... TS Nishimura Masanari (1965 - 2013) TIN BUỒN VIỆN KHẢO CỔ HỌC VÀ GIA ĐÌNH ĐAU ĐỚN BÁO TIN .
TS. NISHIMURA MASANARI sinh năm 1965 Nhà Khảo cổ học Nhật Bản, cộng tác viên đặc biệt của Viện Khảo cổ học đã từ trần lúc 10h ngày 9 tháng 6 năm 2013 sau một tai nạn giao thông trên đường đi công tác Bắc Ninh
Lễ viếng từ 12h10 đến 13h10 thứ Năm ngày 13 tháng 6 năm 2013 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội Lễ truy điệu cử hành lúc 13h15 cùng ngày An táng tại Nghĩa trang xã Kim Lan - huyện Gia Lâm - Hà Nội * * *
Chúng tôi thành kính bày tỏ niềm tiếc thương và dâng lời cầu nguyện anh linh TS. Nishimura Masanari thanh thản yên nghỉ trên đồng đất Làng Gốm Kim Lan mà anh và gia đình đã gắn bó tận tụy suốt hơn mười năm qua. Xin gửi lời chia buồn thống thiết tới chị Nishino Noriko và các cháu cùng tang quyến và mong chị cùng các cháu vượt qua được nỗi đau đớn vô hạn này.
Xin chân thành gửi lời chia buồn cùng Ông Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam và tập thể cán bộ của Viện, cùng các đồng nghiệp xa gần về sự ra đi đột ngột của TS.Nishimura Masanari - người bạn lớn của giới Khảo cổ học và KHXH nước nhà. Qua đây, thành kính chia buồn tới Đại sứ quán Nhật Bản và giới nghiên cứu Việt Nam học của Nhật Bản về sự mất mát lớn lao này!
TS. Nguyễn Xuân Diện và gia đình
|
Tường thuật tang lễ TS. Nishimura Masanari:Hôm nay, ngày 13.6.2013, Viện KHảo cổ học và gia đình đã cử hành trang trọng lễ viếng, lễ truy điệu và đưa tiễn Nhà Khảo cổ học Nhật Bản PGS.TS Nishimuara Masanari người đã có 20 năm gắn bó với Việt Nam về an nghỉ tại làng Gốm cổ Kim Lan - huyện Gia lâm - HN - nơi mà vợ chồng ông đã có 12 năm gắn bó bằng cả trí tuệ và tâm huyết của họ.Về phía gia đình, cả bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ của TS. Nishimura Masanari đều có mặt. Người em trai ruột của Nishi cũng đã có mặt bên linh cữu của Anh trai. TS Nishino Noriko - vợ của Nishimura Masanari cùng 2 đứa con nhỏ của họ cũng đã có mặt tại Nhà tang lễ từ 8h sáng để khâm liệm cho chồng. Nishino Noriko và con trai ăn vận áo tang theo đúng tang chế của người Việt. Hai đứa trẻ nhà Nishi đều nói sõi tiếng Việt và chơi rất hòa đồng với trẻ con ở Kim Lan. Được biết, chính cậu lớn đã có ý kiến "không được đốt bố cháu", đã khiến gia đình thay đổi quyết định hỏa táng Nishimura mà chuyển sang mai táng. Viện Khảo cổ học đã thành lập một ban lễ tang, do Ông Viện trưởng làm trưởng ban. Nhiều cán bộ trong Viện đã chít khăn tang trắng để trở tang TS. Nishimura. Đại sứ quán Nhật Bản, và đông đảo các nhà khoa học Nhật Bản đang công tác, làm việc tại Việt Nam đã có mặt để tiễn biệt PGS.TS Nishimuara Masanari - người đã dành cả tâm huyết và trí tuệ của đời mình dâng hiến cho ngành Khảo cổ học và đất nước Việt Nam. Đại diện Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các tổ chức và ban ngành của Viện, cùng lãnh đạo các viện trực thuộc Viện Hàn Lâm KHXH VN như: Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện Tôn giáo....đã đến viếng và tiễn biệt người bạn lớn của giới khảo cổ học có nhiều cống hiến đặc biệt quan trọng cho ngành KHXH nói chung, Khảo cổ học nói riêng. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam do Giáo sư Phan Huy Lê dẫn đầu; Trường ĐH KHXH VN do GS. TS Sử học Nguyễn Văn Khánh dẫn đầu đã đến viếng và ghi sổ tang, chia sẻ niềm tiếc thương vô hạn về sự ra đi đột ngột của một nhà khoa học Nhật Bản rất đỗi thân thương với các nhà khoa học VN. Tỉnh ủy, UBND tỉnh các tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình...đã cử cán bộ đến viếng bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn những đóng góp của TS. Nishimura Masanari đối với quê hương mình. Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế gửi điện hoa, BQL Di sản thế giới thành nhà Hồ - Thanh Hóa và nhiều bảo tàng các tỉnh, thành trong cả nước đã gửi hoa và điện chia buồn.(Chúng tôi không thấy lãnh đạo Tp Hà Nội - kể cả lãnh đạo Sở VH - TT & DL đến viếng hoặc gửi vòng hoa viếng, điện chia buồn).Nhiều bạn bè đồng nghiệp của Nishimura Masanari ở Huế, Sài Gòn cũng đã có mặt ở Hà Nội từ chiều và đêm hôm qua để hôm nay đến nhìn mặt lần cuối người bạn của mình. TS. Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng kể lại: "Sáng ngày 9/6/2013, sau khi trình bày tham luận tại hội thảo, tôi tranh thủ check mail và dự định trả lời mail cho anh Nishimura. Vừa mở email, chưa kịp viết thì thấy điện thoại của Nishimura gọi tới, tôi nghĩ là anh thấy tôi chưa trả lời email của anh nên gọi điện hỏi tôi đã nhận được email của anh chưa, nhưng người gọi cho tôi là một phụ nữ. Chị ấy hỏi: Anh có biết chủ nhân số điện thoại này không? Tôi nói : Đó là số của anh Nishimura, người Nhật, bạn của tôi. Chị ấy nói: vậy thì anh đến ngay đường 5, anh ấy bị tai nạn ô tô, rất nguy kịch. Tôi sững sờ khi nghe tin này, không biết xử trí như thế nào. Phải mấy phút sau tôi mới có thể gọi điện cho những người bạn ở Đại học KHXH và NV Hà Nội để nhờ họ đến hiện trường xem xét vụ việc và gọi cho anh Nakamura Masami, bạn chung của tôi và Nishimura để báo tin và nhờ anh ấy liên hệ với Đại sứ quán Nhật Bản để giải quyết vụ việc. Tôi cầu mong anh ấy sẽ qua khỏi nhưng đến 10g thì anh Nakamura báo tin là anh Nishimura đã không còn nữa. Đau đớn quá. Tôi chưa kịp trả lời email của anh, chưa kịp hẹn gặp anh ở Nhật thì anh đã ra đi.
Nishimura là người đã khai mở cho tôi nhiều vấn đề về khảo cổ học xứ Huế dù tôi là người Huế. Anh cũng là người đã mang tôi tới Okinawa để nghiên cứu những di chỉ có đồ gốm Việt Nam ở quần đảo này, là người gợi ý cho tôi nghiên cứu đề tài về quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18, là người luôn tư vấn cho tôi những vấn đề nghiên cứu về gốm sứ Việt Nam ở Nhật. Tôi mang ơn anh rất nhiều. Vì thế, sự ra đi của anh làm tôi đau đớn biết chừng nào". Trần Đức Anh Sơn cũng đã có mặt tại Hà Nội từ đêm qua. Sau lễ viếng, là lễ truy điệu, do Ông Bùi Văn Liêm - TS, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ điều hành. Ông Nguyễn Giang Hải - PGS.TS, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đọc QĐ của Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH VN truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp KHXH cho TS. Nishimura Masanari. Tiếp đó, Ông Tống Trung Tín, PGS.TS Viện trưởng Viện Khảo cổ học đọc Điếu văn. Ông Tín không có giọng đọc truyền cảm tất cả các loại diễn văn, nhất là đối với điếu văn, nhưng ông đã phải vài ba lần dừng bài điếu văn không thể đọc tiếp, trong tiếng nấc nghẹn ngào, và mắt kính nhòe ướt phải dừng để lau kính vài lần. Cảm xúc của ông lan tỏa khắp lễ tang, khiến nhiều người sụt sịt không cầm được nước mắt thương tiếc một nhà khoa học hào hoa lịch thiệp, tốt bụng, yêu thương đất Việt và văn hóa Việt, thương yêu đôi vợ chồng trẻ và mái ấm gia đình họ đã từ đây thiếu vắng người chồng người cha vui tính và tận tụy. Phần cuối của lễ truy điệu là phát biểu của gia đình TS. Nishimura Masanari. Bố đẻ của Nishimura Masanari dẫn cả gia đình lên giới thiệu từng thành viên. Giọng nói chùng xuống, đầy xúc động và nhát gừng, ông nói lời cảm tạ với mọi người. Ông nói: Con trai tôi yêu Việt Nam, đã ở Việt Nam 20 năm nay, vì vậy chúng tôi quyết định chọn nơi an nghỉ cho Nishimura là làng Kim Lan, Việt Nam. Tôi mong mọi người hãy giúp đỡ con dâu và các cháu tôi như trước đây. Mong Việt Nam có nhiều nhà khảo cổ học giỏi giang...
Phu nhân Giáo sư Hà Văn Tấn thay mặt Giáo sư và gia đình đến viếng
Khi vừa rời nơi đặt linh cữu Nishimura trở xuống để chia buồn cùng tang quyến, thì quá bất ngờ TS Nishino Noriko - vợ của Nishimura Masanari đã ôm lấy vai tôi và kêu lên nghẹn ngào: Anh Diện ơiiii. Đã lâu không gặp vợ chồng họ, vậy mà chị vẫn nhớ đến tên tôi, và kêu lên như muốn chia sẻ nỗi đau quá lớn lao này! Tôi nghẹn ngào không kìm được nước mắt, chỉ biết nói với Noriko: Em và các cháu cố gắng lên nhé!Từ phải sang: TS. Nguyễn Xuân Diện - GS. Sử học Phan Huy Lê ghi sổ tang
TS. Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cúi gập người
chia sẻ đau thương cùng tang quyến
Đoàn cán bộ Viện Sử học kính viếng
Hai cha con (bố đẻ và vợ của Nishimuara) trong lễ tang Nishimura Masanari
Vợ của Nishimura vận áo tang theo tang chế người Việt
Đoàn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam do GS. Phan Huy Lê dẫn đầu vào viếng
Những phụ nữ làng Kim Lan đã sang tận nhà tang lễ để chia buồn cùng nữ TS. Nishino Noriko- người vợ hiền thảo của Nishimura Masanari, cùng chứng kiến các nghi thức của tang lễ để rồi đón Nishimura Masanari về Kim Lan - làng gốm cổ bên bờ sông Hồng mà gia đình Nishi đã gắn bó thân thương 12 năm nay
.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các đồng nghiệp ở Viện Sử học ghi sổ tang
PGS. TS Nguyễn Giang Hải đọc QĐ của Chủ tịch Viện hàn lâm KHXH VN truy tặng TS. Nishimura Masanari Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp Khoa học Xã hội, ký ngày 11 tháng 6 năm 2013.
Cha của TS Nisimura Masanari dẫn cả gia đình lên phát biểu cảm tạ về lễ tang con trai
Ông tướng con, nhà Nishi vẫn chẳng hiểu chuyện gì xảy ra...
Onishi - một trong những người bạn của Nishimura
TS. Khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên
bắt đầu di quan
TS. Nishino Noriko - vợ của TS Nishimura Masanari
ôm di ảnh chồng đưa ra xe đi về Kim Lan
Linh cữu TS. Nishimura Masanari được đưa về quàn tại nhà quàn nghĩa trang Kim Lan để chính quyền và bà con đến viếng và các nhà sư cùng vãi già trong làng tụng kinh, niệm Phật tiễn đưa linh hồn Nishimura về cõi vĩnh hằng. Bà con Kim Lan gọi Nishimura Masanari bằng cái tên thân mật là Nishi, vì vậy họ dán chữ trên băng đen chữ Nishi rời khỏi chữ Mura.
Đất mẹ Kim Lan từng làm nên cốt gốm Kim Lan từ hai ngàn năm nay. Đất và nước Kim Lan để nặn nên chiếc chậu đất da lươn để những bà mẹ cắt rốn cho con. Nay đất mẹ lại xà xuống nơi Nishi nằm nghỉ, ôm ấp đời đời cho giấc ngủ của Nishi.
Nishi chìm vào giấc ngủ đầu tiên trong lòng đất Kim Lan trong tiếng tụng kinh cầu nguyện của bà con Kim Lan
Cha ơi, con đi...Trong lời cảm ơn, bố của Nishi nói: Con trai tôi rất yêu Việt Nam. Đã có trên 20 năm gắn bó với Việt Nam. Vì vậy chúng tôi chọn Kim Lan là nơi các con tôi có nhiều gắn bó, làm nơi yên nghỉ cho Nishi.
Một giảng viên tiếng Nhật của ĐH Hà Nội, bạn của Gia đình Nishi
Đối với người Nhật, nước mắt thường lặn vào trong, và họ rất muốn giấu đi cảm xúc
Mẹ của Nishimura nghen ngào khóc thương nhưng không bật thành tiếng
Xin vĩnh biệt Nishimura Masanari trong nghẹn ngào đau thương!Xin hãy ở lại với Việt Nam, bên dòng sông Hồng thầm thì khúc hát của lịch sử ngàn năm và hãy phù hộ cho những lò gốm của làng Gốm cổ Kim Lan đang khôi phục được đỏ lửa luôn luôn!
Mong Nishino Noriko và các cháu hãy vượt qua tổn thất lớn lao này, đi tiếp con đường mà Nishi đã đi, đặt chân tới những di chỉ khảo cổ học mà Nishi chưa tới và những gì Nishi còn để lại cho những người đến sau!Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
Xem thêm các tin bài về lễ tang TS. Nishimura Masanari: Lễ tang đậm chất Việt của tiến sĩ khảo cổ học Nhật Bản (VNE)Hình ảnh: Lễ tang tiến sĩ Nishimura Masanari (VNE)VTV: Người bạn lớn của giới khảo cổ học Việt Nam qua đời
0 nhận xét:
Đăng nhận xét