Blogger Widgets

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

ĐỀ NGHỊ THỦ TƯỚNG CHỊU TRÁCH NHIỆM TRỰC TIẾP VỀ GIÁO DỤC

Giáo sư Hồ Tú Bảo:

Đề nghị Thủ tướng chịu trách nhiệm trực tiếp về giáo dục

Thu Hà

Tất nhiên Thủ tướng hết sức bận rộn, nhưng nếu người đứng đầu Nhà nước trực tiếp lo về giáo dục sẽ giúp giáo dục nhiều cơ hội để thực sự trở thành quốc sách - Giáo sư Hồ Tú Bảo giải thích.

LTS: Làm thế nào để thúc đẩy cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục lâu nay luôn là một chủ đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung then chốt được nhiều nhân sĩ, trí thức thời gian qua sôi nổi bàn thảo, góp ý với Đảng và Nhà nước. Để có thêm góc nhìn, Tuần Việt Nam trò chuyện với Giáo sư Hồ Tú Bảo, đồng tác giả Bản ý kiến của nhóm trí thức ở nước ngoài về việc đẩy mạnh cải cách để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Giáo dục chậm tiến do đâu?


Thưa giáo sư Hồ Tú Bảo, vì sao trong Bản Ý kiến gần đây các giáo sư người Việt sống ở nước ngoài lại một lần nữa nhấn mạnh vào vai trò của giáo dục?

Giáo sư Hồ Tú Bảo Bản Ý kiến "Cải cách toàn diện để phát triển đất nước" trình bày suy nghĩ của chúng tôi về nội lực Việt Nam và cải cách các lĩnh vực thiết yếu của đất nước: kinh tế, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục, và đối ngoại.

Nói một cách đại thể thì các lĩnh vực kinh tế, y tế, khoa học và công nghệ chủ yếu liên quan đến phần vật chất của một xã hội, văn hóa chủ yếu liên quan đến phần tinh thần, còn giáo dục là nền tảng của những lĩnh vực kể trên. Giáo dục nhằm đem tri thức đến cho các công dân, và do vậy chất lượng các lĩnh vực kể trên phụ thuộc vào chất lượng của giáo dục. Trong thời buổi kinh tế tri thức và khi khoa học và công nghệ đang thay đổi rất nhanh, một nền giáo dục chất lượng cao là mục tiêu tối thượng của nhiều quốc gia.

Theo tôi có hai điều cần nhấn mạnh. Một là chất lượng giáo dục của chúng ta còn thấp, chưa đáp ứng được vai trò nền tảng cho sự phát triển. Hai là giáo dục chưa được quan tâm và quyết tâm thay đổi và thực hiện, từ cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, như nó cần phải có. Điều này có lẽ do ảnh hưởng của giáo dục không dễ thấy và tác động của giáo dục không cấp bách như kinh tế chẳng hạn.

Làm công việc giảng dạy và nghiên cứu ở những nơi giáo dục đã thực sự là nền tảng của sự phát triển và luôn gắn bó với giáo dục Việt Nam, chúng tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh ý kiến của mình về vai trò của giáo dục trong sự phát triển của đất nước.

Giáo dục đã được các nhà hoạch định chính sách quan tâm nâng lên thành "quốc sách hàng đầu" cách nay gần 20 năm. Nhìn lại quãng thời gian từ bấy đến nay, giáo sư có những nhận xét như thế nào về chất lượng giáo dục, đào tạo của ta?

Tôi xin trích những nhận xét về tình hình giáo dục tại Việt Nam do cả nhóm nhận xét và phân tích trong Bản Ý kiến:

"Giáo dục là vấn đề được toàn xã hội Việt Nam quan tâm nhất từ nhiều năm nay. Từ cuối thập niên 1990 nhà nước đã đưa giáo dục lên quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế thì tình hình giáo dục ngày càng tụt hậu, sa sút, nhất là trong những năm gần đây. Một vài điểm nổi bật dễ thấy của giáo dục Việt Nam trong những năm qua như sau.

Một là chất lượng đào tạo sút kém, từ bậc phổ thông đến đại học và càng lên cao chất lượng càng yếu. Nhìn tổng thể, giáo dục Việt Nam chưa đào tạo đủ những người có kiến thức và năng lực để đáp ứng nhu cầu của phát triển đất nước. Nhân lực đào tạo ra ở cuối bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề còn ở khoảng cách xa với đòi hỏi thực tế của các ngành nghề và xã hội.

Hai là hệ thống giáo dục phổ thông gây ra nhiều hiện tượng làm bức xúc trong xã hội như tổ chức quá nhiều kỳ thi, lãng phí sức người, sức của; dạy thêm, học thêm tràn lan; chương trình giáo dục và sách giáo khoa luôn thay đổi nhưng chất lượng không được cải thiện. Ngoài ra, bệnh thành tích và các tệ nạn tham nhũng trong giáo dục hết sức phổ biến.

Ba là giáo dục đại học có chất lượng nói chung còn thấp, gần đây lại phát triển hỗn loạn với nhiều trường tư chạy theo lợi nhuận lại được cấp phép bừa bãi, không đáp ứng một quy hoạch có cân nhắc nào. Tình trạng nói trên dẫn đến hiện tượng "tị nạn giáo dục", khi những người giàu có ở Việt Nam, kể cả các quan chức, đều tìm cách cho con em ra nước ngoài học, thậm chí từ cấp phổ thông.

Bốn là bằng cấp trở thành mục đích, là cứu cánh của cả xã hội, và các tệ nạn học vẹt, học tủ, bằng giả, gian lận trong thi cử, ... không hề được bài trừ một cách kiên quyết. Nhiều quan chức bị tố cáo trên báo chí về việc dùng bằng giả hay gian lận thi cử rồi cũng được bỏ qua, thậm chí được bổ nhiệm chức vị cao hơn. Hiện tượng mua bằng, sao chép luận án, thuê viết luận án, v.v. đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức học đường nói riêng và toàn xã hội nói chung.


Năm là chế độ phong chức danh phó giáo sư và giáo sư ở đại học còn nhiều bất cập. Các tiêu chuẩn phong chức danh hiện nay không khuyến khích nhà giáo đại học hướng đến những nghiên cứu khoa học đích thực, có ý nghĩa mà thường làm những việc để dễ có "điểm" theo quy định không đâu có của việc phong chức danh. Ngoài ra, các chức danh này lẽ ra chỉ dành cho người giảng dạy đại học hoặc nghiên cứu khoa học, nay được phong ở nhiều ngành cho nhiều người vốn không có vị trí giảng dạy đại học hay nghiên cứu ở cơ quan khoa học, làm cho nhiều quan chức hành chính nhảy vào tham gia công việc của đại học một cách không thích đáng.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút của giáo dục đã được bàn luận rộng rãi, chúng tôi cho rằng các nguyên nhân sau đây là chính yếu.

Giáo dục của Việt Nam trong những năm qua thiếu một tầm nhìn chiến lược tổng thể; thiếu kiên quyết theo đuổi một triết lý giáo dục xác định; thiếu kế hoạch đồng bộ từ cơ cấu tổ chức đến triển khai các hoạt động giáo dục; ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục. Thêm nữa là nội dung giáo dục nặng nề, phương pháp dạy và học lạc hậu, chậm đổi mới; và trên hết là thiếu những người lãnh đạo ngành giỏi cùng một đội ngũ quản lý giáo dục hiệu quả. Những cố gắng thay đổi của ngành giáo dục trong những năm qua thường mang tính vụn vặt, chắp vá, nhiều khi do một vài quyết định vội vã và càng làm tình hình thêm rối.

Và, lương của giáo viên quá thấp làm họ không thể vô tư toàn tâm toàn ý với công việc. Do giáo viên phải tự bươn chải trong một xã hội cha mẹ sẵn sàng làm mọi việc cho sự học của con cái, nhiều tiêu cực đã nảy sinh, ảnh hưởng đến tư cách và hình ảnh người thầy, vốn là điều kiện tiên quyết cho thành bại của giáo dục".

Đề nghị Thủ tướng chịu trách nhiệm trực tiếp về giáo dục

Phát biểu của các nhà lãnh đạo đều quả quyết: "nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người", nhưng thực tế cho thấy nguồn lực này đã không bắt kịp ánh sáng từ cuộc đối mới do đảng khởi xướng. Vậy, theo giáo sư, cần phải làm những gì để nguồn lực con người Việt Nam đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của đất nước?

Đây thật sự là một câu hỏi lớn mà để trả lời cần nhiều nghiên cứu thấu đáo. Giáo dục là chuyện của mọi nhà và được bàn luận hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, nên hầu như mọi chuyện đều là "biết rồi, nói mãi". Trong một khuôn khổ hạn chế, chúng tôi chỉ nêu ra vài ý kiến như sau.

Về tổng thể, do tầm quan trọng và tình hình ngày càng xuống cấp của giáo dục, "chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách, theo sát việc triển khai các chiến lược, chính sách, và chịu trách nhiệm về kết quả của các cải cách lớn." Tất nhiên Thủ tướng hết sức bận rộn, nhưng nếu người đứng đầu Nhà nước trực tiếp lo về giáo dục sẽ giúp giáo dục nhiều cơ hội để thực sự trở thành quốc sách.

Về cải tổ giáo dục, "một trong những nội dung cải cách cấp bách phải là nâng cao vị thế của người thầy, bắt đầu từ đồng lương đủ sống và nuôi gia đình. Từ đó tiến đến việc thiết lập lại sự trung thực trong học tập và thi cử, trả lại tính trong sáng của tuổi trẻ cho học trò, tạo điều kiện cho những tài năng nảy nở. Một nội dung nữa là tôn trọng quyền tự do học thuật và tư tưởng ở đại học cũng như trong các hoạt động trí thức, văn hoá nghệ thuật, tạo ra sức thu hút đối với tuổi trẻ và qua đó giúp thế hệ trẻ có động lực phấn đấu mạnh mẽ, có ý thức công dân cao và hoài bão phát triển đất nước".

Về một số biện pháp cần làm ngay để giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, chúng tôi cho rằng cần "triệt để thực hiện miễn phí bậc tiểu học và trung học cơ sở (chậm nhất là đến năm 2015) và trung học phổ thông (đến năm 2020). Song song với việc nâng cấp các đại học đang có, cần có ngay kế hoạch xây dựng một hoặc hai đại học chất lượng cao, trong đó nội dung giảng dạy, cơ chế quản lý, và trình độ giáo sư cũng như tiêu chuẩn đãi ngộ tương đương với các đại học tiên tiến ở châu Á. Về các đại học và trường cao đẳng ngoài công lập, cần có biện pháp chấn chỉnh giải quyết ngay những nơi không đủ chất lượng và có quy chế để ngăn ngừa hiện tượng kinh doanh giáo dục hiện nay. Ngoài ra, cần ban hành các sắc thuế khuyến khích doanh nghiệp và những cá nhân có tài sản đóng góp vô vị lợi (chủ yếu là tặng không) cho sự nghiệp giáo dục. Những vấn đề này cũng cần có kế hoạch thực hiện cụ thể trước năm 2015.

Cần tăng cường mở rộng và xây dựng thêm các trường, các khoa liên quan khoa học tự nhiên và công nghệ, xây dựng nhiều trường cao đẳng công nghệ để cung cấp đủ lao động cho công nghiệp hoá trong giai đoạn tới. Hiện nay, một mặt, trong nhiều ngành, sinh viên tốt nghiệp ra truờng không có việc làm, trong khi một số ngành về công nghệ tin học, điện tử, hoá học, kế toán, nông cơ, v.v. thì nguồn cung cấp thiếu hoặc không đủ chất lượng. Chính sách sắp tới cần chú trọng đầu tư xây dựng thêm các ngành ở các lĩnh vực này và cải thiện chương trình, nội dung giảng dạy để nâng cao chất lượng.

Mặt khác, nhu cầu về lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng kỹ thuật, cao đẳng kế toán,... đang và sẽ tăng nhanh nhưng khả năng cung cấp còn rất hạn chế. Tâm lý coi thường bậc trung cấp và cao đẳng trong xã hội Việt Nam rất lớn. Cần có chính sách khuyến khích học tập trong các bậc học này, chẳng hạn tăng cường chế độ cấp học bổng và quan tâm giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường. Tóm lại, cần đổi mới thể chế giáo dục và đào tạo hiện nay mới có thể thực hiện toàn dụng lao động và đẩy mạnh công nghiệp hoá trong thập niên 2010".

Nếu nói thêm một ý kiến riêng, thì tôi cho là cần nhìn cải cách giáo dục theo quan điểm hệ thống, tức giáo dục chỉ có thể cải cách khi đồng thời cải cách những lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, ... Đây cũng chính là ý tưởng xuyên suốt của "Cải cách toàn diện để phát triển đất nước". Chẳng hạn chúng ta không thể giáo dục trẻ em sống tốt đẹp, có văn hóa nếu xung quanh cha mẹ chúng và rất nhiều người lớn làm những điều sai trái. Rồi cũng theo quan điểm hệ thống, cần xem xét để thiết kế lại tổng thể nội dung giáo dục, xuyên suốt các cấp học, điều hòa tất cả các môn học để đào tạo một cách thích hợp nhất các công dân tương lai.

Chỉ dựa vào "trồng cây gì, nuôi con gì" thì không tiến nhanh được

Đẳng cấp của một quốc gia mạnh, ngoài nguồn lực con người đã được đào tạo chất lượng cao còn bao gồm cả việc sở hữu khoa học và công nghệ tiên tiến. Giáo sư có nhận xét như thế nào về tình hình khoa học và công nghệ ở Việt Nam?

Bản Ý kiến đã thảo luận và nêu một số nhận xét về tình hình khoa học và công nghệ (KH&CN) ở Việt Nam. Ở đây tôi nêu thêm một số ý kiến nữa, giới hạn trong nghiên cứu KH&CN.

- Về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước. Từ hàng chục năm nay chúng ta đã luôn nói về vai trò then chốt của KH&CN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nhưng theo tôi KH&CN chưa thật sự đóng được vai trò đó. Tức trong những gì ta đã làm được đến nay, phần đóng góp của KH&CN còn hết sức khiêm tốn (không kể đến việc dùng các sản phẩm KH&CN nhập khẩu).

Năm 2008, lần đầu tiên thu nhập đầu người của Việt Nam vượt qua ngưỡng 1.000 USD, thoát ra được vị trí của nước thu nhập thấp. Đây là kết quả của thời đổi mới và dựa nhiều vào việc xuất khẩu tài nguyên khoáng sản. Nhưng đổi mới chủ yếu do chúng ta tháo cởi được những ràng buộc vô lý đã có lúc tự buộc vào mình, còn tài nguyên khoáng sản thì đào mãi sẽ đến lúc hết. Chúng ta chủ yếu vẫn sản xuất hàng công nghiệp gia công, nuôi trồng thủy sản, dùng nhiều lao động giản đơn và phụ thuộc sản phẩm trung gian nhập khẩu.

Yếu tố nào giúp ta có thể thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình là câu hỏi khó nhưng ta phải trả lời. Rõ ràng nếu chỉ dựa vào "trồng cây gì, nuôi con gì" thì cả nước không bao giờ tiến nhanh được. Nhìn vào những nước đã vượt lên được như Hàn Quốc hay Singapore, có thể thấy rõ họ đã làm được vậy do nhờ phần lớn vào phát triển khoa học và công nghệ. Ta chắc chắn cũng không có cách khác, vấn đề là làm sao để KH&CN thật sự là yếu tố then chốt đưa đất nước vượt lên.

- Cần thấy "cơ cấu" KH&CN của ta đang khác nhiều so với các nước phát triển, tức ở họ lực lượng nghiên cứu và nội dung KH&CN vừa có trong giới hàn lâm (đại học và các viện nghiên cứu công) vừa có trong giới sản xuất (như viện nghiên cứu của các tập đoàn công nghiệp lớn), thì ở ta KH&CN chủ yếu mới chỉ có trong giới hàn lâm. Muốn KH&CN góp phần vào phát triển đất nước, gây dựng lực lượng và đưa nghiên cứu KH&CN vào các lĩnh vực của sản xuất là một nhiệm vụ cốt yếu.

- Lực lượng và thành quả KH&CN của ta còn rất hạn chế và khoảng cách so với KH&CN tiên tiến trên thế giới còn rất lớn. Một hiện tượng rất đáng suy nghĩ là trong hàng chục năm qua nhà nước đã đào tạo rất nhiều cán bộ KH&CN, nhưng rất ít trong số này hoạt động khoa học được thật sự, còn số đông có "cuộc đời khoa học" không mấy kết quả. Sở dĩ vậy chủ yếu vì các nhà khoa học Việt Nam chưa có được môi trường KH&CN thích hợp để làm việc và sáng tạo.

Mới đây tôi nghe một giáo sư vật lý đầu ngành (đã về hưu) kể rằng nhiều bạn bè cùng thế hệ ông khi về già cảm luôn thấy tiếc và ngậm ngùi vì đã cống hiến cả đời cho khoa học, nhưng suốt mấy chục năm không làm được gì đáng kể do không có môi trường khoa học. Môi trường này gồm ba yếu tố cơ bản: trang thiết bị làm việc đủ tốt, lương đủ sống để tập trung cho công việc, các chính sách hợp lý kích thích tinh thần sáng tạo, dấn thân vì khoa học.

Chuyện có lương đủ sống và điều kiện làm việc đã được đề cập trong Bản Ý kiến. Đáng nói là nhiều chính sách và cách quản lý KH&CN chưa hợp lý đã làm ảnh hưởng nhiều phát triển của KH&CN. Đơn cử những quy định, tiêu chuẩn hiện nay về việc phong các chức danh giáo sư, phó giáo sư của ta không đề cao nghiên cứu chất lượng cao, do vậy đã không khuyến khích nhà khoa học hướng đến những nghiên cứu quan trọng và thách thức, có giá trị khoa học cao hoặc cần cho sự phát triển, mà dễ hướng con người đến những nghiên cứu dễ làm, những nơi dễ công bố để có đủ "điểm" thỏa mãn các tiêu chuẩn phong chức danh, vốn không có ở bất kỳ nước nào khác. Đây thật sự là những điều rất bất hợp lý đã được nhiều học giả góp ý hơn hai chục năm, nhưng không được thay đổi. Và không là chuyện nhỏ vì nếu không thay đổi, nó có thể làm chúng ta không bao giờ xây dựng được một nền khoa học đích thực cần cho đất nước.

Vậy theo giáo sư, chúng ta nên ứng xử với khoa học và công nghệ thế nào để nguồn lực này góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa?

Thật khó nói cái chuyện lớn này trong ít dòng, tôi chỉ nêu lên hai trong số nhiều điều cốt yếu.

Thứ nhất, kinh phí cho KH&CN phải được tăng lên một cách đáng kể. Tôi nhớ trong một phỏng vấn cách đây mấy tháng Bộ trưởng KH&CN nói đại ý cần đầu tư nhiều gấp 4-5 lần so với hiện nay thì mới kỳ vọng có được các sản phẩm khoa học xứng với mong mỏi của xã hội. Trong Bản Ý kiến chúng tôi cũng chỉ rõ điều này: "Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2006 chẳng hạn chỉ có 428 triệu USD, chiếm khoảng 0,17% GDP. Trong cùng năm, Thái Lan đầu tư 1,79 tỉ USD (0,3% GDP) và Malaysia 1,54 tỉ (0,5% GDP). Đáng chú ý là Trung Quốc đầu tư 1,4% GDP cho khoa học và công nghệ trong năm 2010 và đặt mục tiêu đầu tư 4% GDP vào năm 2015".

Thứ hai, cùng với tăng kinh phí đầu tư, cần thay đổi cách quản lý kinh phí và đề tài KH&CN. Nói ngắn gọn, chỉ cấp kinh phí cho những tập thể có khả năng làm nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, và yêu cầu họ làm ra sản phẩm xứng với "đồng tiền bát gạo". Chúng tôi cho rằng: "Hiện nay, các đề tài nghiên cứu cơ bản ở cấp nhà nước do các nhà khoa học xây dựng đã được quản lý khá tốt bởi Quỹ KH&CN quốc gia (Nafosted). Nhưng với các loại đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản xuất ở các cấp - do cơ quan chủ quản ra đề tài, kêu gọi các nhà nghiên cứu nộp đơn xin và các cơ quan chủ quản xét duyệt và thẩm định - lại chưa có sự tham gia đúng mức của các nhà chuyên môn. Vì lý do này nhiều đề tài nghiên cứu của các bộ ngành, địa phương đề ra không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế và nhu cầu thực tế."

Vài lời ngắn gọn và hy vọng khi có dịp sẽ thảo luận kỹ hơn.

Xin cám ơn giáo sư đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam!

Nguồn: Tuần Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét