Ông Hồ Ngọc Nhuận coi cách thức tiến hành vụ xử án Nguyễn Phương Uyên – Đinh Nguyên Kha ở Long An là một việc làm ô nhục. Luật sư Lê Hiếu Đằng coi bản án dành cho vụ này thể hiện xu hướng phát xít hóa của chế độ. Trong vòng chưa đầy 24 giờ hàng nghìn người có lương tri sống ở trong nước và ở nước ngoài đã ký tên vào Lời kêu gọi ngày 20-05-2013, nội dung: phản đối bản án đánh vào lòng yêu nước của hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, và đòi trả lại tự do cho họ ngay tức khắc. Dư luận tiến bộ trên thế giới bầy tỏ sự bất bình về bản án, đồng thời cảnh báo việc xử án như vậy cho thấy sự vi phạm ngày càng nghiêm trọng Công ước về Quyền con người mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết tham gia.
Không thể nói khác, bản án Long An ngày 16-05-2013 kết tội tổng cộng 14 năm tù dành cho hai thanh niên yêu nước Uyên và Kha mang tính khủng bố. Bản án này là bước leo thang mới tiếp theo các bản án trước đó dành cho những người yêu nước có hành động biểu thị chính kiến một cách ôn hòa và đã bị kết án tù đày trong những năm vừa qua.
Điều vô cùng tệ hại là bản án Long An ngày 16-05-2013 trên thực tế đã trực tiếp đánh vào khát vọng tự do và tinh thần yêu nước của của thanh niên cả nước ta.
Đấy là bản án muốn khuất phục và nô dịch hóa giới trẻ, để phục vụ cho việc củng cố, bảo toàn chế độ hiện hành. Thử hỏi, trước những thách thức mất còn đất nước đang phải đối mặt, chúng ta không dựa vào thanh niên trong sự ngiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thì sẽ dựa vào ai? Đánh vào thanh niên như thế không phải là trực tiếp đánh vào đất nước?
Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, lãnh đạo ĐCSVN coi “công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược…, – nhấn mạnh – …đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là rất cần thiết trong tình hình hiện nay…”, đồng thời “hoan nghênh và cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992… So với bản dự thảo được công bố, đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân được tiếp thu, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng…” Trong bối cảnh như vậy, bản án Long An ngày 16-05-2013 bóc trần sự khác biệt đen/trắng đối chọi nhau giữa những lời nói tốt đẹp này và sự thật đầy không khí trấn áp của bản án Long An. Sự thật cũng cho nhân dân cả nước thấy: Ngày 17-05-2013 Ủy ban Dư thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đưa ra phiên họp Quốc hội lần này bản dự thảo mới, với nội dung về cơ bản vẫn giữ nguyên như cũ những điều quan trọng nhất trong Hiến pháp 1992. Vân vân…
Không thể không đặt ra những câu hỏi:
- Nói và làm đối nghịch nhau sống sượng như vậy, phải chăng những người nắm thực quyền trong ĐCSVN tin rằng có thể đánh lừa được nhân dân, để tiếp tục xiết chặt quyền lực mình đang nắm giữ?
- Làm như thế, đất nước sẽ giữ vững được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đất nước sẽ tiếp tục phát triển?
- Nói và làm đối nghịch nhau như thế, phải chăng những người có thực quyền trong ĐCSVN dứt khoát vứt bỏ con đường hòa bình cải cách thể chế chính trị đang được mở ra qua việc sửa đổi hiến pháp lần này?
- …
Không phải những gì Uyên và Kha đã làm và đã bị kết án một cách tàn bạo, mà là chính bản án Long An 16-05-2013, chính những bản án Long An như thế tiếp nối nhau trong suốt những năm vừa qua, cùng với sự bất nhất giữa nói và làm của những người có thực quyền trong ĐCSVN, đang từng ngày từng giờ uy hiếp sự tồn vong của đất nước!
Hiển nhiên, trấn áp như thế đang đấy chế độ hiện hành đi tiếp tới chỗ sụp đổ, hầu như chắc chắn với thảm kịch đẫm máu. Nhân dân cả nước hãy cảnh giác!
Các bậc cha mẹ trong cả nước, xin hãy cùng nhau bảo vệ và hậu thuẫn khát vọng tự do và tinh thần yêu nước của con em chúng ta!
Hà Nội, ngày 22-05-2013
Nguồn: Viet-studies
0 nhận xét:
Đăng nhận xét