ĐÔI LỜI TÂM SỰ VỚI CÁC BẠN TRÍ THỨC
KTS. Trần Thanh Vân
Chồng tôi, Lê Tiến Thiện, hiệu Từ Quang (ánh sáng của lòng nhân từ) đã vĩnh viễn nằm xuống. Hôm nay anh thực sự đã trở về với mảnh đất cha ông, nghĩa trang thôn Do Lộ, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Nằm cạnh anh là thằng con trai lớn của chúng tôi: Lê Trần Bảo, nó đã về đó cách đây đúng 12 năm để đón bố hôm nay.
Không hiểu sao, 12 năm trôi qua, nơi đó vẫn được để trống chờ anh? Một miếng đất nhỏ, góc thửa ruộng nhỏ, nguyên thổ, khiêm tốn, nằm yên lặng, bên lối đi?
Không hiểu sao, 12 năm trôi qua, nơi đó vẫn được để trống chờ anh? Một miếng đất nhỏ, góc thửa ruộng nhỏ, nguyên thổ, khiêm tốn, nằm yên lặng, bên lối đi?
Những ngày bận rộn, tang gia bối rối vừa qua, mẹ con tôi đã được anh chị em họ hàng, bạn bè, người thân, làng xóm quê nhà và cơ quan cũ của anh, của những người quen thân đã lâu và cả những bạn mới quen chưa kịp biết mặt, đã chăm lo giúp đỡ vô cùng chu đáo. Tôi mất chồng, đau khổ ngẩn ngơ, thằng bé chưa đầy 14 tuổi bị mất cha càng ngẩn ngơ hơn, nhưng mọi việc đã diễn ra vô cùng êm đẹp, khiến mẹ con tôi thực sự thấy ấm lòng.
Con xin cảm tạ Trời Phật, xin cảm tạ tấm lòng của mọi người. Cuộc đời này vẫn còn nhân hậu và đáng hy vọng lắm.
Hôm nay, 9/12/2012, theo lời hẹn, tôi phải về quê thanh toán mọi khoản chi phí và cám ơn họ hàng làng xóm đã hết lòng vì chồng tôi trong tang lễ vừa qua.
Khi tôi đang cùng mấy đứa cháu bên nhà chồng ngồi kiểm lại các khoản mọi người đã chi tiêu để thanh toán thì điện thoại reo:
- "Chị ơi, một xe buýt bắt gần 30 người đã đi về phía bên kia sông Hồng".
- "Chị ơi, một xe buýt bắt gần 30 người đã đi về phía bên kia sông Hồng".
Tôi nói với thằng cháu họ: "Cô ở lại làm nốt việc phải làm, cháu đi đi".
Thằng bé tất tưởi ra đi.
Chiều về, tôi được biết đầy đủ mọi tin tức, ai đang bị giam ở đâu, ai đã được về và đọc vội thông báo của TS Nguyễn Quang A viết từ nhà cụ nhạc gửi ra và những dòng phản ứng bất bình của GS Tương Lai.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến những ứng xử cuối đời của chồng tôi.
Anh đã từng được nuôi nấng, cưng chiều và một thời được xã hội nể trọng.
Anh là người con út sinh trưởng trong một gia đình đông con nhưng hiếu học. Các chị gái chị dâu đều là giáo viên. Các anh trai, anh rể đều tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 và có người đã lên đến cấp tướng. Cả gia đình sống trong sạch, tận tụy trong công việc.
Đó là những tấm gương tốt để anh noi theo.
Bản thân anh đã tham gia quân ngũ, đã đi dạy học và ba năm liền là chiến sĩ thi đua, rồi trở thành Đảng viên khóa Mồng sáu Tháng Giêng (1961), anh đã đi làm báo, đi học đại học và được đào tạo tại nhiều nước về ngôn ngữ và về kinh tế: ở Vương quốc Anh, ở Nhật, ở Hà Lan...Sau hơn 30 năm làm kinh tế đối ngoại ở Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước, ở Văn phòng Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ Ban QGDS & KHHGĐ, được đặt chân đến khoảng 40 nước phi xã hội chủ nghĩa, để đi vay và đi xin viện trợ.
Năm 1985, anh đã được Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme mời đến nhà riêng ăn cơm chiều, để thể hiện lòng hiếu khách, vợ chồng Thủ tướng vào bếp tự làm thức ăn đãi khách. Anh dần dần hiểu ra: "Xã hội Tư bản giãy chết không xấu như báo chí đã tuyên truyền và con người trong xã hội giãy chết đó thì thật tốt bụng, thông minh, cần cù và chân tình, chứ không hời hợt, kênh kiệu, giả tạo và sẵn sàng phản bạn như một số "đồng chí" mà anh đã cộng tác".
Đầu năm 2000, anh quyết định xin về hưu và sau khi nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, anh lặng lẽ cất bộ hồ sơ Đảng tịch đó đi, không giao nộp cho địa phương, coi đó là một kỷ niệm thời trẻ mà anh không muốn nhắc tới nữa.
Kể từ ngày đó, anh chính thức tự "khai trừ" mình ra khỏi Đảng.
Tôi về hưu sớm hơn anh (năm 1992) để lập công ty riêng, chúng tôi đi làm thuê (thiết kế và nhận hợp đồng thi công xây dựng) tôi phải kiếm tiền để nuôi sống gia đình và bắt đầu quan tâm đến các hoạt động ngoài xã hội. Khác với anh, lúc còn trẻ tôi không làm đơn xin vào Đảng, không nhận một chút chức quyền gì, nên lúc cuối đời, tôi không bị cái cảm giác thất vọng, buồn chán đè nặng như anh.
Kể từ năm 2000 vợ chồng tôi mới thực sự có thời giờ sống bên nhau và mới thực sự nói chuyện với nhau nhiều về nhân tình thế thái.
Lúc này quan hệ xã hội đã thay đổi nhiều. Những người quen đã từng cùng cộng tác và được anh giúp đỡ trước đây, có người đã về hưu, thỉnh thoảng đến thăm anh, có người vẫn phải bận kiếm sống, nên thi thoảng anh mới có dịp gặp và có người đã lên chức lên quyền thì còn bận rộn với chức quyền của mình nên anh cũng không muốn gặp họ.
Ngược lại, anh bắt đầu quen và gắn bó với các bạn của tôi nhiều hơn.
Nghề nghiên cứu Phong thủy trong quy hoạch hay nói đến chuyện huyền bí và nghề thiết kế thi công xây dựng đôi lúc phải ra công trường lam lũ, lại hay đối diện với những vấn đề nóng bỏng như Vụ Thủy cung Thăng Long, như Disneyland trong Công viên Thống Nhất, như dự án Khách sạn trong Công viên, như Dự án xây TT Thương mại trên Chợ 19 tháng 12, như quy hoạch đô thị hai bờ Sông Hồng, như quy hoạch Thủ đô mở rộng... là những đề tài khiến tôi thực sự bận rộn và trăn trở.
Anh là người ngoài nghề nhưng anh cũng bị cuốn hút và đã giúp đỡ tôi không ít. Tính anh điềm đạm, lại đã quen viết lách và cân nhắc từng câu chữ, anh hay đọc các bài nháp tôi viết ra, cắt bỏ những từ ngữ nóng nảy không cần thiết, khiến cho những điều tôi muốn diễn tả dễ lọt tai và thuyết phục người khác hơn. Anh dặn tôi, muốn nói gì thì phải tìm hiểu cho kỹ, phải nắm thật chắc, rồi đi thẳng vào vấn đề, đừng nói chung chung, đừng hằn học thóa mạ người khác.
Anh bảo: "Không ai thích nghe những lời đao to búa lớn, lúc cần cười, vẫn phải cười, lúc cần bắt tay vẫn phải bắt tay, miễn là bắt người ta nghe theo mình, đó chính là nguyên tắc "lấy nhu thắng cương".
Ngày tôi suýt bị bắt vì vụ Thủy cung Thăng Long năm 1998, khi nhận được tin cấp báo, anh động viên tôi bình tĩnh vững tin và sẵn sàng thay tôi lo việc gia đình.
Ngày ông Phó Tổng giám đốc công ty du lịch Hà Nội đưa tin bịa đặt rằng Khách sạn NOVOTEL ON THE PARK là của Thụy Điển đầu tư, nên họ họp báo tuyên bố là vẫn cho tiếp tục xây khách sạn 4 sao trong công viên, anh giúp tôi liên lạc với Đại sứ Thụy Điển ngay để làm rõ trắng đen.
Từ đó anh dặn tôi trong thời buổi nhá nhem này phải hết sức tỉnh táo và khôn khéo, ai kích động cũng kệ, ai chê bai là mê tín dị đoan cũng mặc, miễn là phải luôn làm việc có hiệu quả và cần "đánh" vụ nào là phải kiên trì tìm đồng minh "đánh" xong mới thôi.
Anh còn nói với tôi: "Đừng có ảo tưởng và đừng đặt lòng tin vào bất cứ lời ngon ngọt nào. Lúc còn trẻ em đã không chọn con đường tiến thân là vào Đảng, thì hôm nay em cũng không việc gì phải chống Đảng. Đảng là một tổ chức chính trị chỉ có thể tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Anh đã từng coi Đảng là thiêng liêng là máu thịt. Nhưng chuyện đó qua rồi. Vĩnh viễn qua rồi".
Những năm gần đây sức khỏe của anh kém dần. Còn tôi vốn đã nhiều bệnh mãn tính, lại phải chăm sóc một ông chồng ốm và nuôi dạy một thằng con út mới học đến cấp II, nên khá tốn kém và bận bịu.
Anh bảo với tôi: "Em đừng quá lo nghĩ về anh và con quá nhiều, vẫn phải tham gia công việc xã hội và chia sẻ bớt cho xã hội, chọn việc nhỏ thôi nhưng thật hữu ích mà làm, hãy coi đó là thú vui xả hơi sau những phút căng thẳng vì chồng con, em sẽ thấy vui hơn và đóng góp có hiệu quả hơn".
Tôi đã nghe anh và chọn những việc rất nhỏ tùy theo sức của tôi.
Hôm nay anh không còn nữa. Anh đã chọn cách ra đi để đỡ bớt gánh nặng trên vai tôi.
Dù rất đau đớn, nhưng tôi có thể yên tâm nói rằng: "Vào lúc cuối đời chúng tôi đã hiểu nhau và có cùng quan điểm".
Tôi muốn nói với mọi người sau sự kiện hôm qua, đặc biệt với những vị đã gắn bó hơn nửa đời người với Đảng và Nhà nước là đừng ảo tưởng nữa. Hãy dũng cảm làm những việc đúng mình muốn và nói những lời đúng lòng mình.
T.T.V.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét