Blogger Widgets

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

KHÁNH TRÂM: MỘT BUỔI MÍT TING Ở SÀI GÒN

Tác giả Khánh Trâm (áo đỏ No U) đứng giữa đoàn biểu tình.

MỘT BUỔI MÍT TING Ở SÀI GÒN
Khánh Trâm 

Kể từ buổi sáng thứ năm, ngày 6/12/2012 giờ phút ra đời cái Bản thông báo của nhân sĩ trí thức TP HCM với 5 người đại diện ký tên kêu gọi nhân dân TP tham gia buổi meeting phản đối những hành động gây hấn thời gian gần đây của nhà cầm quyền Trung Quốc, tôi (tuy đã có tuổi) lại sống trong không khí náo nức, sôi động của những lần xuống đường trước đây và trong bụng thầm mong sao đừng bị đi biểu tình hụt như hồi tháng 8.

Sáng nay là chủ nhật 9/12/2012. Ngày hẹn mít ting. Suốt đêm qua, bài thơ “Trường Sa hành” của Tô Thùy Yên cứ chập chờn trong giấc ngủ của tôi: “ Trường Sa, Trường Sa đảo chếnh choáng/ thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề” với “Bốn trăm hải lý nhớ không tới” và “Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế” do trước đó người láng giềng là đảo Hoàng Sa đã bị hải quân Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm nên thi nhân đã thấy “Trùng dương khóc trắng trời”.

Những ngày này, tổ quốc Việt Nam đang lâm nguy. Cái khát vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang được thực hiện một cách bài bản mà giọt nước làm tràn ly là chiếc hình lưỡi bò ngoạm 80% Biển Đông trên tấm họ chiếu Trung Quốc và quyết định chặn bắt tầu thuyền đi lại từ ngày 1/1/2013 của họ. Thế là những  người dân Việt nam ai không chịu nhục đã cùng nhau tập trung tại trước nhà hát thành phố.

Tôi đến từ sớm và được thưởng thức đoàn quân nhạc trong bộ trang phục mầu trắng toát (chắc cũng giống sóng biển Đông khóc trắng trời!). 8:30 phút kết thúc ca nhạc. Những người không quen mà hẹn nhau và những người được giao nhiệm vụ đột xuất cũng hẹn nhau buổi sáng nay khá đông. Khoảng 10 phút sau khi quân nhạc rời đi là chúng tôi tiếp quản ngay chỗ này. Cái thềm nhà hát này cũng mang nhiều dấu ấn lịch sử. Nhiều người trong đoàn mít ting còn nhớ, tại chính nơi đây năm 1974 chủ tịch tổng hội sinh viên Sài Gòn, Bs Huỳnh Tấn Mẫm đã cầm đầu đoàn biểu tình chống chiến tranh. Hôm nay ông cũng có mặt. Những tiếng hô: Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam vang lên liên tiếp. Người bắt nhịp cho những tiếng hô là nhà báo Lê Phú Khải để rồi những bạn trẻ và nhân dân tiếp tục truyền đi những lời khẳng định mạnh mẽ này. Tiếp nối khẩu hiệu trên là 2 tiếng VIỆT NAM, VIỆT NAM, VIỆT NAM nghe thật ấm lòng. Nhà báo Lưu Trọng Văn hô to: “Tổ quốc trên hết”, thế là những tiếng “Việt Nam. Việt Nam” lại một lần nữa được vang lên…

Đoàn mít ting đem theo những khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông bằng hai thứ tiếng Việt – Anh (theo kiểu “ai có súng dùng súng, ai có gương dùng gươm…”. Chúng tôi hôm nay ai có gì dùng nấy. Riêng tôi đem theo khẩu hiệu “Hoàng sa- Trường Sa là của Việt Nam” đưa cho con gái cầm (cháu còn nhỏ) thì bị ai lấy mất. Tìm trong đoàn mít ting thì không thấy. Tôi cứ nghĩ quanh. Nếu ai đó lấy để dùng cho những lần sau (vì cách hành xử của kẻ bành trướng Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục) thì tôi ngàn lần cảm ơn còn nếu không phải vậy thì tôi buộc phải nghĩ rằng “thôi, thế là một đứa con của Mẹ Việt Nam đã bị quân Tầu cộng nó mua chuộc rồi”. Hôm nay cũng có nhiều cách thể hiện chính kiến thật độc đáo. Nhà báo Thế Thanh (nguyên Tổng BT báo Phụ Nữ TP HCM và phó GĐ Sở VH TT Và DL) đem theo cái giỏ sách in đậm dòng chữ: “ Nói thì hay lắm”, chưa hết chị còn viết trên lưng áo “Hoàng sa, Trường sa là của Việt Nam, Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc, phản đối đường lưỡi bò U-Line”. Thế là trên áo chị có tới 3 khẩu hiệu đanh thép. Thật tuyệt vời! (Viết đến đây tôi lại nhớ lần đi biểu tình tháng 6/2011 ở Hà Nội mùa hè trước có chị dán trên chiếc nón tờ giấy in rõ 16 chữ đen “Láng giềng khốn nạn, cướp đất từng phần, cướp biển lâu dài, thôn tính tương lai”). Ai đó cứ rêu rao “người dân kém hiểu biết” riêng tôi thì nghĩ ngược lại.

Cuộc mít ting sáng hôm nay đã để lại trong tôi nhiều nghĩ suy. Vui có, buồn có với những câu hỏi không dễ trả lời nhưng tôi cũng sẽ nhớ mãi hình ảnh KTS Nguyễn Trọng Huấn, anh bị tai biến, gần đây vẫn phải đi xe lăn vậy mà sáng nay cũng cùng vợ là họa sỹ Anh Thơ có mặt cùng đoàn. Chính quyền yêu cầu đoàn kết thúc rất sớm. Mọi người chấp hành sau khi đã được thể hiện chính kiến của mình. Tôi chỉ muốn hỏi: “Tại sao những người đứng trên thềm nhà hát lớn chúng tôi rất ôn hòa, không ai nói hoặc làm điều gì sai trái, vậy mà bỗng dưng đang đứng yên lành thì có người xô đẩy để những bác cao tuổi suýt té ngã?” Và khi mọi người giải tán (tôn trọng yêu cầu của chính quyền) tôi bỗng giật mình khi có tiếng hô “bắt người”. Chúng tôi cùng quay lại để bảo vệ một bạn trẻ. Lúc mít ting bạn hô rất to, đó cũng là tiếng gọi của tổ quốc!

Bạn thanh niên cùng ngồi nghỉ ở vườn hoa với những cô chú trung niên chúng tôi.

Chẳng ai quen biết ai nhưng có thứ giác quan thứ sáu mách bảo chúng tôi là người đến đây theo tiếng gọi của các nhân sỹ trí thức. Các bác yêu cầu tôi cho được chụp hình với chiếc áo No- U mà tôi đang mặc. Tôi cũng sẽ đem theo mình 2 câu chuyện mà họ chia sẻ. 

Câu chuyện thứ nhất: 

Cuộc đối đáp giữa chị Nh và người làm nhiệm vụ (tạm gọi là NH và AN). Chả là trong lúc mít ting, có bạn thanh niên đứng cạnh chị bị AN đòi thu máy chụp hình, chị lên tiếng bênh vực bạn thanh niên và thắc mắc là tại sao lại đòi thu tài sản công dân? Thế là có cuộc “hội thoại”này:

-  Chị là ai?

-  Tôi là nhân dân.

-  Chị coi chừng đấy, có muốn bị bắt không?

-  Tại sao lại bắt tôi? Tôi trốn chồng trốn con ra đây để đồng hành cùng nhân dân chống kẻ thù Trung Quốc xâm lược. Các anh có thích bắt thì cứ bắt đi. Bắt thì công an phải nuôi tôi, con tôi khỏi phải nuôi tôi.

(Chị vừa kể, vừa tức. Chị nói, lúc đó còn nghe thấy tiếng ai trong đoàn bảo chụp hình mấy tay chính quyền này đưa lên mạng cho bà con xem mặt. Chị nói ngay: “Ôi giời ơi, mấy tay này ngày nào chẳng lên TV, con cháu chị nhìn thấy chúng bảo tắt TV đi, nhìn ghét lắm!” Chị cũng cho biết chị nói đến đâu có người của họ cứ chĩa máy hình vào mặt chị). 

Câu chuyện thứ hai: 

Anh tên là S. Anh hỏi tôi lần trước (hồi tháng 7) có đi không rồi anh kể luôn là bữa đó anh bị một chị chất vấn là tại sao lại đi biểu tình? Anh được dịp ôn tồn nói: “Tôi là một công dân Việt Nam. Tôi ra đây để tìm lại cảm xúc của mình. Năm 1974 tôi đi biểu tình theo lời kêu gọi của Chủ tịch tổng hội sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm. Hôm nay tôi lại ra đây sau 38 năm. Tôi tìm lại cảm xúc thì thấy đau lòng quá. Chính quyền đàn áp sinh viên và thanh niên, vì thế cho nên trong nhân dân rất nhiều người căm ghét quân Trung Quốc xâm lược nhưng họ không dám thể hiện. Riêng tôi, tôi vẫn ra đây và thấy mình phải có mặt vì tôi là một công dân Việt Nam có trách nhiệm trước Tổ quốc”

Nghe xong tôi nói: “Ngày 1/7 ấy và hôm nay Bs Huỳnh Tấn Mẫn cũng có mặt đấy”. Trước lúc chia tay, anh nói đùa, thật chua chát: “Mai này lỡ có đi tắm biển thì phải ngậm hộ chiếu vô miệng !”

Thật tình cờ, tôi, chị Nh và anh S đều cầm tinh con chuột. Một trong 12 con giáp mà tính đặc thù của nó là không cho ai đè đầu cưỡi cổ mình vô lý. 
Sài Gòn, 9.12.2012

Gia đình tác giả mặc áo đỏ
Gia đình tác giả mặc áo đỏ

Sài Gòn, 9.12.2012
Sài Gòn, 9.12.2012

Nguồn: NTT Blog.

Cùng xem lại toàn cảnh cuộc biểu tình tại Sài Gòn và HN 9.12.2012: 


Nguồn video: Ba Sàm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét