Blogger Widgets

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

NÓI THÊM VỀ SỰ THỰC "HỮU NGHỊ" VIỆT - TRUNG

Tác giả Phan Tất Thành (trái) và Chánh VP Huyện Hoàng Sa.

Kính gửi Bác Vĩnh,

Mọi người khi viết về bác đều ghi đủ họ và tên, nhưng cháu chỉ viết tên không phải vì thiếu lòng  kính trọng mà vì cháu coi bác – người bạn của cha cháu - như cha cháu.

Những  nhận định của bác về thế sự, những hồi tưởng của bác về quá khứ đã nhắc nhở con cháu rất nhiều và khơi dậy trong mỗi người về tình yêu đất nước. Hôm nay cháu đọc trên trang của Tễu đăng những ý kiến của bác về quan hệ Việt Trung, cháu viết bài này bổ sung cho những điều – theo cháu – bác chưa nói rõ, bác cho phép cháu bổ sung ý kiến này gửi các bạn đọc bác nhé.  (http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/04/tuong-vinh-vn-va-tq-khong-truyen-thong.html?spref=fb)

Tất cả ý kiến của bác Vĩnh là đúng, tôi muốn mở rộng và nhấn mạnh vài điểm gửi đến các bạn như  sau:

Những năm tháng gọi là có tình hữu nghị ấy, bề sâu ẩn chứa trong kế hoạch của Trung là “đẩy xa Mỹ ra khỏi biên giới ở phía nam, như để duy trì một khoảng cách với Mỹ ở Đại Hàn dân quốc bằng một miền đất gọi là Triều tiên, dùng người và đất ấy làm khu đệm an toàn cho Trung quốc”.  Ở Triều tiên cả hai phía bắc và nam Hàn, họ duy trì hiệp ước đình chiến ký ngày 27 tháng 7 năm 1953 đến tận ngày nay. Nhưng Việt nam ta đã chiến đấu, không chịu cảnh chia cắt như vậy, việc làm ấy đã không vừa lòng Trung quốc. 

Sự giúp đỡ trong những năm 50 đến 70 ấy, họ chỉ mong muốn làm suy kiệt đất nước ta, kìm hãm cuộc chiến đấu chứ không muốn chúng ta có thắng lợi cuối cùng. Họ không đồng ý cho ta đấu tranh vũ trang, họ khống chế ta chỉ được đánh cỡ trung đội. Kể cả đến tận cùng ngày 29 – 4 – 1975, họ vẫn còn nhờ Sứ quán Pháp tiếp cân Dương văn Minh, đề nghị bắt tay để họ giúp không cho Bắc Việt thể tiến vào Sài gòn. Ông Minh đã từ chối bằng câu nói để đời: “ Đã bán nước cho Pháp, cho Mỹ. Không lẽ lại còn bán nước cho Tàu “ để từ chối.

Đối với Việt nam, Mỹ và Trung quốc có thái độ khác hẳn nhau. Mỹ chỉ muốn áp đặt tư tưởng, hệ thống kinh tế xã hội của họ vào VN, còn TQ thì chỉ muốn biến VN thành quận huyện của họ. Điều khác nhau cơ bản trong cách giải quyết các mối quan hệ của ta với họ là như vậy.  Một VN hùng mạnh là cái gai trong mắt họ, họ chỉ muốn nhổ ra và bẻ gãy.

Họ đã đưa ra tín hiệu đồng ý cho Mỹ ném bom Hà nội, phong tỏa cảng Hải phòng năm 1972. Họ đã chăn các đoàn tàu chở vũ khí của Liên xô cho VN, chỉ cho quá cảnh với điều kiện họ được mở niêm phong ( ??? ). Chính đơn vị tôi, đánh xong mùa hè đỏ lửa ở Quảng trị thì được lệnh hành quân gấp ra Lạng sơn để nhận vũ khí mới (chuẩn bị đánh B52 ) do LX viện trợ. Lên đến Lạng sơn là ngày 25 -10 – 1972, cũng là ngày Nic xơn tuyên bố dừng ký hiệp định. Bên kia biên giới là các đoàn tàu Nga không được thông quan, chúng tôi đành nhận mấy trung đoàn pháo cao xạ của TQ. Và chúng tôi trong nỗ lực tận cùng đã dùng loại vũ khí chỉ bắn đến độ cao 5.000m để bắn B52, và các loại máy bay khác của Mỹ. Chỉ đến sau đêm 26 – 12 – 1972, sau 4 đêm B52 ném bom tan hoang thị trấn Đồng Mỏ ( cách Ải Chi lăng chừng 5 km về phía bắc ), đá vùi lấp toàn bộ cầu đường, TQ mới cho tàu hỏa Nga vào VN. Tên lửa Pechora ( SAM 3 ) không kịp triển khai thì Mỹ ngừng ném bom. TQ giúp Mỹ như vậy đấy. 

Tất cả những gì thể hiện tình đoàn kết chỉ là vỏ bọc, che giấu một sự thâm hiểm đến cùng cực. Tôi cũng có những năm học tập bên TQ, khi nghe họ nói câu “ như môi với răng “ đều phì cười và nói thêm khi bị đấm vào mồm thì dập môi, tóe máu chứ răng không sao cả. Ta như phên dậu của họ thôi mà. Nay thì bằng cách này cách khác, họ đang cương quyết biến mảnh đất ngàn năm này thành tỉnh Quảng Nam của họ, kẻ mù, câm, điếc cũng nhận thấy điều đó.

Trước kia thì họ đánh chiếm Hoàng sa, rồi tràn qua biên giới năm 1979 tận diệt dân ta, o ép, làm suy kiệt ta hàng chục năm. Đến năm 1988 họ nã pháo tàn sát các chiến sỹ Hải quân ta, cướp đảo ở Trường sa. Những năm 70 ta từng nói về “ đội quân thứ năm “ của TQ tại VN. Nay đội quân ấy đã và đang phát triển ở Tây nguyên – xương sống của đất nước, đe dọa sự tồn vong của dân tộc.

Với  quá khứ đau thương của những năm chống Mỹ, những chuồng cọp, những Phú quốc. Đặc biệt là Mỹ lai, tội ác của giặc Mỹ được ghi nhớ, được đưa vào bảo tàng, được dùng để dạy dỗ các thế hệ sau về tội ác, về sự dã man của quân Mỹ. Người Mỹ cũng không ít lần tỏ ra hối lỗi và có những hành động chuộc lỗi.Tất cả đều được ghi nhận và thường xuyên nhắc đến.  Nhưng những cuộc chiến với TQ, một phần của lịch sử đất nước này lại bị ém nhẹm một cách khó hiểu. Chính sự dấu diếm đó làm cho dân ta cảm nhận sự hèn nhát trong nhận thức của những con người giữ trọng trách của đất nước, kể cả sự hèn hạ của phía TQ. Những kẻ tự hào là quân tử tàu không dám ngỏ một lời nhận lỗi với chúng ta, trái lại còn bảo đó là tình hữu nghị. Và buồn thay phía ta công nhận cái hữu nghị ấy. Không biết rồi lúc nào sự tráo trở của truyền thông lại phải buông lời thóa mạ quân TQ xâm lược khi nó ra tay.

Thưa bác, thưa các huynh trưởng, vì quá bức xúc trước những gì đang diễn ra, Tất Thành mạo muội nói thêm một số điểm minh chứng cho ý kiến của bác. Còn để nói về giặc phương bắc thì từ cổ kim đều đã ghi nhận rằng “ trúc Nam sơn không ghi hết tội”. 

Hoặc các vị có thể google “Gửi đại úy Minh và báo Quân đội nhân dân “ để xem lại bài viết trên trang phantatthanh blogspot của tôi năm 2011. Trong đó tôi trình bày tỷ mỷ hơn về quân giặc này.

Kính mong mọi người cùng chia sẻ.
Kính chúc sức khỏe Bác.
Phan Tất Thành


0 nhận xét:

Đăng nhận xét