Blogger Widgets

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT TS. NISHIMURA MASANARI - NGƯỜI BẠN CỦA VIỆT NAM

 TS. Nishimura Masanari (1965 - 2013)

TS khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari (ảnh) vừa qua đời hôm qua 9.6 tại Hà Nội sau một tai nạn giao thông.

TS Nishimura Masanari là Giảng viên Đại học Osaka Nhật Bản, và ông đã gắn bó với khảo cổ học Việt Nam suốt 20 năm nay. “TS Nishimura Masanari đã dành cả cuộc đời cho sự phát triển của khảo cổ học Việt Nam”, PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam nói.

TS Nishimura Masanari là người đã phát hiện một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 sau Công nguyên. Là mảnh khuôn đúc đồng duy nhất được tìm thấy từ trước tới nay, tư liệu này cho phép khẳng định trống đồng được đúc ra chính tại Việt Nam, chứ không phải từ nơi khác mang đến. Cũng chính ông cùng đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu. Những khuôn đúc này cho thấy những mũi tên có niên đại thời kỳ An Dương Vương được sản xuất tại chỗ.

Nhà nghiên cứu sinh năm 1965 bắt đầu gắn bó với Việt Nam từ năm 1990, khi ông tham gia chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản về di chỉ làng Vạc. Sau đó, luận án thạc sĩ của ông nghiên cứu về công cụ đá của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Sơn Vi. Luận án tiến sĩ của ông nghiên cứu về khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông - Đồng Nai. 

Nhưng Nishi không đến VN một mình, và cũng không chỉ quan tâm đến trống đồng cùng các di sản vùng Trung và Nam Trung bộ. Nishi đã đến và gặp ở VN người bạn đời Nishino Noriko - một nghiên cứu sinh về ngôn ngữ VN. Tình yêu với khảo cổ và với Nishi đã khiến Noriko bỏ ngôn ngữ sang nghề “đào bới”, họ thành đôi và sau khi trở về Tokyo bảo vệ tiến sĩ, Noriko và Nishi đã mang hai con trở lại VN, tiếp tục những con đường khảo cổ khắp nẻo làng quê Việt.
Vợ chồng nhà khảo cổ học Nhật Bản đã góp phần cùng những nông dân làng gốm cổ Kim Lan ven sông Hồng thành lập bảo tàng gốm Kim Lan - một trong những bảo tàng gốm địa phương phong phú, đa dạng về hiện vật và hình thức hoạt động nhất hiện nay (Duyên nợ làng gốm cổ, Tuổi Trẻ Xuân 2013). Người dân làng Kim Lan đã và sẽ mãi mãi yêu mến Nishi và Noriko khi họ không chỉ làm việc ở đây, mà còn cùng những đứa con gắn bó máu thịt với làng gốm này suốt 12 năm qua.
TS Nishimura đã tham gia hàng chục cuộc khai quật lớn nhỏ, tham dự rất nhiều hội thảo khoa học quốc tế về VN và luôn dành cho mảnh đất chứa nhiều trầm tích văn hóa này những lời lẽ đầy tình cảm trên các chứng cứ khoa học.
Vĩnh biệt Nishimura - nhà khảo cổ tài năng và tận tụy với VN, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV Hà Nội) nghẹn ngào: “Cầu mong vợ và hai con em vững vàng vượt qua cơn sóng gió này và Noriko tiếp bước con đường mà hai em đã chọn! Cảm ơn em về tất cả!”.
PGS-TS Nguyễn Giang Hải cho biết, do cả hai vợ chồng ông Nishimura đều gắn bó với Việt Nam nên gia đình có nguyện vọng thực hiện việc tang lễ theo nghi thức của một người Việt. Do đó, dự kiến sau lễ truy điệu, hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ, tro cốt của ông mới được cha mẹ mang về Nhật Bản.
PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết Viện Khảo cổ học sẽ đứng ra tổ chức tang lễ TS Nishimura Masanari.

Thông tin về Lễ viếng, Lê truy điệu và An táng TS. Nishimura Masanari
Lễ viếng từ 12h10 đến 13h10 thứ Năm ngày 13 tháng 6 năm 2013 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội
Lễ truy điệu cử hành lúc 13h15 cùng ngày
An táng tại Nghĩa trang xã Kim Lan - huyện Gia Lâm - Hà Nội

0 nhận xét:

Đăng nhận xét