Blogger Widgets

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Ô HÔ ! ÔNG BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC CHỈ ĐẠO GIẤU TIÊU CỰC


Ô hô! Bộ trưởng Luận chỉ đạo giấu tiêu cực
Võ Văn Tạo

Dưới tiêu đề: “Đề nghị Chủ tịch tỉnh chỉ đạo báo chí khi đưa tin tiêu cực”, báo điện tử Vietnamnet ngày 19-5 đưa tin Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa ký công văn số 2998 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 gồm 7 nội dung. Trong đó, nguyên văn nội dung thứ 7 như sau: Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có) (!).

Ô hô!

Làm tới Bộ trưởng mà ông Luận có vẻ như không biết một trong những chức năng cơ bản và tối quan trọng của báo chí nói chung và nhà báo nói riêng là phản ánh trung thực các hiện tượng tiêu cực, để góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt hơn; không một tổ chức, cá nhân nào được cản trở, hạn chế báo chí thực hiện chức năng đặc thù đó… đã được quy định hết sức cụ thể trong nhiều điều luật của Luật Báo chí, như:

Điều 1- Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;

Điều 2. Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động.

Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng.

Điều 3- Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân

Điều 4- …đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác;

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo

2- Nhà báo có những nghĩa vụ sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân;
b) Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí".

Ký và ban hành cái công văn ngược ngạo “vô tiền khoáng hậu” trên, Bộ trưởng Luận tự cho mình cái quyền ngồi xổm trên pháp luật?

Không những vậy, công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Luận còn bộc lộ hiểu biết quá ấu trĩ về thực tiễn quản lý báo chí. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố làm sao có thể “bịt miệng” được báo chí, nhất là các báo trực thuộc các cơ quan trung ương?

Nhưng điều tai hại nhất trong “sự cố” này là ở chỗ, không ai không thấy rõ ý đồ che giấu khuyết điểm, sai sót, tiêu cực, và thiếu trung thực… lộ liễu trong công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Luận. Giữ trọng trách đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trong ngành giáo dục đào tạo, Bộ trưởng Luận lại “đầu têu” che giấu sai phạm, tiêu cực, thiếu trung thực, bêu gương không gì xấu hơn cho thế hệ trẻ học sinh, sinh viên – thế hệ trẻ tương lai của đất nước! Thế thì giáo dục ai? Giáo dục cái gì? Nhà nước và nhân dân còn biết trông mong gì ở ngành giáo dục?

Ô hô! Hết biết! Ô hô!

V.V.T.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét