Blogger Widgets

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

NHÀ BÁO HỮU NGUYÊN GỬI CÁC ĐỒNG NGHIỆP NHÂN NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG

Nhà báo Hữu Nguyên gửi đồng nghiệp nhà báo 
nhân ngày báo chí cách mạng

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 6 năm 2013 

Kính gởi quý anh chị đồng nghiệp,

Chắc hẳn quý anh chị đồng nghiệp sẽ ngạc nhiên khi nhận được thư này, ngày nhà báo một nhà báo lại viết thư cho các đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên trong trường hợp này tôi lại thấy cần thiết có một cơ hội để chia sẻ một vài tâm tư với quý anh chị. 

Quý đồng nghiệp ở báo Đại Đoàn Kết chắc đều biết việc tôi và một vài đồng nghiệp nữa có đơn tố cáo nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong hành xử công vụ của ông Đinh Đức Lập (tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) trong suốt một năm qua. 

1. Về mặt pháp luật thì việc tố cáo các sai trái, tiêu cực trong hành xử công vụ của cán bộ công chức đang giữ chức vụ quản lý là hợp pháp, là quyền của mọi công dân được luật pháp bảo vệ. Tố cáo các hành vi sai phạm của người đứng đầu một cơ quan không hề bị pháp luật cấm đoán và bị quy kết thành “tội” tiết lộ bí mật công tác hay “tuyên truyền chuyện nội bộ” của cơ quan làm mất uy tín của cơ quan tổ chức đó. Pháp luật cũng quy định rất rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết và xử lý các nội dung tố cáo, cũng như quy trình giải quyết tố cáo. 

Theo các quy định của Luật Tố cáo thì cho tới thời điểm này (khi tôi đang viết những dòng này gởi tới quý đồng nghiệp) thì việc xử lý, giải quyết các nội dung tố cáo của tôi đối với ông Đinh Đức Lập là chưa kết thúc, chưa có kết luận của cơ quan đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật là Ban Thường trực UBTWMTTQVN. 

Do vậy, việc ông Đinh Đức Lập cố tình đem tôi và các đồng nghiệp khác ra xem xét xử lý kỷ luật trong thời gian này là hoàn toàn vi phạm Luật Tố cáo. Luật Tố cáo nghiêm cấm người bị tố cáo có các hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tại nơi công tác, làm việc dưới nhiều hình thức. 

Các nội dung sai phạm của ông Đinh Đức Lập bị tố cáo trên thực tế đều đã xảy ra. Kết  luận bước đầu của Tổ công tác (thông báo bằng miệng cho chúng tôi) hầu hết đều ghi nhận là tố cáo có cơ sở (chiếm khoảng 80% nội dung tố cáo). Những nội dung được cho là chưa có cơ sở trên thực tế là do Tổ công tác chưa có điều kiện tìm hiểu hoặc vượt quá khả năng chuyên môn cũng như quyền hạn kiểm tra của Tổ công tác. Không hề có một chữ nào, từ nào, dòng nào trong kết luận ban đầu của Tổ công tác nói rằng có một số nội dung tố cáo của tôi là sai, là không đúng. 

Tuy nhiên, kết luận nói trên (được cho là của Đảng Đoàn MTTQVN) cũng chưa được xem là kết luận cuối cùng có hiệu lực pháp lý theo quy định của Luật Tố cáo như tôi vừa trình bày ở trên. 

2. Hẳn nhiều người thắc mắc vì sao tôi tố cáo ông Đinh Đức Lập? Như phần trên tôi đã trình bày, việc tố cáo ông Đinh Đức Lập là thực hiện quyền công dân theo đúng quy định của luật pháp. Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi còn nghĩ tới trách nhiệm của người làm báo trong bối cảnh từ trung ương, tới địa phương các cấp Đảng, Nhà nước và MTTQ đang ra sức động viên, kêu gọi mọi người tham gia, chung tay đấu tranh phòng và chống tham nhũng. Việc này các đồng nghiệp là những nhà báo chắc biết rất rõ. Chúng ta đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong xã hội nói chung nhưng thông thường ít người trực diện đấu tranh với cái xấu tại chính nơi mình đang làm việc. Đặc biệt là đấu tranh với chính những người đang là cấp trên trực tiếp, có quyền sinh quyền sát với bản thân mình. Chính vì hiểu rõ sự khó khăn của những người đấu tranh trong thế yếu mà các nhà làm luật về tố cáo, về phòng chống tham nhũng đã rất cẩn thận đề ra nhiều quy định cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ người đấu tranh, tố cáo. 

Bản thân tôi vô cùng mong muốn được làm việc trong một môi trường làm báo lành mạnh, công bằng, dân chủ và thượng tôn pháp luật. Tôi chẳng có động cơ nào khác là mong muốn có mặt trong một cơ quan báo chí có môi trường tốt đẹp như thế để được làm việc hết sức mình và được đối xử tôn trọng, bình đẳng.

Thế nhưng, nếu quý đồng nghiệp có theo dõi và tham khảo các nội dung tố cáo của tôi chắc sẽ thấy ông Đinh  Đức Lập đã làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm báo của Đại Đoàn Kết như thế nào rồi. Từ việc định hướng làm kinh tế báo chí theo kiểu “tay không bắt giặc” cho tới việc sử dụng những người thân tín theo kiểu “lợi ích nhóm” gây ra bao nhiêu là hệ lụy (như trường hợp ông Nguyễn Xuân Huy đã bị kỷ luật, ông Đinh Quang Sơn đã bỏ trốn... hàng chục cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo lần lượt bỏ ra đi trong đó có nhiều  cán bộ lãnh đạo trong ban biên tập, lãnh đạo các ban); việc thi hành các chính sách đối xử bất công, phân biệt vùng miền cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của nhiều người... Chưa bao giờ mà tình hình tờ báo Đại Đoàn Kết lại lộn xộn, rối ren, các cơ quan pháp luật, thanh kiểm tra quan tâm lui tới và xem xét nhiều như vậy.

Đấu tranh với các hành vi tiêu cực, bất công của ông Đinh Đức Lập, bản thân tôi không có bất kỳ lợi ích nào. Ngược lại tôi biết sẽ phải hứng chịu nhiều đòn trả thù không thể lường được. Sự thật đã diễn ra như thế, tôi liên tiếp phải hứng chịu sự trả thù hết sức thô bạo của ông Đinh Đức Lập trong suốt một năm qua.

Trong cuôc đời đôi khi chúng ta buộc phải lựa chọn khi đứng trước nhiều tình huống đầy mâu thuẫn: vừa muốn an toàn cho bản thân, vừa lại muốn bảo vệ lẽ phải. Do vậy mà để có thể nói lên tiếng nói của lẽ phải đôi khi chúng ta cũng phải chấp nhận những tình huống mất an toàn cho bản thân mình. Nếu không chấp nhận như vậy thì lẽ ra chúng ta nên chọn con đường khác, không phải là những nhà báo. 

Nói như vậy không có nghĩa là chỉ những nhà báo mới cần có dũng khí để bảo vệ lẽ phải. Mọi người nếu ai ai cũng có cái dũng khí đó thì xã hội này tốt đẹp biết bao nhiêu. Cái ác, cái xấu chắc chắn sẽ không còn hoành hành, tội ác sẽ không còn diễn ra thô bạo, nhan nhãn hàng ngày hàng giờ xung quanh ta và đôi khi là với chính bản thân ta, gia đình ta, những người thân và bạn bè của ta nữa. 

Nhưng đã là nhà báo thì sứ mạng đó càng phải được xem là hàng đầu. Thế nên, các thống kê hàng năm trên thế giới đều cho thấy nghề báo là trong TOP các nghề nghiệp nguy hiểm, dễ bị hành hung và dễ mất mạng (tất nhiên nếu như chúng ta thực sự tâm huyết và hành nghề đúng như sự mong đợi của xã hội, của đạo đức nghề nghiệp). 

3. Việc xử lý, giải quyết các nội dung tố cáo ông Đinh Đức Lập của cơ quan chủ quản (cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật) vừa chậm chạp, chùng chình vừa không rõ ràng minh bạch đã vô tình (hay cố ý) tiếp tay cho các ngón đòn trả thù ngày càng thô bạo hơn dành cho những người tố cáo của ông Đinh Đức Lập (người bị tố cáo). 

Mong muốn có một môi trường làm việc lành mạnh, công bằng, dân chủ và thượng tôn pháp luật để có thể làm việc hết sức mình cho tờ báo của tôi hầu như bị phá sản. Suốt thời gian qua, do bị gây khó khăn, áp lực và bị áp đặt nhiều chính sách, quyết định hành chính  bất công, phi pháp tôi đã không thể làm được nhiều việc như mong muốn của mình. Về khả năng làm việc và tâm huyết với nghề nghiệp của tôi như thế nào, tôi nghĩ nhiều đồng nghiệp đã biết và thực tế đã minh chứng. Tôi không muốn nói dông dài thêm về chuyện này, mất thời giờ của quý vị. 

Tôi chỉ hy vọng quý đồng nghiệp hiểu rằng suốt một năm qua, chỉ vì đấu tranh với các hành vi sai phạm của ông Đinh Đức Lập mà tôi bị trù dập tới mức bị hạn chế thấp nhất các điều kiện để tác nghiệp (tôi là Phó trưởng ban nhưng bị ông Lập ra lệnh không cho họp giao ban chuyên môn hàng ngày; tôi viết bài gởi ra tòa soạn thì bị chỉ đạo không được đăng...); bị đối xử bất công, bị áp đặt các hành vi và quyết định hành chính phi pháp; bị cắt xén hầu hết các khoản thu nhập hợp pháp và chính đáng.... Thu nhập thực tế từ báo Đại Đoàn Kết trong suốt một năm qua không nuôi sống nổi chính bản thân mình chứ chưa nói tới gia đình. 

Tôi không chỉ tiếc khoảng thời gian có thể nói là phí phạm đã trôi qua cho chính bản thân tôi mà thực sự tiếc nhiều hơn cho chính tờ báo Đại Đoàn Kết vốn đang rất cần sự toàn tâm, toàn ý, toàn lực mà chúng ta đang có để góp phần đóng góp cho sự phát triển của tờ báo nói chung cũng như cho nghề nghiệp và cuộc sống của mỗi thành viên. 

Vấn đề cần đặt ra là vì sao một người đứng đầu nếu được coi là có năng lực, có tâm huyết lại có thể để xảy ra tình trạng lãnh phí nhân lực và tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng như vậy trong cơ quan mà không có cách gì thu xếp ổn thỏa được? 

4. Tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp của con người và tin vào công lý. Cho dù không phải công lý bao giờ cũng được thực thi ngay lập tức. Đôi khi người ta phải mất nhiều thời gian, có khi rất nhiều thời gian để thấy sự trừng phạt và sức mạnh của công lý. Dân gian thường nói “có vay có trả” và quy luật về “nhân quả” của nhà Phật cho thấy rõ điều đó trong thực tiễn, với cái nhìn sâu sắc về cõi nhân sinh. 

Những điều tốt đẹp của con người không phải lúc nào cũng có thể nhận ra. Không phải ai ai cũng lựa chọn sự đấu tranh để bảo vệ công lý một cách trực diện. Tôi luôn hiểu và chia sẻ với từng cá nhân về sự lựa chọn sao cho phù hợp với hoàn cảnh của họ trong cuộc đấu tranh với bạo quyền. 

Vì vậy, tôi không trách hay phê phán bất kỳ ai chỉ vì họ không làm như tôi. Tôi biết mỗi người tử tế đều có cách để bảo vệ những điều mà họ trân quý và luôn ý thức về sự góp phần bảo vệ những điều tốt đẹp của cuộc sống xung quanh mình. 

Vì vậy mà kết quả 6/15 lá phiếu của các đảng viên chi bộ báo Đại Đoàn Kết yêu cầu kỷ luật ông Đinh Đức Lập với tôi là một kết quả lạc quan. Trong hoàn cảnh ông Đinh Đức Lập là người đứng đầu, nắm nhiều quyền lực trong tay vẫn có 6 đảng viên yêu cầu kỷ luật ông Lập chứng tỏ cái tốt và lẽ phải vẫn còn tồn tại rất rõ ràng trong những con người cụ thể tại cơ quan này. Việc lãnh đạo cơ quan chủ quản không thể bác bỏ tất cả các sai phạm của ông Đinh Đức Lập, dù hết mực tìm cách giúp ông Lập thoát nạn, buộc phải xử lý kỷ luật ở mức khiển trách về Đảng lẫn chính quyền cho thấy người ta không thể phủ nhận hết sự thật và thô bạo chà đạp công lý. 

Tôi cảm động và biết ơn tất cả những người đã chia sẻ với tôi trong cuộc đấu tranh không cân sức và đầy nguy hiểm này theo cách của họ. Ngày mai đây, tôi có thể sẽ nhận quyết định kỷ luật theo đúng “kịch bản” và mong muốn “cháy bỏng” của ông Đinh Đức Lập nhằm trả thù thô bạo người đã tố cáo các sai phạm của ông. Tôi cũng không hề tránh né chuyện đó, vì đã đấu tranh thì “tránh đâu”? 

Thế nhưng bằng những cách riêng của mình, tôi tin rằng mọi người sẽ hiểu rõ ràng và cụ thể rằng cái quyết định kỷ luật đó tuy áp đặt cho tôi nhưng lại sẽ có tác dụng ngược với ông Đinh Đức Lập.

Kính chúc quý đồng nghiệp một ngày báo chí thật nhiều ý nghĩa và niềm vui cho cái nghề vốn thật nghiệt ngã của mình.

Hữu Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét