Blogger Widgets

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Thơ Nguyễn Duy Xuân: NHÂN DÂN LÀ AI?

Nhân dân Hà Nội biểu tình phản đối TQ gây hấn. Hà Nội, 12.6.2011. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

NHÂN DÂN LÀ AI ? 
- thơ Nguyễn Duy Xuân

Ngài đại tá, tiến sĩ vô danh
Luận về hai chữ “nhân dân”
Khiến gỗ đá cũng giật mình sửng sốt
Ông múa bút nhân dân là một tầng, một lớp...
Cái tầng lớp đại diện cho quốc gia, dân tộc ?
Ô hô !

Chúng tôi tuy văn dốt vũ nhát
Chẳng được như ông vừa “tê ét”, vừa sĩ quan cao cấp
Nhưng chúng tôi cũng đủ trí lực để hiểu nhân dân là ai
Chín mươi triệu đồng bào đất nước tôi
Sao có thể tin ông ngồi trong phòng lạnh
Tự cho mình quyền phân chia thứ hạng
Và các ông là nhân dân hạng tót vời
Chẳng thèm để mắt ngó xuống
Biết bao nhiêu triệu triệu con người
Đang bươn chải ngày đêm kiếm sống
Tiền công chỉ đủ mua rau muống
Đâu dám mơ lên hạng, đổi đời

Xin hỏi ngài đại tá: - Họ là ai ?
Ôi, nhân dân của đất nước tôi
Đến cái tên chung cũng bị lấy mất rồi
Tôi còn biết gọi Người sao được nữa
Chín mươi triệu đồng bào yêu quý ơi ?

26-10-2011
Nguyễn Duy Xuân
 _________________________
Bài đọc thêm:
Người không danh hiệu
Phạm Chuyên
.
Trên đời này người mang danh hiệu là chuyện thường, cho dù đó là những danh hiệu thường hay là những danh hiệu cao quý. Về những danh hiệu ấy người ta có thể liệt kê không biết bao nhiêu mà kể.
Người không danh hiệu mới là của quý và cực kỳ khó nhận ra, khó phát hiện, khó định dạng định nghĩa. Mặc dù những người như thế đâu đó đang ở quanh ta, gần gũi với chúng ta. Và có những người không mang danh hiệu mà ta biết ơn đời đời. Không hiếm lắm những lúc trối trăng, người sắp khuất núi còn kể ra, còn dặn dò các con, các cháu, nếu có gặp người ấy, tên tuổi thì không được rõ, gương mặt thì thế này, đôi mắt thì thế kia, cái mặt thì thế nọ. Nhưng không có ở đó thứ mặt sắt đen sì, thứ môi thâm mắt trắng, thứ khô chân gân mặt, thứ cười mà nhạt cứ như nước ốc, thứ khi nói năng cứ thầm thầm thì thì, bàn tay thì che kín miệng, thứ nhìn đời bằng nửa con mắt.
Trối trăng như thế chỉ có những người có duyên lắm mới gặp được người không danh hiệu mà ông cha ta đã dặn dò. Người ấy có thể là cụ, là ông, là bà, là anh, là chị, là em… Người không danh hiệu cho ta nắm cơm khi ta đói lòng, cho ta một chỗ nằm ấm lòng vào giữa mùa đông. Cho ta một mái nhà yên ấm để ta học hành giữa lúc bom rơi đạn nổ.
Cho những gì nữa nhỉ. Một viên thuốc khi ta thập tử nhất sinh. Một vuông tã lót khi tấm thân ta đỏ hỏn giữa đất trời. Và cho ta hai thước đất để ta được ở bên cha mẹ ta, ông bà ta tổ tiên ta.
Chỉ ngần ấy thứ mà người không danh hiệu mang đến cho ta, đã khiến ta không được phép nói năng mà sàm sỡ rằng: Ta mới là người mà những người không danh hiệu phải nhớ ơn đời đời.
Đến cái độ không còn trẻ nữa, từ lòng mình, ta mới nhận ra, người không danh hiệu là ân nhân ngàn đời. Như tổ tiên ta, ông bà ta, cha mẹ ta… và những người nam, người nữ là anh em ta. Người không danh hiệu vì thế có một cái gì đó mà ta yêu thương, kính trọng và biết ơn.
Cảm xúc biết ơn nói gọn lại bằng mấy câu sau đây:
Biết ơn nhiều những đêm không ngủ
Đem bàng hoàng đem hốt hoảng về đâu.
Trời chưa sáng mà mặt người ngời sáng
Đêm tưởng dài đâu có dài đâu.

*Bài đã đăng trên tạp chí Văn Việt, số 30 năm 2011. 
Tác giả Phạm Chuyên là Thiếu tướng, nguyên GĐ Công an Tp Hà Nội.

Nguồn: tại đây.

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét