Phong tục cho thần tài 'hưởng' nhũ hoa nữ nhân viên ở Hội An
Theo Gia Đình & Cuộc Sống
.
.
Tín ngưỡng kỳ lạ này đã được những tiểu thương ở thành phố sầm uất đất Quảng Nam lưu truyền tới vài trăm năm nay.Cho thần tài “hưởng” nhũ hoa phụ nữ để cầu may bán đắt Cư dân khu vực đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) trong quá trình hình thành và phát triển có nhiều phong tục độc đáo, riêng biệt và tạo nên dấu ấn đặc sắc so với những mảnh đất khác. Đặc biệt, những người buôn bán ở đây có rất nhiều “mẹo” và tín ngưỡng mang tính tâm linh cao.
Thế nhưng, có lẽ độc đáo nhất là phong tục áp tượng thần tài vào “nhũ hoa” của các nữ nhân viên bán hàng trước mỗi ngày làm việc mới. Trong một lần trò chuyện với Trần Bảo Ngọc, một nữ nhân viên trong cửa hàng quần áo thời trang trên đường Hai Bà Trưng (Hội An), tôi tình cờ nghe và thực sự bất ngờ khi biết sáng nào trước giờ làm việc, cô cũng áp phần mặt của tượng thần tài vốn được để ở bàn thờ nhỏ trong shop vào “nhũ hoa” của mình để cầu may. Tôi bật cười nhưng rồi vội kìm lại khi bắt gặp thái độ không vừa lòng của cô nhân viên. Cuộc trò chuyện càng đi sâu vào chi tiết, cái lệ này càng thu hút và hấp dẫn tôi hơn. Ngọc cho hay, cô cũng không biết cái phong tục kỳ lạ này có từ bao giờ, thế nhưng đa phần ở Hội An, hễ ai mở hàng, thuê nhân viên nữ bán hàng đều dặn người làm của mình tuân thủ cái lệ hàng sáng ấy. Đối với những cửa hàng nào có chủ nữ trực tiếp đứng bán thì khỏi cần phải nói. Sáng nào cũng vậy, sau khi hương khói trước và trong cửa hàng, cô chủ cũng cho ông thần tài “hưởng” một chút để bước vào một ngày làm việc mới may mắn và đắt khách. Cũng chẳng ai chứng thực được rằng, nếu không làm cái lệ ấy thì cửa hàng sẽ buôn bán ế ẩm. Thế nhưng, cứ đời này truyền cho đời sau, người buôn bán đi trước truyền lại cho người đi sau, thành ra một cái lệ phổ biến và hầu như ai làm kinh doanh cũng đều thông tỏ và “tín” lắm.
Thường thì buổi sáng, những nhân viên hay nữ quản lý đến cửa hàng phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng trước khi bước vào các công đoạn của phong tục này. Đầu tiên, người thực hiện phải đặt hương xin ngài (tức tượng thần tài) về chứng giám. Sau đó, nhẹ nhàng đưa ngài vào nơi vắng vẻ của shop, cô gái thực hiện cái lệ ấy. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng mỗi cử chỉ của cô gái phải diễn ra theo trình tự chứ không phải muốn gì làm nấy. Đầu tiên, cô nhân viên một tay cầm tượng ngài, quay mặt vào ngực mình, tay kia từ từ cởi cúc áo ra. Khi đã cởi xong áo thì áp mặt ngài vào ngực mình, di chuyển đều từ trái qua phải rồi ngược lại. Ba lần như thế là xong. Mọi việc diễn ra trong vòng chưa đầy 10 phút nhưng là phần quan trọng nhất của mỗi cửa hàng trong một ngày. Chia sẻ với chúng tôi, cô nhân viên Ngọc còn bảo: “Mới đầu vào làm, tụi em cũng không quen với cái phong tục ni nên thường xuyên bị bà chủ la. Nhưng dần dần mọi cái đều trở nên bình thường và tụi em coi như một phần công việc của mình trong ngày… Có thể, nhiều người cho rằng việc này là mê tín nhưng em nghĩ đôi lúc nó cũng tạo động lực để tụi em làm tốt hơn. Bắt đầu một ngày làm việc mới với tâm thế là sẽ gặp nhiều may mắn thì tâm lý cũng thoải mái hơn, công việc vì thế mà cũng hanh thông hơn”, nói rồi, Ngọc cười bẽn lẽn.Đi tìm những lý giải Để tìm hiểu phong tục kỳ lạ có một không hai này, chúng tôi tìm đến nhà cụ Phạm Thị Hương, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Phú (Hội An). Cụ Hương năm nay đã hơn 86 tuổi. Tuổi đã cao, nhưng cụ Hương xem chừng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Cụ kể, trước đây cụ cũng từng buôn bán lớn trong khu phố cổ này nhưng do nhiều biến động của cuộc đời và tuổi tác, sau phải bỏ nghiệp kinh doanh lớn để bôn ba với những chú tò he đất bên bờ sông Hoài. Đến giờ, vợ chồng cô con gái út của cụ cũng làm ăn rất khấm khá với 3 cửa hàng kinh doanh trên phố cổ Hội An. Nghe chúng tôi hỏi về tục lệ đưa tượng thần tài vào ngực nữ nhân viên bán hàng, sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, cụ Hương gật đầu quả quyết: “Đúng là có cái tục đó thiệt chú à. Nhưng có từ thời nào tôi không rõ. Đời bà tui cũng đã có rồi, rồi thì truyền lại cho mẹ tui, rồi đến tui. Có người bảo đây là tục của người Hoa vì trong văn hóa của họ ở Hội An theo tui được biết có những điều tương tự. Có người lại bảo cái tục ni là của người Nhật…. Nhưng cho dù có xuất xứ từ đâu, nó vẫn là một điều thiêng liêng, một nét văn hóa của những người buôn bán ở đây…”.
Cụ Hương còn bảo ngày trước, người ta thuê những cô gái còn trinh tiết đến bán hàng ở những cửa hàng lớn. Bởi theo quan niệm của những thương gia lớn thì thần tài rất “mê” gái (?), đặc biệt là những cô gái còn trinh tiết. Đến nỗi những nhà thuê không được những cô gái còn trinh tiết về làm thì phải nhờ, phải thuê một cô gái khác trong phố hoặc của nhà buôn bên cạnh để, mỗi sáng sang hiệu buôn của mình thực thi công việc cho thần tài “hưởng” nhũ hoa trước khi mở hàng. Không những thế, người được nhờ, được thuê phải hợp mạng, hợp tuổi với gia chủ và rất nhiều tiêu chí khác. “Xưa kia, đây là một tục lệ rất quan trọng và phức tạp của những người buôn bán ở khu vực này. Buôn càng lớn thì càng phải chú ý đến cái tục cho “ngài” hưởng hơi ngực gái mỗi sớm. Bây giờ, nhiều nhà buôn không còn kỳ công đi tìm con gái còn trinh tiết về làm. Tuy nhiên, vẫn còn một số người giữ đầy đủ các công đoạn khắt khe của cái lệ ấy”, cụ Hương vì nhai trầu bỏm bẻm vừa chia sẻ với chúng tôi như thế.
Theo kiến giải của tiến sĩ văn hóa Trần Tấn Vịnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, thì phong tục này có xuất xứ từ văn hóa Mẹ của người Việt trên khắp đất nước này. Từ việc truyền, xưng tụng và thờ cúng những vị thần có pháp danh đầu tiên là “Bà” đến những cây cầu, những ngọn núi, những tên đất, tên làng có tên bắt đầu là “Bà” khác. Đó là một nét văn hóa thuần nhất và xuyên suốt, biểu hiện cho nền văn minh lúa nước, nền văn minh đậm chất Việt. Nó đề cao vai trò của sự sinh sản, sức sống và trọng trách ươm mầm, tạo ra sự sống của người phụ nữ. Giao thoa với các nền văn hóa khác ở Hội An như văn hóa Nhật Bản và Trung Hoa, việc để tượng thần tài vào ngực con gái trước một ngày buôn bán mới phải chăng cũng là một biểu hiện của ước mơ mọi thứ được sinh sôi nảy nở, ăn nên làm ra? Đó là một nét trong tín ngưỡng phồn thực đã kết hợp với việc làm ăn buôn bán của người phố cổ Hội An để tạo ra một nét văn hóa độc đáo ở mảnh đất cổ này.
Trong vẻ đẹp muôn màu của đất và người phố cổ Hội An, có những điều người ta bất ngờ nhưng thật ra có cội nguồn rất gần gũi với truyền thống, văn hóa Việt. Tục đặt tượng thần tài vào ngực con gái bán hàng ở các cửa hàng mỗi sáng sớm là một trong những cái lạ như vậy.
Nhưng chính điều này đã tạo nên sự thú vị riêng, làm ta thấy thêm yêu, thêm muốn khám phá vùng đất cổ kính này.
Theo Gia Đình & Cuộc Sống
0 nhận xét:
Đăng nhận xét