Blogger Widgets

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

DÂN PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN CŨNG MUỐN TRẢ DANH HIỆU DI TÍCH

Dân phố cổ Đồng Văn muốn "trả danh hiệu di tích" 

NDĐT- Thông tin được Bí thư huyện ủy Đồng Văn, Hà Giang, ông Sùng Đại Hùng đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 19 (mở rộng) diễn ra hôm 8- 7, vẫn tiếp tục làm nhiều người quan tâm tới di sản phải suy nghĩ.

Tại Hội nghị này, ông Sùng Đại Hùng cho hay, hiện tại, những ngôi nhà cổ thuộc Di tích quốc gia phố cổ Đồng Văn đã bị xuống cấp rất nặng. Nhiều năm qua, người dân đã sống trong nỗi lo lắng không biết nhà đổ lúc nào. Chủ nhân những ngôi nhà cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư tu bổ, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Bởi thế, nhiều chủ nhân nhà cổ đã có ý kiến với lãnh đạo huyện "sang năm (năm 2014), nếu nhà nước không đầu tư tu bổ thì chúng tôi xin trả lại quyết định công nhận di tích và danh hiệu để tự sửa nhà cửa, chứ như thế này thì không sống được", ông Hùng kể.
 
Khu phố cổ Đồng Văn, Hà Giang bắt đầu được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, và định hình vào khoảng đầu thế kỷ XX với những dãy nhà trình tường ngói máng cao hai tầng bao bọc bộ khung làm bằng gỗ nghiến, hoặc lim. Đây là nơi cư ngụ của người Tày, Nùng và một nhánh người Kinh có họ Nguyễn từ dưới xuôi lên. Giữa các khu nhà bao bọc hình chữ U, cư dân xưa cũng đã cho dựng một ngôi chợ bằng đá và gỗ tương đối thấp, cũng lợp bằng ngói máng.

Qua thời gian, nhiều ngôi nhà ở khu phố cổ Đồng Văn đã bị xuống cấp, hư hỏng. Có nhiều cái, nay chỉ còn sót lại mỗi nền nhà. Số còn lại đều trong tình trạng cũ nát, rệu rã. Ngôi nhà thuộc loại cổ nhất ở Đồng Văn bây giờ đang được chống tạm bằng chiếc cột điện do chủ nhân nhặt ở nơi khác về.

Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị của khu phố cổ Đồng Văn, năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã xếp hạng phố cổ Đồng Văn là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Tuy nhiên, ngoài việc mang thêm vinh dự và một chút tự hào, người dân sống trong những ngôi nhà cổ ở phố cổ Đồng Văn vẫn không thoát khỏi cảnh nơm nớp lo sợ vì nhà cổ chưa được trùng tu.

Theo thống kê của UBND huyện Đồng Văn, hiện khu phố cổ chỉ còn khoảng 40 ngôi nhà cổ. Nhiều nhà trong số này đang ở trong tình trạng mục, mủn, cần được sửa chữa khẩn cấp. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, toàn bộ chủ nhân của các di tích nói trên đều có mức thu nhập thấp, không đáp ứng yêu cầu kinh phí trùng tu. Một số chủ nhà đã nảy sinh ý tưởng phá nhà cổ, xây lại nhà mới “vừa đơn giản, vừa tiện nghi, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế”.

Tại nhiều cuộc họp ở tỉnh, ngành văn hóa, thậm chí có cuộc còn có cả đại diện lãnh đạo bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tham gia như Hội nghị tổng kết năm 2011, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012, lãnh đạo huyện Đồng Văn đã báo cáo, đề nghị quan tâm trùng tu phố cổ nhưng đến nay, nhà cổ vẫn trong tình trạng... sắp đổ.

Ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Đến nay, ngành đã làm xong đề án trùng tu tu bổ Di tích phố cổ Đồng Văn, và đang chờ Hội đồng quốc gia thẩm định. Để chống xuống cấp, Sở đang xin chủ trương cho phép chọn doanh nghiệp tiến hành tu bổ cấp thiết khoảng 10 nhà. Còn chờ thẩm định thì phải đến hết năm 2014 vẫn chưa xong được”
  
QUANG TIẾN 
Nguồn: Nhân Dân
Vì sao phố cổ Đồng Văn đòi trả di tích?

TP - Bộ VHTT&DL dành cả ngày 10/7 cho hội nghị - hội thảo trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Trong khi đó, một số hộ dân huyện Đồng Văn (Hà Giang) lại có ý định học dân Đường Lâm trả lại di tích. 

Ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết, trong cuộc tiếp xúc cử tri cuối tháng 6 vừa rồi, khoảng chục hộ dân phố cổ đề nghị trả lại di tích, trong số 18 nhà cổ bị xuống cấp. “Nhà cửa xuống cấp nhưng cứ bắt họ giữ nguyên trạng. Họ đang đề nghị nếu không được đầu tư kịp thời thì sẽ trả lại di tích, để được xây mới”, ông Hùng nói. 

Mức độ xuống cấp đã thực sự nghiêm trọng? “Gỗ bị mục, cột bị mục, xà mọt, mái dột, xiêu vẹo, tường có hiện tượng sắp đổ. Chúng tôi vận động họ giữ gìn nguyên trạng cả chục năm nay chờ dự án, nhưng cứ chờ đợi hết năm này qua năm khác”, ông Hùng khẳng định. 

Được biết dự án trùng tu di tích cấp quốc gia phố cổ Đồng Văn có gần chục năm nay, nhưng vẫn trong khâu thẩm định. Hà Giang được hưởng hơn 7 tỷ đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tuy nhiên số tiền phân bổ để trùng tu di tích, đặc biệt là phố cổ chưa đến 1 tỷ đồng. 

“Theo quy định hiện hành, phải tiến hành chọn nhà thầu thi công, chắc chắc nguồn tiền hỗ trợ cho các nhà cổ sẽ không được bao nhiêu. Quan điểm của huyện Đồng Văn và nhân dân là để nhà nước và nhân dân cùng làm”, đại diện huyện Đồng Văn nói. 

Nguồn thu của người dân phố cổ Đồng Văn chủ yếu từ dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi. Tuy nhiên không đáng kể, bởi sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. “Nếu nhà cổ được đầu tư trùng tu, du khách có thể ở lại. Nhưng đến dân còn nơm nớp, sao khách dám ở”, ông Hùng chia sẻ.

Bên lề hội nghị, ông Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Giang cho biết, trong khi chờ đợi vốn từ chương trình mục tiêu năm 2013, từ giờ đến cuối năm, tỉnh bỏ ngân sách, cùng với tiền huy động từ một số doanh nghiệp để trùng tu khẩn cấp 10 căn nhà cổ nguy cơ cao nhất. “3 tỷ đồng sẽ không đủ, nhưng chúng tôi sẽ tôn tạo một số hạng mục xuống cấp trầm trọng trước, trong lúc chờ kinh phí từ T.Ư”, ông Kiên nói. 

“Phố cổ Đồng Văn nằm tại trung tâm Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang, nếu mất phố cổ thì không còn ý nghĩa nữa”, theo ông Sùng Đại Hùng. Ông nói thêm, người dân biết được trường hợp ở làng cổ Đường Lâm, nên cũng khá bức xúc. “Được cái người dân chấp hành tốt, chúng tôi lắng nghe, vận động dân rồi”, ông Hoàng Văn Kiên nói thêm.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, chương trình mục tiêu này chỉ mang tính hỗ trợ, địa phương phải có vốn đối ứng để thực hiện các dự án văn hóa. Với các địa phương mạnh như Huế thì “không nên chỉ trông chờ ở chương trình mục tiêu”. Ngược lại, theo nguyên lý các địa phương không có vốn đối ứng có thể bị cắt chương trình mục tiêu, tuy nhiên phải xét một số tỉnh thực sự khó khăn, cần tìm cách giải quyết. 

Đại biểu tỉnh Đăk Nông nêu ý kiến: Nhà văn hóa thôn, xã quy định rộng 1.500m2 và 200 chỗ ngồi, tiền giải tỏa ít nhất 1 tỷ đồng, xây cất cũng chừng ấy tiền, mà theo quy định chỉ cấp 300 triệu đồng thì không thể làm được. Hà Giang cũng trong tình cảnh tương tự. Huyện Đồng Văn có tới 99% ngân sách nhờ hỗ trợ từ T.Ư, lấy đâu ra vốn đối ứng? 

Câu hỏi trở lại nhiều lần trong hội nghị. Không ít đại biểu đề xuất, các chương trình mục tiêu còn ít, nhưng đầu tư dàn trải. Nên chăng cân nhắc đầu tư có trọng điểm, nhất là các dự án trùng tu di tích quan trọng. “Làm gì cũng phải ra tấm ra món”, một đại biểu nói. Ông Trần Văn Thông, Giám đốc Sở VHTT&DL Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: “Đầu tư chỉ 1 mà có sản phẩm phục vụ nhân dân, còn hơn để sau này đầu tư gấp 10 mà không hiệu quả. Càng chần chừ mới là lãng phí”. 

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 do Chính phủ phê duyệt, tổng kinh phí 7.399 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 3.231 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.116 tỷ đồng, vốn huy động 2.052 tỷ đồng. Sau 3 năm, ngoài một số thành tựu đạt được, các đại biểu đều cho rằng thời gian tới phải điều chỉnh để hiệu quả cao hơn.

HẢI TRUNG KIM
Nguồn:Tiền Phong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét