Blogger Widgets

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

LS. TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: TÔI SẼ NHẬN LÀM LUẬT BIỂU TÌNH

Luật sư Trương Trọng Nghĩa:
'Tôi sẽ nhận làm Luật Biểu tình'

Tuần VietNam - ĐBQH TP Hồ Chí Minh, luật sư Trương Trọng Nghĩa, người vừa "đăng ký" nhận soạn Luật Biểu tình cho Quốc hội chia sẻ. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (1953), Phó Chủ tịch, Ủy viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Thảo luận tổ về chương trình xây dựng luật của QH năm tới, ông đề xuất sẽ đứng ra nhận soạn Luật Biểu tình, vậy ông đã kịp tìm hiểu quy trình, thủ tục và các bước tiến hành chưa?

- Tôi đã tìm hiểu. Quy trình này cũng rất rắc rối.

Đứng ở phương diện cá nhân, tôi có thể vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật Biểu tình đúng theo Hiến pháp. Thời gian dự kiến có thể trong khoảng từ 3 - 6 tháng.

Song nếu tuân thủ theo đúng quy trình thì tôi sẽ phải nộp báo cáo đề cương, rồi tham gia đi điều tra khảo sát đánh giá tác động của việc trước khi/sau khi thông qua dự án luật này.  Mà tiến hành điều tra khảo sát này là vượt quá tầm cá nhân 1 đại biểu.

Luật biểu tình, Quốc hội, Hiến pháp, sáng quyền lập pháp
ĐBQH TP Hồ Chí Minh, luật sư Trương Trọng Nghĩa

Tất nhiên, đi điều tra khảo sát là việc làm đúng thôi. Chẳng hạn nhiều luật muốn xây dựng được thì phải có nghiên cứu đánh giá kỹ, điều tra sâu.  Nhưng cũng có những dự án không cần thiết phải làm đến mức như thế vì thực tế đã đặt ra yêu cầu rồi.

Như vậy các quy định pháp lý hiện nay đã tạo cơ sở thuận lợi nhất cho từng nghị sĩ trình bày sáng kiến lập pháp chưa thưa ông?

- Hiện nay thì từng ĐBQH đều có quyền sáng kiến lập pháp. Nhưng sau  khi nghiên cứu tôi cho rằng quy trình các bước đưa ra vẫn còn phức tạp.

Trong khi đó, nếu đề xuất của tôi được QH chấp thuận thì tôi sẽ trình dự thảo, sau đó các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét rồi đưa ra QH thảo luận. Các nghiên cứu của tôi dựa trên cơ sở nghiên cứu pháp luật các nước và đối chiếu với pháp luật hiện hành của Việt Nam. Còn riêng khâu điều tra khảo sát đi tìm hiểu là riêng cá nhân từng ĐB không thể nào làm được.

Nghĩa là ông cũng đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng bắt tay vào kế hoạch?

- Tôi sẽ chuẩn bị tất cả mọi thứ. Sẽ phải dành thời gian, công sức để  nghiên cứu. Thực ra, chính các cơ quan của Quốc hội cũng đã nghiên cứu về vấn đề này rồi chứ không phải chưa từng làm.

Ngoài các chuyên gia pháp lý thì ngay các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực họ cũng đã nghiên cứu rồi. Chỉ cần người đứng ra tập hợp các nghiên cứu này lại là ta có thể xây dựng được một dự án  luật phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của  Hiến pháp. Tôi cho là không có gì không thể làm được.

Đề xuất của ông có nhận được sự ủng hộ của cơ quan Quốc hội?

- Như hôm nọ khi thấy Luật Biểu tình không có tên trong chương trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm 2014 của QH thì tôi nêu ý kiến là nếu có nhiều luật quá, QH không làm kịp, không có đủ kinh phí, thời gian để làm thì tôi xin thưa, cá nhân tôi sẽ nhận đứng ra vận động mọi người.

Vừa qua khi thảo luận tổ về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, có một số đại biểu cho rằng nếu vẫn chưa soạn các dự án luật như Luật Biểu tình, Luật trưng cầu dân ý thì Hiến pháp dù có thông qua vẫn chỉ là một bản Hiến pháp treo?
- Theo tinh thần Hiến pháp hiện hành thì Quốc hội còn đang nợ nhân dân những luật rất cấp thiết như Luật biểu tình, Luật trưng cầu dân ý.

Luật biểu tình, Quốc hội, Hiến pháp, sáng quyền lập pháp 

Đặt giả thiết nếu chúng ta có được Luật trưng cầu dân ý rồi thì rõ ràng đến thời điểm sửa Hiến pháp này chúng ta có thể đem ra trưng cầu dân ý về Hiến pháp sửa đổi hoặc trưng cầu dân ý một số nội dung khác như đổi tên nước...

Xin nói thêm, nếu chỉ là vấn đề xoay quanh các luật về biểu tình, về trưng cầu dân ý, về lập hội thì có lẽ cũng không cần phải sửa Hiến pháp làm gì bởi thực tế Hiến pháp hiện nay cũng đã đưa ra các quy định đó rồi.

Mà món nợ về Luật biểu tình là món nợ ít nhất là từ năm 1959 cho đến nay.

Vào tháng 9/1945 Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31 ngày 13/9  yêu cầu giữ quyền biểu tình của người dân, hồi đó gọi là quyền tự do hội họp. Chỉ yêu cầu báo trước 24 tiếng đồng hồ.

Bây giờ cơ quan chức năng phải trả lời là sắc lệnh này của Hồ Chí Minh có bị hủy bỏ chưa. Điều đáng nói là trong bối cảnh chính quyền còn non trẻ, thù trong giặc ngoài, dân trí còn thấp mà Hồ Chủ tịch không hủy bỏ quyền đó. Vậy không có lý do gì mà thời điểm ngày nay lại không tiếp tục thể chế hóa quyền đó của người dân.

Hơn nữa, chính Thủ tướng cũng đã đề nghị ban hành luật này từ kỳ họp trước. Qua trao đổi với một số anh em công an, nhiều anh em họ cũng mong có Luật Biểu tình để dễ quản lý và đáp ứng mong mỏi của người dân. Với công cụ hiện nay quản lý không phù hợp, quy định đã lỗi thời, dễ đánh đồng giữa việc người dân biểu tình chính đáng đòi hỏi quyền lợi cho mình với việc tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự. Chúng ta đã nợ Luật Biểu tình quá lâu rồi, cần phải ban hành càng sớm càng tốt".


Lê Nhung
Nguồn: VNN.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét