Luật sư, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa:
Loại trừ những quy định xa rời cuộc sống
17/12/2012 – 07:10Luật pháp phải có “tính thiêng” của nó. Không thể cứ ban hành ra thấy bị phản ứng thì hoãn áp dụng để xem xét chỉnh sửa.
Nhiều quy định do cơ quan quản lý hành chính nhà nước ban hành không đi vào được cuộc sống khiến phải hoãn tới, hoãn lui thời điểm áp dụng. Mới đây nhất là việc cho lùi thời điểm áp dụng quy định phải có quy hoạch 1/500 mới được cấp giấy phép xây dựng trong Nghị định 64/2012. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu lực của pháp luật mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Nhà nước. Pháp Luật TP.HCM trò chuyện đầu tuần với luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư VN, thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, xoay quanh vấn đề này.
Mở đầu câu chuyện, luật sư, đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa cho biết:
+ Tôi đã gửi chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ 4 vừa rồi về một số quy định quản lý hành chính nhà nước không phù hợp gần đây như ghi tên cha mẹ vào CMND; giao CSGT xử phạt xe không chuyển quyền sở hữu, để lại 70% tiền xử phạt cho CSGT… Thừa ủy quyền của Thủ tướng, các bộ liên quan đã trả lời bằng văn bản trong đó có lý giải nhiều nguyên do nhưng thật sự tôi thấy chưa thuyết phục.
Quy định cũ, xa rời thực tiễn
. Phóng viên: Ông thấy chưa thuyết phục thế nào?
+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Những viện dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước về việc vì sao lại có những quy định này và vì sao phải áp dụng nó cho thấy họ không đứng trên nhu cầu thực tiễn. Có những cái không hợp lý hoặc lỗi thời nhưng vẫn được lôi ra thực hiện. Chẳng hạn như việc ghi tên cha mẹ vào CMND đã được quy định từ Nghị định 05/1999, sau đó tiếp tục ghi nhận tại Nghị định 170/2007. Hơn 10 năm qua quy định đấy không được thực hiện, đến giờ lại mang ra thí điểm. Trong khi đó việc này đâu cần cho quản lý nhà nước, cũng không cần cho nhân dân, lại xâm phạm bí mật đời tư và có thể gây xáo trộn quan hệ gia đình và xã hội, dẫn đến phát sinh tranh chấp trong một số lĩnh vực. Theo tôi đã thấy không hợp lý, không cần thiết cho ai thì bỏ đi chứ chẳng phải thí điểm làm gì, gây thêm phiền toái cho nhân dân và thêm rắc rối cho quản lý nhà nước lẫn xã hội.
Tương tự, quy định CSGT có quyền phạt xe không chính chủ tại Nghị định 71/2012 mới đây đã xâm phạm quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu và gây phiền hà cho người dân…
. Đúng như luật sư nói, dư luận gần đây rất bức xúc trước việc nhiều quy định rất tréo ngoe với thực tiễn, dẫn đến các cơ quan quản lý phải kiếm cách “hoãn binh” để điều chỉnh. Theo ông, kiểu làm chính sách ấy cho thấy lỗ hổng gì?
+ Nó cho thấy sự quan liêu, xa cách nhu cầu cuộc sống trong quá trình làm chính sách. Cơ quan tham mưu không nhận ra đòi hỏi từ người dân, từ thực tiễn nên khi áp dụng mới tréo ngoe, thậm chí không thể thực hiện được. Đó là kiểu làm chính sách từ trên trời ban xuống hay cách rất cũ mà ta nói hoài là “làm chính sách từ salon, phòng máy lạnh”.
Trong khi ấy có những chuyện từ lâu lẽ ra phải có những quy định để điều chỉnh thì lại chậm ban hành hoặc sửa đổi, chẳng hạn như quy định về quyền biểu tình của người dân. Nội dung trong Nghị định 38/2005 đem áp dụng đối với vấn đề này hiện nay đã không còn phù hợp. Theo tôi, cần thiết phải sửa đổi nghị định này trong thời gian chờ ban hành Luật Biểu tình bởi không thể đánh đồng hành vi biểu tình yêu nước một cách ôn hòa với hành vi gây rối ngoài đường phố. Như thế là bất cập và gây bức xúc cho người dân.
Việc xử phạt hàng rong theo Nghị định 34/2010 ở mức cao không có tác dụng
vì họ không đủ tiền để nộp. Ảnh: HTD
Làm chính sách kiểu mệnh lệnh
. Nhưng khổ nỗi có những nghị định trước khi ban hành cũng được tổ chức lấy ý kiến rất rầm rộ, tốn kém không ít. Các địa phương cũng kiến nghị nhiều vấn đề về tính khả thi. Thế mà đến khi ban hành chính thức thì mọi cái vẫn như cũ? Tại sao vậy?
+ Như tôi đã nói là do quan liêu, xa cách thực tế. Một biểu hiện nữa là thích dùng mệnh lệnh. Trong khi điều cần thiết khi anh ban hành một chính sách là phải tạo một hành lang pháp lý để người dân thực hiện và anh phải dự liệu sẵn mọi tình huống để đảm bảo thực thi những quy định ấy một cách hiệu quả nhất.
Tôi biết có những quy định rất lạ. Chẳng hạn Nghị định 64/2012 về cấp phép xây dựng quy định khi cấp phép xây dựng nhà thì phải phủ quy hoạch 1/500. Nhưng làm sao phủ được, quy hoạch 1/2000 còn chưa làm nổi nữa là! Điều đáng ngạc nhiên là việc này các địa phương đã cảnh báo nhưng cơ quan tham mưu vẫn làm lơ để đến thời điểm áp dụng lại phải lùi đến tháng 7-2013. Mà nói thật, đến thời điểm đó, cái điệp khúc “lùi” thế nào cũng lại tiếp tục vì khó có thể thực hiện được yêu cầu trên, trong khi nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân là chính đáng phải đáp ứng.
Hay như quy định thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện (Nghị định 18). Người ta kiến nghị bao nhiêu lần là thu phí theo xăng dầu chứ không nên bổ trên đầu phương tiện nhưng mọi kiến nghị cứ như rơi tõm vào khoảng không. Chắc rằng rất nhiều tổ chức và người dân sẽ bị làm khó vì quy định này sắp được thực thi.
. Thực tế hiện nay còn tồn tại một não trạng của cơ quan quản lý là cứ phạt thật nặng để cho dân biết sợ mà thực hiện. Nhưng phạt nặng quá lại dẫn đến thiếu tính khả thi?
+ Đúng là có chuyện đó, chẳng hạn như Nghị định 34/2010 xử phạt hàng rong tới 20-30 triệu đồng. Trong quản lý hành chính nhà nước thì chế tài là rất quan trọng nhưng các hình thức, mức độ chế tài hiện đang bị sử dụng tùy tiện, ít nghiên cứu cho phù hợp. Hiện nay chế tài của chúng ta thường đơn giản, bình quân chủ nghĩa và cào bằng. Chế tài thường cứ quy hết về tiền cho gọn nhưng trong một số trường hợp không có tác dụng, không có hiệu quả quản lý xã hội cao. Ví như phạt người buôn gánh bán bưng mà cao như thế thì sao mà nộp được. Trong khi ô tô vượt đèn đỏ phạt vài triệu đồng thì có gì đâu nhưng nếu bắt đi học luật lại thì có khi họ ngán hơn nhiều…
Phải tiện cho dân thực hiện
. Chính những kiểu làm chính sách như trên dẫn đến hệ lụy gì, thưa ông?
+ Luật pháp phải có “tính thiêng” của nó. Không thể cứ ban hành ra thấy bị phản ứng thì hoãn áp dụng để xem xét chỉnh sửa. Cứ như thế thì người ta không còn tin vào luật pháp nữa, thậm chí coi thường pháp luật. Rồi dẫn đến chuyện người dân không căn cứ vào pháp luật để hành xử mà họ tự xử với nhau theo “luật rừng”, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khác cho xã hội.
Lênin nói rằng: “Luật pháp nếu không được thực thi thì sẽ chỉ là tiếng vang trong không khí”. Để không xảy ra điều này thì việc tổ chức thực hiện luật (qua các công cụ nghị định, thông tư) của hành pháp là vô cùng quan trọng.
. Theo luật sư, cần làm gì để hạn chế tình trạng chính sách không đi cùng với cuộc sống?
+ Đầu tiên phải có cuộc chấn chỉnh về công tác soạn thảo các quy định quản lý hành chính nhà nước hiện nay. Cụ thể là phải chuyên môn hóa lực lượng này để văn bản viết ra phải đạt chuẩn mực pháp lý. Thứ hai là đổi mới cách làm theo hướng không nên chỉ giao cho các đơn vị quản lý hành chính nhà nước soạn thảo, ban hành với kiểu hành chính quan liêu như lâu nay. Phải có thăm dò ý kiến, khảo sát nhu cầu nhân dân một cách thực chất khi ban hành một quy định nào đó. Nên huy động các nguồn trí tuệ khác của xã hội vào công tác này, nhất là lực lượng chuyên gia.
Điều quan trọng nhất là ban hành chính sách trong quản lý hành chính nhà nước thì phải ưu tiên cho người dân trong chấp hành thực hiện chứ không phải vì thuận tiện cho cơ quan quản lý mà đẩy bất tiện về phía người dân. Nghĩa là phải theo phương châm là quyền lực thuộc về nhân dân thì anh phải làm sao thuận tiện nhất cho nhân dân.
Song song đó, việc tổ chức thực thi các quy định cũng phải thấu đáo, chất lượng cán bộ thực thi cần phải đảm bảo. Ngoài ra, chế tài hành chính phải sát hợp, linh hoạt, tùy điều kiện, địa phương, đối tượng mà có chế tài cho hiệu quả.
. Xin cảm ơn ông.
Nhiều ý kiến cho rằng cần có hình thức chế tài đối với việc ban hành các quy định trái hiến pháp, trái luật, không hợp lý, không khả thi, gây tốn kém tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Theo quy định hiện nay, QH có trách nhiệm giám sát việc ban hành các công cụ quản lý hành chính nhà nước trái hiến pháp, trái luật. Nhưng làm sao giám sát cho hết được. Chưa kể việc giám sát ấy được thực hiện theo một quy trình làm việc mang nặng tính nội bộ chứ không phải mang tính phán quyết theo quy trình tố tụng. Cần thiết phải có một cơ quan chuyên trách thực hiện điều này để đưa ra một kết luận mang tính phán quyết. Có thể đó là Hội đồng Bảo hiến như đề xuất của nhiều người khi bàn về việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhưng cụ thể nó như thế nào thì cần phải có những xem xét thấu đáo.
MINH CƯỜNG thực hiện
Nguồn: Pháp luật TPHCM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét