Blogger Widgets

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Trần Thị Kim Anh: CỘT ĐÁ CHÙA DẠM KHÔNG PHẢI LÀ LINGA (DƯƠNG VẬT)

Cột đá chùa Dạm là một Phật tràng
Trần Thị Kim Anh
- bài gửi riêng NXD- Blog

Về cột đá chùa Dạm, cũng như Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, tôi cũng có ý kiến phủ nhận đây là một linga. 

Nữ sĩ Trần Thị Kim Anh
Gần đây tôi có bài viết về chùa Một Cột trong đó có đưa ra ý kiến về kiến trúc Kinh tràng Phật tràng ở Phật giáo thời Đinh - Lê - Lý, trong đó có cho rằng Chùa Một cột nguyên là một Phật tràng - một loại hình kiến trúc Phật giáo thời cổ. Xin được dẫn lại một đoạn trong bài viết này:

“Ban sơ, khi xây dựng chùa Diên Hựu, trước chùa, người ta cho dựng một cột đá lớn trên mặt đất, với đỉnh cột là tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen. Lối kiến trúc này cho phép liên tưởng đến cấu tạo của các Phật tràng, Kinh tràng – một loại kiến trúc Phật giáo thường được dựng lên để kiến tạo công đức. Loại kiến trúc này bắt đầu thịnh hành vào thời Đường, lan truyền đến Triều Tiên Nhật Bản và Việt Nam. Thời Đinh - Lê ở nước ta, kinh tràng được tạo dựng khá nhiều, Nam Việt vương Đinh Liễn từng dựng 100 tòa kinh tràng vào năm Quý Dậu (973).

Kinh tràng, Phật tràng thường có cấu trúc khi hình trụ khi hình lục giác, nhưng phần nhiều là hình bát giác, gồm ba phần đỉnh thân và đế. Trên các mặt của thân tràng thường có khắc kinh Phật, chân đế chạm khắc hoa lá vân mây sóng nước, đỉnh chạm khắc tượng phật, bồ tát… Hiện đã phát hiện được 14 kinh chàng bát giác loại nhỏ ở kinh đô Hoa Lư Ninh Bình có khắc kinh Đà la ni, ngoài ra còn có một kinh tràng lớn hình bát giác cao hơn 3m, do Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn dựng tại Hoa Lư, trên các mặt của kinh tràng này khắc bài chú trong Kinh Lăng Nghiêm và một số bài kệ. 

Xin hãy quan sát ảnh chụp cột đá chùa Dạm dưới đây:


Chân cột là một bệ đá rộng có chạm khắc hoa văn sóng nước, thân cột chạm đôi rồng chầu và đỉnh cột vẫn còn nguyên các lỗ mộng để lắp đặt đài sen. Nếu ta hình dung đỉnh cột là một đài sen lớn đỡ tượng phật Quan Âm thì đây là một Phật tràng hoàn chỉnh, có mô hình đúng với nguyên tắc kiến trúc Phật tràng nói chung đồng thời mang đậm phong cách mỹ thuật thời Lý với dáng rồng đặc trưng và đài sen – mẫu hình kiến trúc Phật giáo rất phổ biến ở thời kỳ này.

Như vậy với những gì thư tịch cho biết cùng những lỗ mộng còn lại trên đỉnh cột, chúng ta có thể chắc chắn phần trên của cột đá chùa Dạm chính là một đài sen đỡ tượng phật Quan Âm. Và như vậy cột đá chùa Dạm cũng là một Phật tràng tương tự Phật tràng chùa Diên Hựu, được dựng trước chùa Thần Quang thời Lý. 

Như trên đã nói, kiến trúc Phật tràng Kinh tràng khá thịnh hành vào thời Đường. Ở TQ hiện còn nhiều kinh tràng đang được được bảo tồn rất cẩn thận. Đặc biệt khu vực phía Nam TQ đã phát hiện được khá nhiều kinh tràng, nổi tiếng có kinh tràng chùa Địa Tạng ở Vân Nam (nước Đại Lý cũ). Tuy nhiên phong cách kiến trúc về chi tiết khác với nước ta.

 Phần đỉnh của một Kinh tràng thời Đường - niên hiệu Khai Thành năm thứ 2 (837)
 (Chùa Long Hưng thành phố Hàng Châu TQ)

 Kinh tràng chùa Địa Tạng Vân Nam

Trước đây ta đã biết Phật tràng Hoa Lư Ninh Bình, Phật tràng chùa Diên Hựu Hà Nội, và nay là Phật tràng chùa Dạm Bắc Ninh, nếu so sánh với một số Phật tràng trong khu vực, chúng ta có thể khẳng định vào thời Lý và trước đó, Việt Nam từng có kiến trúc chùa viện kết hợp Phật tràng khá hoành tráng, đồng thời Phật tràng của Việt Nam, được tạo dựng thống nhất với ý tưởng kiến trúc mang hình bông sen, đã thể hiện được một phong cách mỹ thuật khá riêng biệt cho loại hình này. Qua đó có thể thấy, đây là những di tích kiến trúc Phật giáo quan trọng, xứng đáng là niềm tự hào cho tinh hoa trí tuệ của người Việt, do đó rất cần được các cơ quan chức năng cho bảo vệ khẩn cấp và phục dựng lại nguyên trạng.

Tháng 3/2012
                                                                                                                             T.T.K.A

0 nhận xét:

Đăng nhận xét