Blogger Widgets

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

GS. ĐẶNG HÙNG VÕ: BÀI HỌC VĂN GIANG VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ

GS. TSKH Đặng Hùng Võ:

Bài học Văn Giang và những kiến nghị 


Tuần Việt Nam (VNN) - Một hệ thống pháp luật, chính sách tốt có thể tăng sức đầu tư nhưng vẫn kiểm soát được tham nhũng và hạn chế được khiếu kiện của dân. Dự án Văn Giang đã cho chúng ta những bài học đắt giá.

Được lãnh đạo ở cơ sở cho biết, lãnh đạo và đa số người dân đều đồng thuận với chủ trương đô thị hóa Văn Giang, nơi giáp với Thủ đô Hà Nội. Nhưng vì sao mà khiếu nại đông người và dài ngày ở đây vẫn không thể dứt. Tôi rất hiểu những bất bình của người dân bị thu hồi đất, chính sách bồi thường chưa thỏa đáng, sinh kế bị mất, cuộc sống bị đảo lộn. Từ đây, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm có ích để giải quyết tận gốc khiếu nại của dân, cũng như cho quá trình hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện nay. 

Những bài học kinh nghiệm từ Văn Giang 

Bài học thứ nhất về sự tham gia của cộng đồng vào các quyết định đầu tư

Thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa là quá trình tất yếu để phát triển đất nước và tìm kiếm sự giầu có cho người dân. Đối với khu vực Văn Giang chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, đô thị hóa càng sớm thì cơ hội phát triển càng cao. Nhưng tại sao người dân vẫn thể hiện không đồng tình trong triển khai thực hiện. Một trong những ý kiến chính là người dân không được biết.

Nói cho cùng là người dân đã phải thụ động tiếp nhận quyết định của lãnh đạo, không được bàn thảo và không được tham gia vào quá trình ra quyết định.

Vấn đề là làm sao để tư duy của người lãnh đạo và người dân phải tìm được tiếng nói chung, chuyển hóa nhận thức để tiến trình đô thị hóa diễn ra được thuận hơn và nhanh hơn. Cộng đồng được tham gia vào quá trình từ quy hoạch cho tới lựa chọn dự án đầu tư sẽ ý thức rõ được những bước đi mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự tham gia và sự đồng thuận của cộng đồng dân cư chính là giải pháp cốt lõi để loại bỏ khiếu kiện của dân, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa.
Cơ chế tham vấn cộng đồng và tạo đồng thuận của cộng đồng trong các quyết định về đất đai cần được quy định cụ thể trong Luật Đất đai, trước hết là tiêu chí bao nhiều phần trăm ý kiến đồng thuận được coi như cộng đồng đồng thuận.

Bài học thứ hai về chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất

Từ ban đầu, người bị thu hồi đất ở Văn Giang đã bức xúc về mức bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng. Mức này đã tăng dần từ hơn 20 triệu lên hơn 36 triệu và cho đến nay là 59 triệu đồng cho mỗi sào ruộng, cùng một suất đất dịch vụ. Tỉnh Hưng Yên nói rằng đã vận dụng mức bồi thường, hỗ trợ cao nhất cho Dự án Văn Giang mà người bị thu hồi đất vẫn bức xúc.

Từ những bức xúc về mức bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng đã dẫn tới việc người bị thu hồi đất tìm kiếm những sơ hở về pháp luật, về quy hoạch để gây khó khăn cho dự án.

Việc này không chỉ xẩy ra ở Văn Giang mà xẩy ra phổ biến ở nhiều dự án tại các địa phương khác. Hầu hết các dự án rơi vào tình trạng "giải tỏa treo" đều do quy hoạch hoặc văn bản có những sai sót về pháp luật.

Điều này cho thấy các cơ quan nhà nước phải rất chăm chút về tính pháp lý của các văn bản. Dự án Văn Giang đã được chứng minh không có sơ hở về pháp luật.


Quê hương và gia đình tôi ở xã Đa Tốn thuộc huyện Gia Lâm, tiếp giáp với xã Xuân Quan. Hầu hết các gia đình đều bị thu hồi đất để làm con đường Hà Nội - Hưng Yên nói trên thuộc địa phận Hà Nội và con đường 5 B đi Hải Phòng. Gia đình tôi cũng bị thu hồi hết đất nông nghiệp. Hầu hết mọi người đều cho rằng được bồi thường, hỗ trợ quá ít nhưng ai cũng mừng vì 2 con đường quốc lộ này sẽ đem lại lợi ích lớn cho dân trong tương lai. Không có ai mang đơn đi khiếu nại.
Sự thực, chính sách bồi thường bằng tiền một lần cho người bị thu hồi đất không phù hợp với đòi hỏi về ổn định sinh kế của người bị thu hồi đất. Người bị mất đất phải được thụ hưởng trực tiếp lợi ích từ quá trình đô thị hóa, phải đóng vai trò động lực trong quá trình đô thị hóa. Điều này có nghĩa là Nhà nước cần đổi mới toàn diện chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất, ngay trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Người bị thu hồi đất cần được bảo đảm sinh kế gắn với quá trình phát triển các khu đô thị mới.

Bài học thứ ba về công khai, minh bạch tài chính

Người bị thu hồi đất ở Văn Giang luôn so sánh giá đất được áp dụng để tính bồi thường, hỗ trợ với giá nhà đất mà nhà đầu tư bán ra trên thị trường. Người dân địa phương cũng không biết giá đất đem đổi lấy hạ tầng được tính như thế nào, giá trị đầu tư hạ tầng là bao nhiêu cũng không rõ. Giá trị đầu tư hạ tầng, cây xanh tại khu đô thị Văn Giang là bao nhiêu trong giá thành nhà ở bán ra trên thị trường cũng không được biết cụ thể. Người dân địa phương cũng không biết nhà đầu tư đã bỏ bao nhiêu tiền hàng năm để đầu tư khu đô thị và nộp ngân sách bao nhiêu. Tất cả những điều này chưa được công khai, minh bạch, làm cho người dân càng nghi ngờ, bức xúc nhiều hơn. Nhà đầu tư cố gắng về vốn rất nhiều, nhất là trong lúc thị trường bất động sản trầm lắng, cũng không khỏi bức xúc.

Như vậy, công khai, minh bạch đối với các dự án đầu tư vẫn là điều cần phải làm triệt để, có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương và động viên được nhà đầu tư. Chủ trương đảm bảo hài hòa 3 lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đã đưa ra từ lâu nhưng gần như chưa được triển khai cụ thể. Chỉ có công khai, minh bạch về tài chính của quá trình đầu tư mới hy vọng thực hiện được chủ trương hài hòa 3 lợi ích. Luật Đất đai sửa đổi cần quan tâm đặc biệt tới cơ chế công khai, minh bạch về tài chính của quá trình đầu tư.

Bài học thứ tư về giảm tham nhũng và khiếu kiện đối với đất đai

Tham nhũng và khiếu kiện là 2 hiện tượng luôn được coi là đồng hành với các dự án đầu tư. Đối với các dự án lớn có tác động trên phạm vi rộng, vấn đề kiểm soát tham nhũng và chuẩn bị giải quyết khiếu nại đông người cần được đặt ra ngay từ đầu để có những giải pháp phù hợp. Những nghi ngờ, phát hiện của người dân về tham nhũng cần được xem xét, giải quyết kịp thời và công khai. Những dự án có tác động trên phạm vi rộng thường gây khiếu nại đông người. Dự án Văn Giang là một ví dụ cụ thể về khiếu nại đông người, dài ngày, rất phức tạp. Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại 2011 về khiếu nại đông người. Việc giải quyết khiếu nại đông người ở Văn Giang cần được giải quyết tận gốc theo quy định của pháp luật. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần đưa vào các quy định cụ thể về kiểm soát tham nhũng và giải quyết khiếu nại đông người.

Bài học thứ năm về nhận thực pháp luật của cán bộ quản lý đất đai

Pháp luật hiện hành về khiếu nại, về tố tụng hành chính đã cho phép luật sư tham gia vào quá trình khiếu kiện của dân với vai trò đại diện. Đây là một quy định rất tiến bộ, tạo điều kiện tốt để hoàn thiện một hệ thống pháp luật đồng bộ và nâng cao nhận thức pháp luật của các cán bộ quản lý. Các cán bộ nhà nước không chỉ cần nắm vững, hiểu sâu về pháp luật chuyên ngành và cần nắm vững cả hệ thống pháp luật chung. Cần xây dựng một hành lang pháp lý chi tiết, cụ thể để việc tham gia của các luật sư vào quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại của dân mang lại hiệu quả cao.


Ông Đặng Hùng Võ trong cuộc đối thoại ngày 8/11. Ảnh: Nguyễn Hưng/ VNE

Những kiến nghị

Từ những bài học Văn Giang nói trên, có thể đưa ra các kiến nghị cho Dự án Văn Giang, cũng như các kiến nghị chung về đổi mới chính sách, pháp luật đất đai.

Kiến nghị thứ nhất: Đối với Dự án Văn Giang, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Giang phải trực tiếp tiếp xúc với người dân, sát dân hơn nữa để lắng nghe từng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, không nên "khoán trắng" cho chính quyền cấp xã và nhà đầu tư. Các vấn đề người dân khiếu nại phải được giải đáp cho tường tận, triệt để. Những thiếu sót nếu có cũng phải được giải thích rõ ràng, thấu tình đạt lý để nhân dân thông cảm. Chính các cấp từ Trung ương tới xã cần thống nhất, không được ngần ngại, né tránh, ngập ngừng, phải đối mặt với sự thật mới làm mất đi sự hoài nghi, thắc mắc của dân. Càng thiếu minh bạch càng làm cho người dân dễ hiểu lầm, làm người dân vẫn phải tiếp tục khiếu kiện kéo dài.

.
Sau buổi gặp gỡ với một số hộ dân bị thu hồi đất ở Văn Giang, tôi đã phải xếp lại mọi việc đang làm để tìm hiểu thật kỹ về câu chuyện Văn Giang. Các cơ quan nhà nước như Thanh tra CP, Văn phòng CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều Bộ, ngành khác đã có nhiều nỗ lực giải quyết mà mình không có thông tin. Nhìn lại mới thấy buổi gặp gỡ của mình với một số người dân tưởng như đơn giản mang tính nhân văn nhưng lại có thể gây phức tạp thêm cho quản lý. Bài viết này được viết khi tôi đã có đầy đủ thông tin về câu chuyện Văn Giang trong suốt thời gian tôi về hưu.
Tôi mong rằng các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, nhà đầu tư và những người dân Văn Giang hãy coi bài viết này là ý kiến của tôi khi có đủ thông tin. Bài viết được hình thành từ tư duy của tri thức quản lý, có đủ tình người, với trách nhiệm của người quản lý trong cuộc trước đây cũng như trong vai chuyên gia hiện nay.
Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải thực hiện đúng pháp luật. Đó là cơ sở để xây dựng một nhà nước pháp quyền tiến bộ.

Kiến nghị thứ hai: Cần phải thực hiện triệt để những kết luận của Thanh tra Chính phủ vào năm 2007 và 2009. Tôi đã đọc khá kỹ các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đây là những kết luận rất chân thực về những điểm được cũng như chưa được của Dự án Văn Giang và đưa được ra những đề nghị hợp lý về những việc phải làm. Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục giám sát thực hiện các kết luận trên, tập trung làm rõ các dấu hiệu tham nhũng mà người dân đã phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và kịp thời công khai trước công luận. 

Kiến nghị thứ ba: Dù sao, việc thu hồi một diện tích lớn đất nông nghiệp để triển khai đầu tư xây dựng dự án Văn Giang cũng phần nào đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi trước mắt của người dân. Những quyền lợi về sinh kế mà người dân được hưởng lợi từ dự án cũng không phải một sớm một chiều đưa lại ngay được khi vẫn đang còn những nhận thức khác nhau về vấn đề triển khai dự án và những khó khăn khách quan mà cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp gặp phải. UBND tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang cần ưu tiên thực hiện lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới tại 3 xã vùng đô thị Văn Giang có nhiều làng nghề với việc triển khai khu đô thị sinh thái Ecopark để tạo thành một vùng đô thị đa dạng, bảo đảm lợi ích cho cả nhà đầu tư và mọi người dân trong quá trình đô thị hóa. Chủ đầu tư cần trích một phần lợi ích từ dự án để phát triển hạ tầng đô thị cho phần nông thôn mới, đầu tư các công trình phúc lợi xã hội cần thiết, phát triển quỹ hỗ trợ người hết tuổi lao động, lập mới các quỹ hỗ trợ các nhóm đối tượng khác mất sinh kế cho cộng đồng dân cư thuộc vùng Dự án. Chủ đầu tư cần có những biện pháp hữu hiệu, cụ thể nhằm ưu tiên đào tạo và sử dụng lao động người địa phương với một mức thu nhập tốt để người dân hưởng lợi trực tiếp từ dự án đầu tư.

Người dân 3 xã trong vùng dự án bị thu hồi diện tích lớn về đất đai để đô thị hóa, đem lại lợi ích cho cả tỉnh, cả vùng. Đó là sự hy sinh mà họ xứng đáng nhận được những sự tôn trọng của xã hội, của cả cộng đồng và họ phải được hưởng lợi ích trực tiếp và trước mắt từ dự án đầu tư.

Kiến nghị thứ tư: Cần công khai, minh bạch việc đổi đất lấy hạ tầng như xác định giá trị hạ tầng đã xây dựng, xác định giá trị đất đai đem đổi, giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã thực hiện, v.v. để những người dân bị thu hồi đất biết thông tin và có thể tham gia giám sát.

Kiến nghị thứ năm: Những bài học Văn Giang cần được nghiên cứu kỹ để hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tập trung chủ yếu vào đổi mới toàn diện cơ chế công khai, minh bạch tài chính; cơ chế tham vấn cộng đồng và tạo đồng thuận cộng đồng trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; cơ chế thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa để phát triển đất nước luôn là một quá trình phức tạp. Bằng mọi giá, quá trình chuyển dịch đất đai để thực hiện các dự án đầu tư phải được thực hiện. Tham nhũng trong quản lý và khiếu kiện của dân luôn đồng hành với quá trình thực hiện các dự án đầu tư nếu không được quản lý chặt chẽ. Nhưng không phải vì sợ tham nhũng và khiếu kiện mà ngừng lại quá trình đầu tư. Một hệ thống pháp luật, chính sách tốt có thể tăng sức đầu tư nhưng vẫn kiểm soát được tham nhũng và hạn chế được khiếu kiện của dân. Dự án Văn Giang đã cho chúng ta những bài học đắt giá.

Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ
Nguồn: Tuan VietNam (VNN).
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét