Blogger Widgets

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

GS. Trần Đình Sử: HỒ CHÍ MINH VÀ NGUYỄN THANH CHẤN


Bài thơ Vấn thoại của Hồ Chí Minh 
và vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn

Trần Đình Sử

Gần đây vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang phải ngồi tù 10 năm mà ông không hề có tội giết người đã chấn động dư luận xã hội. Mặc dù ông Chấn và gia đình đã kêu oan nhiều lần mà vẫn bị y án. Mãi đến khi người nhà ông Chấn điều tra, động viên người phạm tội ra đầu thú, thì ông Chấn mới được trả tự do. Từ vụ án đó, tôi bổng nhớ tới một bài thơ độc đáo của ông Hồ Chí Minh. Trong tập Nhật kí trong tù ông Hồ Chí Minh có bài thơ “Vấn thoại”rất đặc biệt, nó khác hẳn mọi bài thơ trong tập. Nếu các bài thơ khác hoặc kêu oan, hoặc tố cáo, hoặc phản ánh sinh hoạt trong tù, hoặc thể hiện ý chí gang thép, hoặc nỗi nhớ đồng chí trong nước, hoặc lấy lòng bọn quan coi tù… thì bài thơ này đứng riêng ra,  nó nói một vấn đề triết học xã hội, một chân lí phổ biến. Nó không còn là thơ trữ tình, mà là một bài thơ triết học duy nhất trong sự nghiệp thi ca của ông. 

Nguyên văn chữ Hán của bài thơ được phiên âm Hán Việt như sau:

Xã hội đích lưỡng cực,
Pháp quan dữ phạm nhân;
Quan viết: Nhĩ hữu tội,
Phạm viết: Ngô lương dân;
Quan viết: Nhĩ thuyết giả,
Phạm viết: Ngã ngôn chân;
Pháp quan tính bản thiện,
Giả trang ác ngân ngân;
Yếu nhập nhân ư tội,
Khước giả ý ân cần ;
Giá lưỡng cực chi gian,
Lập trước công lý thần. 
(Tài liệu đã dẫn, tr. 320)

Nhan đề bài thơ hiện có nhiều cách dịch. Báo Nhân Dân ra ngày 13 tháng 5 năm 1978 dịch là “Hỏi tội” thực ra là không đúng, Vấn thoại không phải là hỏi tội, mà dịch là “hỏi chuyện” thì chẳng liên can gì tới nội dung bài thơ. Bản dịch do Nxb Giáo dục cung cấp năm 1993 trong sách Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, dịch là “Lời hỏi” (tr. 321), đã sát hơn nhiều, nhưng chưa rõ tinh thần. Theo tôi có thể dịch là “Đặt câu hỏi” hay “Nêu vấn đề” sẽ làm rõ vấn đề hơn.

Bản dịch nghĩa bài thơ của nxb Giáo dục, tr. 321 như sau:

Hai cực của xã hội,
Quan tòa và phạm nhân,
Quan bảo: anh có tội;
Phạm nhân thưa: tôi dân lành;
Quan bảo : anh nói dối;
Phạm nhân thưa: tôi nói thật;
Quan tòa tính vốn thiện,
Lại hầm hầm giả làm bộ ác;
Muốn khép người vào tội;
Lại ra vẻ ân cần.
Giữa hai cực này,
Có thần công lý đứng.

Bài này đã được ông Hoàng Ngọc Hiến bình luận trước tiên trong sách Văn học học văn, in năm 1990, tr. 74 – 77. Ông Hoàng Ngọc Hiến cho rằng bài thơ phản ánh tòa án Tưởng Giới Thạch, thể hiện tình trạng tha hóa của quan tòa, do người vốn hiền lành, mà vì vai trò quan tòa là buộc phải khép người phạm nhân vào tội. Do ông dựa vào bản dịch sai của báo Nhân Dân ở câu cuối: “Giữa hai thái cực này, Đã dựng lên thần công lý rõ ràng.” Ông đã bình: “Thần công lý dựng lên rõ ràng giữa hai thái cực, có nghĩa là người xét xử không phải là người đại diện cho công lí. Thần công lí sẽ phán xét lại  người xét xử và người bị xét xử. Người lương dân sẽ được minh oan. Viên quan tòa sẽ bị lên án. Trao cho chúng ta mô hình công lí, tác giả chuẩn bị cho chúng ta một tâm thế, một quan điểm để phán xét lại tất cả những vụ xét xử bất công.” (Tài liệu đã dẫn, tr. 76). Phải công nhận rằng Hoàng Ngọc Hiến phân tích rất sắc sảo, phân biệt người quan tòa và vai trò của hắn là khép tội, hắn sẽ bị thần công lí xét hỏi. Tác giả cũng nhận thấy tay quan tòa khó hiểu. Nó vốn thiện sao lại làm bộ ác? Đã lương thiện sao lại giả ý ân cần để khép phạm nhân vào tội?

Theo tôi, bài thơ nêu vấn đề công lí trong xã hội lưỡng cực, một vấn đề rộng hơn nhiều. Quan tòa và phạm nhân là biểu tượng cho lưỡng cực xã hội. Quan tòa là biểu tượng của quyền lực, còn phạm nhân là biểu tượng người bị trị. Chính ông Hồ Chí Minh đã dùng chữ “xã hội dích lưỡng cực” cơ mà, đâu phải là lưỡng cực của tòa án? Ông Hoàng Ngọc Hiến đã vô tình hiểu hẹp ý nghĩa của bài thơ đi. Đây đâu phải chuyện quan tòa và phạm nhân trên phiên tòa xử án, mà là mô hình xã hội lưỡng cực. Quả vậy, nếu ta xem kĩ việc xử án ở trong bài thơ thì sẽ thấy hoàn toàn không giống với việc xử án trên thực tế tí nào.  Mà việc xử án đâu có chuyện giản đơn chỉ có quan tòa và phạm nhân kẻ nói qua, người nói lại như là hai gã cãi nhau tay đôi như vậy! Phải có nhân chứng, vật chứng, có luật sư bào chữa cho bị can. Sau đó mới đến phần luận tội rồi tòa mới tuyên. Trong xã hội lưỡng cực, người dân chỉ có quyền kêu oan, còn kết tội thì chỉ chức năng trời sinh của  quan tòa. Quan tòa vốn lương thiện, cớ sao ông ta giả bộ hầm hầm làm ác? Đó là vì vai trò của hắn ta là chỉ muốn buộc tội cho bị can, khép tội người lương dân. Hắn làm bộ ác, đánh đập dã man để dọa dẫm, ép cung, nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp thứ hai, muốn bắt phạm nhân nhận tội, thì lại giả bộ ân cần, quan tâm hoàn cảnh, số phận, gia đình, tương lai, con cái nạn nhân, rồi hắn mớm cung để đưa họ vào tròng tội lỗi lao lí. Dù làm bộ ác hay làm bộ ân cần quan tâm thì mục đích chỉ là một: khép người bị can vào tội…Điều lạ lùng là quan tòa trong bài thơ không bao giờ nghĩ đến trường hợp bị can vô tội. Họ không có khái niệm bị can vô tội.  Ai mới đọc qua bài thơ này, có thể nghĩ rằng ông Hồ Chí Minh uyên bác thế, mà ở đây có vẻ như đã dùng từ sai, không chính xác. Nếu người chưa thành án, thì chỉ là bị can, chưa có tội, thì đâu phải là phạm nhân. Chữ “phạm” ở trong bài thơ rõ ràng chứng tỏ ông cụ đã đồng nhất bị can với phạm nhân làm một là không đúng. Nhưng mặt khác, ông Hồ Chí Minh lại quả là rất thâm thúy, bởi vì trong xã hội phân lưỡng cực, mọi bị can đều đã là phạm nhân, cho nên đâu cần phân biệt làm gì cho mất thì giờ. Đây là điều cực kì sâu sắc. Bởi chính đây mới là sự bất công phổ biến, tất yếu của mọi xã hội lưỡng cực. Khi mọi bị can đều là phạm nhân thì cần gì phải xử án nữa, đâu cần công lí nữa? Vậy công lí đứng ở đâu?

Theo tôi, bản dịch trên báo Nhân Dân mà ông Hoàng Ngọc Hiến sử dụng là không chính xác: “Giữa hai thái cực ấy, Đã dựng lên thần công lí rõ ràng”, bởi trong nguyên văn không hề có chữ “rõ ràng” nào hết. Đó là người dịch tùy tiện thêm vào. Nguyên văn chỉ là: “Giữa hai cực ấy, Có thần công lí đứng”. Nhưng nói vậy thì ông Hồ Chí Minh có vẻ lại rơi vào mâu thuẫn. Bởi xã hội đã phân thành lưỡng cực thì thần công lí đâu có chỗ đứng. Theo tôi hiểu, trong bài thơ này, thần công lí vắng mặt, chứ không phải  là “thần công lí đã dựng lên rõ ràng”. Ông Hồ Chí Minh đã nêu ra một vị trí khuyết. Nếu đã có thần công lí đứng rõ ràng rồi thì xã hội đâu còn là lưỡng cực, mà đã là tam cực rồi, mà như thế thì việc xử án đã công minh. Cái bất hạnh của người dân là chỉ được ở trong xã hội lưỡng cực, mà đã là lưỡng cực thì không có chỗ cho thần công lí đứng. Ông Hoàng Ngọc Hiến nhầm lẫn sâu sắc ở chỗ này. Ông Hồ Chí Minh chỗ này lại cũng sâu sắc thâm thúy. Bởi “Thần công lí” chỉ là cái sương khói vô hình, nó đâu có thực thể, đâu có quyền lực. Ông thần có đứng ở đấy nữa thì cũng chẳng có tác dụng gì. Đó chỉ là hư vị để an ủi tinh thần và che mắt thế gian. Đúng hơn nó là một ước mơ. Ông Hồ đang ước mơ có một thần công lí ở đây. Nhưng vấn đề không phải  là thần. Phải là một cơ quan với con người thực thể có quyền lực xã hội thì nó mới giải quyết được công lí. Mà trong xã hội lưỡng cực nó lại vắng mặt. Thần công lí phải có vị trí xứng đáng trong cơ cấu xã hội. Ta phải hỏi tại sao ông Hồ phải ở tù oan tại Quảng Tây hơn một năm, trong khi đó tại tòa án Hương Cảng, ông được tha. Ta phải hỏi tại sao ông Phan Bội Châu lại được ân xá dưới tòa án của Pháp, chứ không phải của tòa án Nam triều. Công lí nằm trong cơ cấu xã hội, chứ không ở thần phật nào hết. Không có tổ chức xã hội tương ứng thì không có công lí.

Bài thơ dĩ nhiên là phản ánh suy tư của ông Hồ Chí Minh về thân phận lao tù, bị bắt oan ở phố Túc Vinh của mình với tư cách là người bị bắt, bị can, bị nghi là Hán gian mà chưa tìm được thần công lí. Nhưng cái lớn của ông trong bài này là đã vượt lên trường hợp riêng của mình để nghĩ đến tính phi lí của xã hội lưỡng cực. Bài thơ nêu một chân lí bất hủ về mọi xã hội lưỡng cực. Rất tiếc về sau ông cũng bị dư luận quy cho là người xây dựng và duy trì xã hội theo mô hình lưỡng cực mà có lúc ông đã có lúc rơi vào.

Đọc bài thơ Vấn thoại sâu sắc của Hồ Chí Minh ta hiểu rõ ông Nguyễn Thanh Chấn là nạn nhân của xã hội lưỡng cực, nhưng “thần công lí” của ông chẳng ai khác hơn là người vợ tao khang đã 10 năm ròng rả, không quản khó khăn, gian khổ, tìm được một cách hy hữu kẻ giết người đích thực để làm cơ sở kết thúc vụ án oan cho chồng. Nó chỉ là một may mắn hết sức ngẫu nhiên trong một xã hội lưỡng cực.

Hà Nội, 6-12-2013
Nguồn: Trần Đình Sử Blog

0 nhận xét:

Đăng nhận xét