trưa, tôi còn được gặp một người rất ấn tượng là anh Ngô Nhật Đăng, con trai nhà thơ quân đội Xuân Sách (nhà thơ nổi tiếng với tập “Chân dung văn học” mà giới văn chương ai cũng thuộc chí ít vài bài). Từ bé anh theo hầu các bậc cha chú nên có cả kho chuyện “hậu cung” của giới tướng lĩnh, văn nghệ sỹ và cả giới quan chức chính trị. Tuy vậy anh không theo nghề cha mà theo nghề kinh doanh, làm ăn liên doanh tận cả bên Âu châu.
1g15 chiều công an lại xuống, cả mười mấy người, đông hơn ban sáng và toàn mặc sắc phục, mặt mày cũng sắt đá hơn lúc sáng. Sau một hồi đôi co, họ xông vào lôi một số người nhưng bị kéo lại mạnh mẽ. Cuối cùng đích thân viên chỉ huy Kiều Đình Vinh ôm lấy một người và sau đó đồng bọn xông vào lôi đi. Tuy vậy, chúng bắt 6, 7 người đầu cũng khá vất vả. Về sau, chúng tôi mệt và còn ít người nên để mặc chúng cứ thỉnh thoảng xuống “nhót” một, hai người.
3g20 thì tới lượt tôi (sau đó còn lại Nguyễn Tường Thuỵ, Thuý Hạnh, Nguyễn Minh Sơn, Phạm Chính, Chu Minh Tuấn,...). Mặc dù trước đó mọi người đều đã “ngoan ngoãn” đi, không cần lôi kéo, và khi “mời” thì tôi đứng lên “vâng” ngay, nhưng hai tên dẫn giải vẫn muốn thị uy tôi. Một tên giật lấy quyển sổ tôi đang cầm nhưng tôi giữ được và quát lại “Vô lễ vừa chứ”. Tôi cúi xuống xách ba lô thì chúng ngăn lại, đòi “xách hộ”, khiến tôi phải gắt lên chúng mới nhượng bộ.
Phòng hỏi cung tôi là một căn phòng tồi tàn với mấy thứ vật dụng cũng tồi tàn. Viên công an mặt non choẹt tên Nguyễn Tiến Dũng tuy rằng da rất trắng nhưng lại giữ thái độ mặt sắt với tôi từ đầu đến cuối. Cậu ta chỉ vào cái ghế chân khập khễnh và vẹt mất một góc bằng bàn tay, nói rất xẵng: “Mời ngồi”. Tôi lừ mắt lại, bảo: “Anh ăn nói cho lịch sự”. Hắn nhắc lại, tuy có chủ ngữ nhưng giọng gắt hơn: “Tôi-mời-anh-ngồi!”. Tôi bảo: “Tôi bằng này tuổi đầu nhưng vẫn gọi các anh là “anh” đấy, còn anh lại nói trống không với tôi”.
Bắt đầu là màn khám xét. Một tốp 4, 5 người dỡ tung các đồ đạc trong ba lô, điện thoại, máy ảnh. Thấy mấy tờ A4 in mấy bài thơ, một vị xem đi xem lại mãi rồi hỏi: “Anh là nhà thơ à?” Tôi bảo: “Xem thì biết”. Chả là anh ta thấy bài Là thi sỹ của Sóng Hồng, nhưng chắc không hề biết bài thơ này và cũng không biết Sóng Hồng (Trường Chinh) là ai nên nghi ngờ. Cái thẻ nhớ điện thoại tôi nhét vào một ngăn nhỏ cũng bị tìm thấy. Một tên khám người tôi, nắn đi nắn lại túi quần. Lát sau lại có một toán nữa vào khám lại. Lại lục soát người và bấm xem điện thoại, máy ảnh một lần nữa. Tôi cứ tưởng chúng chỉ xem hoá ra chúng xoá sạch các ảnh. Thế là mất các hình ảnh đẹp về cuộc biểu tình hôm nay cũng như đã phi tang các hình ảnh tội ác của chúng.
Màn đầu làm việc cũng hơi gay gắt. Điều tra viên Dũng hỏi tên tuổi tôi. Tôi nói: “Tôi sẽ nói tên tuổi, chẳng có gì phải giấu cả. Nhưng muốn thế anh phải trả lời lý do bắt tôi đến đây trước đã”. Anh ta thì cứ bắt tôi khai tên tuổi rồi mới nói lý do. Thấy tôi có vẻ “bướng” nên một đám 4, 5 tay nữa vào hỗ trợ. Một tay có tuổi mặc thường phục rất thích lý sự nhưng lại lý sự cùn. Tôi cáu quá, cắt luôn anh ta: “Anh mặc thường phục, không biển tên, chức vụ, không đủ tư cách làm việc”. Anh ta buộc phải bỏ đi.
Cuối cùng thì cậu Dũng này cũng chịu nói lý do trước:
– Tôi nói lý do anh bị bắt nhé: Anh gây rối trật tự công cộng, vi phạm nghị định 38. Thế nào, bây giờ thì anh có chịu khai tên tuổi, địa chỉ không?”
– Tưởng lý do gì chứ đấy là điều các anh cố tình bịa đặt và đã quen thuộc. Anh thừa biết tôi đi biểu tình.
– Thì anh đi biểu tình, nhưng anh đi xuống lòng đường hò hét, thế là gây mất trật tự.
Dù cái trò đánh tráo khái niệm này nghe đã quá quen tai nhưng tôi vẫn tức nghẹn. Tôi nói:
– Đi biểu tình thì phải hô hét, nếu không sao thành biểu tình? Còn đi xuống lòng đường chẳng qua là chỗ không có vỉa hè mà đi. Anh hãy nhìn vào lương tâm anh để gọi đúng tên sự vật đi: Tôi đi biểu tình, chứ tôi không rồ mà đi “gây rối trật tự”. Nếu có đi “gây rối trật tự” thật thì các anh cũng chả thèm bắt, đúng không?
Anh ta im lặng ít giây rồi nghiêm nghị: “Tôi đã nói lý do, bây giờ yêu cầu anh nói tên”. Tôi nói rành mạch họ tên, chỗ ở, nơi làm việc. Tôi bảo: “Tôi không ký cái gì đâu đấy”. Anh ta bảo “được thôi” rồi cắm cúi ghi. Sao ghi những gì nhiều vậy? Ba bốn tờ giấy. Tôi ngồi chờ rất lâu, chán quá, và để đỡ căng thẳng, tôi đổi giọng thân mật, bảo:
– Này, cháu ghi gì lắm thế? Chú xem thử được không?
– Không. Anh bảo anh không ký thì không cần xem. – Anh ta lạnh tanh.
Tôi thấy có cả “Biên bản xử phạt vi phạm hành chính”. Hay thât, biên bản xử phạt mà người bị xử phạt không được biết. Tôi bảo: “Các anh làm những việc thật đáng xấu hổ”.
Rồi hai, ba cậu thường phục xách đồ nghề lăn tay đến. Tôi bảo: “Tôi không phải tội phạm mà bắt lăn tay, làm thế là làm nhục tôi, một trò làm nhục đểu cáng. Tôi phản đối”. Một cậu bảo: “Bình thường thôi mà, chú vẫn đi lăn tay làm CMT đấy thôi. Đừng để chúng cháu phải ép chú”. Tôi thấy có chống cũng không nổi, bảo: “Lăn tay làm CMT khác hẳn trò này, đừng cố đánh tráo. Nhưng các anh cưỡng bức thì tôi thua. Thôi muốn làm gì thì làm”. Thế là chúng làm ngay. Thiện nghệ. Điêu luyện. Hăng hái. Mẫn cán. Hết 10 đầu ngón tay lại úp cả hai bàn tay vào tờ giấy. Hai bàn tay tôi vấy mực, đen sì, nghĩa là chúng đã bôi đen được người yêu nước. Tuy bọn kỹ thuật viên này không đáng ghét như bọn điều tra viên nhưng cái công việc nó làm lại dã man quá. Ngoài kia giặc Tàu tha hồ cười nhăn nhở “hảo, hảo” và sẽ thưởng công cho chúng (đúng ra là cấp trên của chúng) bằng những cái bắt tay, những cái ôm hôn và tiếp tục lấn chiếm biển đảo Việt Nam. Tôi thấy ghê tởm!
Lăn tay xong, ĐTV Dũng đưa tôi đi rửa tay. Hắn cẩn thận đứng chặn tại cửa buồng vệ sinh. Lúc ra được mấy bước, tôi thấy còn sót xà phòng ở cổ tay, vào rửa lại, hắn cũng theo trở lại như lần trước.
Hắn kéo tôi ra sát cổng, cái cổng chỉ hé một tí, hắn bảo “Anh về được”. Tôi bảo: “Tôi đứng đây chờ các bạn tôi”. “Không được!”. Hắn vẫy tay một cái, hàng rào công an đội mũ bảo hiểm có chữ “CAX (công an xã) chuyển động ngay, sẵn sàng hót tôi tức thì. Tôi bảo: “Thôi hiểu rồi. Không cần khiêng đâu”. Một tên bảo: “Nhẹ nhàng với nhau thôi mà”.
Ôi, nhẹ nhàng của côn đồ có khác!
(Còn nữa)
Đ.T.T
0 nhận xét:
Đăng nhận xét