Blogger Widgets

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

18h30 HÔM NAY, RA MẮT "CHUYỆN NGHỀ" CỦA ĐẠO DIỄN TRẦN VĂN THỦY

Lễ ra mắt cuốn sách 
“Chuyện nghề của Thủy” 


Cuốn sách Chuyện nghề của Thủy được xuất bản vào tháng 5.2013. Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng là đồng tác giả. 

Cuốn sách gói gọn cuộc đời làm phim của Trần Văn Thủy, từ cơ duyên đến với nghề, tới hành trình trở thành đạo diễn phim tài liệu hàng đầu của Việt Nam. Phần lớn cuốn sách nói về những gian nan, cơ cực, những nguy hiểm, bệnh tật, đói khát, bom đạn trên chiến trường.

Cuốn sách cũng kể lại những tình huống oái oăm xảy ra khi quay, số phận chìm nổi những bộ phim của Trần Văn Thủy khi ra mắt cho tới vinh quang mà các tác phẩm đạt được.

Cuốn sách đề cập đến những chuyện có thật xung quanh một con người cụ thể nhưng quan trọng hơn đó là những chuyện không chỉ là của một người mà còn là của một thời...

Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ: “Để che chắn cho bộ phim của mình được đến bờ đến bến còn mệt mỏi hơn rất nhiều để làm ra nó. Tác phẩm Chuyện nghề của Thủy là một cơ duyên của tôi”.

Trần Văn Thủy là đạo diễn phim tài liệu hàng đầu Việt Nam. 

Ông đã có hàng chục bộ phim tài liệu được giải cao trong các liên hoan phim trong nước và quốc tế như: Những người dân quê tôi (Giải Bồ Câu Bạc, Liên hoan phim Quốc tế Leipzig năm 1970); Phản bội (Giải Vàng Liên hoan phim Việt Nam 1980); Hà Nội trong mắt ai (Giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988); Chuyện tử tế (1985 - Giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig); Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (1999, Giải phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43)…
Tễu Blog tổng hợp

TRÍCH “CHUYỆN NGHỀ CỦA THỦY”

Lời dẫn của Quà Tặng Xứ Mưa: Truyện nghề của Thủy là cuốn sách mới của đạo diễn điện ảnh Trần VĂn Thủy, tác giả của những bộ phim tài liệu nổi tiếng, gây chấn động dự luận một thời HÀ NỘI TRONG MẤT AI và CHUYỆN TỬ TẾ. Do phim thể hiện chính kiến mạnh mẽ mà tác giả đã phải “lên bờ xuống ruộng”…

Tháng tháng tôi vẫn lĩnh suất lương còm và rong chơi. Chơi mãi thì cũng ngượng, cũng chán. Cả năm 1981 chẳng làm gì cho hãng phim cả. Cuối năm bình năng suất lao động, tôi thuộc diện yếu kém. Ðâu có phải lúc nào cũng có đề tài ngon, lúc nào cũng làm được phim hay! Nó còn do cuộc đời đưa đẩy, tâm linh mách bảo.

 

Ngàn lần có lỗi với tiền nhân

 

Ðầu năm 1982, tôi quyết định gặp lãnh đạo hãng phim xin làm một phim bất kỳ cho tròn bổn phận của một người làm công ăn lương, để cuối năm có “năng suất” như mọi người.

 

Phim nào cũng được, đề tài nào cũng được, hay dở gì cũng được, miễn là tròn bổn phận.

 

Ông Lưu Xuân Thư, giám đốc hãng phim, một người lô tô, tốt bụng, hiểu tâm trạng của tôi. Một hôm ông đi qua phòng hành chính, chỗ tôi ngồi, tay khua khua tập giấy:

 

- Hà Nội năm cửa ô đây, phim du lịch đây, ai muốn làm thì xin mời đây…!

 

Tôi bước ra giật lấy tập giấy trong tay ông.

 

Ðó là kịch bản Hà Nội năm cửa ô của tác giả Ðào Trọng Khánh đã được hãng phim duyệt để đưa vào sản xuất. Trang đầu, ông Trương Huy, trưởng phòng biên tập, có ghi một số ý kiến thẩm định nội dung: “Phim quảng bá du lịch, chất liệu chủ yếu của cụ Hoàng Ðạo Thúy…” (tài liệu này tôi còn lưu giữ cẩn thận).

 

Ðọc kịch bản xong, ngó ra ngoài phố xá, cảnh người rồng rắn xếp hàng mua khẩu phần lương thực, những người cơ nhỡ lay lắt nơi công viên vỉa hè. Cảnh quan thời đó (1982) thực sự điêu tàn. Chùa chiền di tích, phố cổ, của ngon vật lạ, con người thanh lịch… đâu còn như trong giấc mơ xưa của cụ Hoàng Ðạo Thúy để mà quảng bá du lịch. Làm một bộ phim màu dài năm sáu cuộn là một số tiền không nhỏ chỉ để chiếu chác vài lần lấy lệ rồi bỏ xó thì thật là thất nhân tâm.

 

Nhận kịch bản thì đương nhiên phải làm, nhưng làm thế nào với Hà Nội năm cửa ô thì tôi bí. Có thể vào tay người khác thì nhoáng cái là xong phim, là có phim. Tôi nhận tôi thua kém nhiều đồng nghiệp vì sự chậm chạp, cả nghĩ và cầu toàn. Hàng tháng trời tôi lang thang vào các đền chùa, điện Huy Văn, gọi là điện thì thật là tội nghiệp, chùa Bộc, đền Quan Thánh, nhà thờ Nguyễn Trãi, nhà thờ Chu Văn An, nhà thờ Ngô Thì Nhậm, Văn Miếu, mộ nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm, dấu xưa của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… Cả tháng trời tôi lần mò đọc sách ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học; tìm gặp các nhà nghiên cứu…

 

Có lúc bỗng như bừng tỉnh, tôi tự hỏi tôi đang làm gì thế này? Quên béng rằng công việc trước mắt của tôi là làm phim chứ không phải tìm đọc lan man như thế. Tất cả những gì làm nên sự tích của các bậc tiên liệt tôi sưu tầm được, học hỏi được đều ám ảnh tôi, lôi cuốn tôi. Ðêm ngày tôi sống với những chuyện ấy, bị hút hồn vào những chuyện ấy. Tôi bàng hoàng và mặc cảm, thì ra trước đây tôi chẳng hiểu gì về Hà Nội cả. Tôi thấy ngàn lần có lỗi với tiền nhân vì không ý thức được rằng cha ông ta đã dày công như thế nào, đã hoài vọng như thế nào đối với hậu thế…

 

Thôi thì đằng nào cũng nhận làm rồi. Cũng tiền của ấy, công sức ấy, thời gian ấy, cũng vẫn đề tài Hà Nội nhưng làm khác đi về nội dung, về hồn cốt.

 

Điêu đứng

 

Lời bình phim: “Ðến phố Hàng Bột, tạt vào chùa Huy Văn, xưa gọi là điện Huy Văn. Ta gặp lại Lê Thánh Tông, gặp lại những chuyện kể mà người đời nay còn phải nhiều ngẫm nghĩ.

 

Bởi từng có thời thơ ấu gian nan, chịu nhiều oan trái hay bởi chữ Tâm mà xưa trên mảnh đất này, nơi vườn hoa Cửa Nam bây giờ, năm 1491, Lê Thánh Tông đã cho dựng đình Quảng Văn, trong đình đặt trống Ðăng Văn để ai có điều gì oan khuất, hết nơi bày tỏ, đến đây đánh lên ba hồi trống, nội quan ra nhận đơn và nhà vua sẽ xét xử.

 

Luận về các thời phong kiến xưa, các sử gia góp rằng “giá như thời hậu Trần hay thời Lê mạt mà đặt trống Ðăng Văn ở đây thì dân chúng quanh vùng sẽ phải đinh tai nhức óc”.

 

Khốn nạn quá! Cái chữ “xưa” sau này làm mình điêu đứng. Người ta thẩm vấn: Thế thì tại sao không phải thời phong kiến mà lại là thời phong kiến xưa? Anh nói như thế là có thời phong kiến nay à? Rồi thì “Lê mạt là Lê nào?”.

 

Phim vừa mới ra đời đã bị bầm dập không tưởng tượng nổi. 1983, 1984, 1985… tôi không còn cái gì nữa. Kể cả điều kiện làm việc cho đến “miếng cơm manh áo”, tất tật. Vợ tôi bảo tôi điên, bạn bè cũng nói vậy, nhưng khổ nhất là sự cô đơn.

 

Tất nhiên tôi không hề run sợ mà còn cảm thấy thanh thản, tự tin vào điều tôi nghĩ, vào việc tôi làm. Khi bị truy hỏi, tôi khẳng định với cơ quan công an và những người có trách nhiệm rằng:

 

- Kịch bản Hà Nội năm cửa ô chỉ là cái cớ để tôi khởi đầu, để tôi có người cộng sự, có máy móc, có phim nhựa, nó không có liên quan gì đến hồn cốt của Hà Nội trong mắt ai cả.

 

- Nội dung Hà Nội trong mắt ai, tức là cái kịch bản đích thực để làm phim là do chính tôi viết, tôi thực hiện, tôi chịu trách nhiệm.

 

Tôi không thể đổ sự phiền lụy cho ai và càng không thể bịa ra rằng ai đã xúi bẩy tôi trong công việc này.

 

…Hằng ngày tôi tìm đến những nơi từng quay bộ phim này để suy ngẫm, thắp hương và khấn thầm: “Thưa các bậc tiên liệt, con có tội tình gì không? Bộ phim chỉ nói về sự anh minh của các vị, lẽ nào lại bị đổ”…

 

Tôi “kêu” với các vị chức sắc: “Xin các anh chỉ bảo cho những chỗ không phải, những chỗ sai để chúng tôi sửa”.

 

Ban giám đốc hãng “kính chuyển” nguyện vọng này lên những người “cầm cân nảy mực”. Họ đồng ý cho sửa bộ phim, nhưng khi hỏi “cần sửa chỗ nào” thì một vị nói gọn lỏn: “Bộ phim này sai đến mức không thể sửa được”!

 

Cùng kíp làm phim có Lưu Hà, quay phim chính, con trai anh Lưu Xuân Thư. Ðây là bộ phim đầu tay của Hà ở Trường Sân khấu điện ảnh. Tôi xui Hà đề nghị nhà trường tổ chức chiếu phim này ở Cung Thiếu nhi với danh nghĩa “báo cáo tác phẩm”. Cung Thiếu nhi là điểm chiếu phim sang nhất Hà Nội lúc bấy giờ với hơn 500 chỗ, màn ảnh trắng, ánh sáng mạnh.

 

Danh sách mời, ngoài thầy trò của Trường Sân khấu điện ảnh, có các học giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo nhiều cục, vụ, viện…

 

Ơn trời, kế hoạch được chấp thuận! Khán giả đến chật cứng các hàng ghế. Trong khi xem họ reo hò, vỗ tay tán thưởng ầm cả rạp.

 

Xem phim xong, nhiều người thốt lên: “Sao cái phim như thế này lại bị cấm?”. Không ai, kể cả các vị bên Viện Triết, Viện Sử, Viện Văn, Viện Hán Nôm… không tán thành nội dung cuốn phim. Nhưng vẫn có lệnh bất thành văn từ đâu đó: “Không được chiếu bộ phim này dưới bất kỳ hình thức nào!”.

 

Ðó là vào giữa năm 1983. Tôi hết hi vọng.

.

Hà Nội trong mắt ai (trích lời bình)

 

Vào Bảo tàng Lịch sử đi tìm nghĩa của chữ Tâm cũng nên đến với Nguyễn Trãi. Ðất nước chỉ để lại một Nguyễn Trãi. Ông tiếng là người làng Nhị Khê nhưng sinh thành ở Hà Nội.

 

Với vua Lê, Nguyễn Trãi vẫn:

 

“…Nguyện xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng lấy dân chúng, khiến cho trong xóm ngoài làng không còn tiếng oán hận sầu than. Ðó chính là cái gốc của quốc nhạc vậy… Thương yêu dân chúng hãy làm những việc nhân đức. Ðừng vì ơn riêng mà thưởng bậy, chớ vì mình giận mà phạt bừa. Ðừng thích tiền của mà xa xỉ. Có thế quốc gia mới yên ổn bền vững lâu dài được”.

 

Thờ chữ Tâm trong lòng và ngòi bút dám viết lên trời xanh những điều trung thực, Nguyễn Trãi ghi: “Trời không che riêng ai, đất không chở riêng ai. Mến người có nhân là dân, mà người chở thuyền lật thuyền cũng là dân”.

 

Trong Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi viết: “Lẽ thành bại và sự hưng vong của một quốc gia có liên quan mật thiết tới nỗi vui buồn của người dân”.

 

Phải chăng Nguyễn Trãi đã kế thừa tinh thần của Trần Thủ Ðộ, vị khai quốc công thần đời Trần. Trần Thủ Ðộ nói: “Phàm đã làm vua trong thiên hạ phải biết lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, phải biết lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”.

 

Phải chăng Nguyễn Trãi đã kế thừa lời trăng trối của Trần Hưng Ðạo với vua Trần Anh Tông khi vua Trần Anh Tông vào hỏi kế giữ nước nếu giặc phương Bắc xâm lấn: “Khoan sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, lẽ đó là thượng sách để giữ nước”.

 

(*) Phim 90 phút, về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1980, giải đạo diễn xuất sắc.

Nguồn: Ngô Minh Blog.

 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét