Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bản góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 của ông Lê Hồng Hà, người tham gia cách mạng từ trước 1945, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ và Chánh văn phòng Ủy ban Khoa học xã hội, cũng là người sớm có những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ và từng chịu những hệ lụy về nó trong một thời gian dài.Bauxite Việt Nam
1. Qua nghiên cứu lại 4 bản Hiến pháp trước đây của nước ta, trừ bản Hiến pháp năm 1946 là đúng đắn, còn 3 bản Hiến pháp sau tuy có nhiều điều tốt, nhưng cả 3 bản (năm 1959, 1980, 1992) đều mang nặng đường lối cách mạng XHCN thể hiện thể chế chính trị chuyên chính vô sản (theo Nghị quyết của Đại hội Đảng III, IV, VI, VII) tức là rất nhiều sai lầm.
2. Nội dung đặc trưng của đường lối xây dựng CNXH ở Việt Nam có thể tóm lại:
- Về kinh tế: kế hoạch tập trung, phủ nhận kinh tế thị trường, quốc doanh là chủ đạo, xóa bỏ kinh tế tư nhân.
- Về chính trị: là thực hiện chuyên chính vô sản, Đảng lãnh đạo độc tôn và Đảng lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin là thống soái, cán bộ, đảng viên và thanh niên đều phải học tập CN Mác – Lênin.
Đến Đại hội VI, có đổi mới chút ít, nhưng chỉ là nửa vời và vẫn một mực kiên trì Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Qua thực tế của các nước trên thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN cuối thế kỷ XX, đã chứng minh CNXH là sai lầm, mô hình CNXH Xô -viết là sai lầm, thế nhưng Đảng ta vẫn một mực phải đề cao CN Mác – Lênin, kiên trì đường lối XHCN ở Việt Nam.
3. Do mấy chục năm qua cả nước ta đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa sai lầm nói trên, nên đất nước ta lâm vào tình trạng suy yếu, xuống cấp về hầu hết các mặt của đời sống xã hội (không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, v.v. ) và tụt hậu so với nhiều nước xung quanh, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Chưa bao giờ lòng tin của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước ta thấp như ngày nay và tình hình nghiêm trọng tới mức trở thành nguy cơ lớn đối với sự sống còn của chế độ, của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyên nhân gốc rễ của tình hình ấy chính là do chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực Nhà nước và hệ thống chính trị đứng trên Nhà nước và pháp luật, đứng trên nhân dân, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp.
4. Để cứu đất nước ra khỏi tình trạng nghiêm trọng nói trên thì phải đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ độc tài Đảng trị sang Dân chủ, mà sửa đổi Hiến pháp là cơ hội tốt, là bước đi đầu tiên mở đường cho đất nước đổi mới toàn diện, phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
5. Đối với bản “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” tôi thất vọng vì nó không góp phần đổi mới căn bản thể chế chính trị, mà cố giữ lại toàn bộ những sai lầm của các bản Hiến pháp trước đây, nó không thể là cơ sở để xây dựng một bản Hiến pháp mới thực sự là của nhân dân.
6. Trong thư này, tôi đề nghị cụ thể một số vấn đề về nội dung:
a/ Không nên dùng cụm từ Nước CHXHC Việt Nam, mà nên dùng từ ông Hồ đã dùng: Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa…, vì mô hình XHCN là một mô hình sai lầm.
b/ Không nên đề cao chủ nghĩa Mác- Lênin, vì đó là một học thuyết sai lầm, không nên nói “dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin”.
c/ Bỏ điều 4 nói về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản vì Đảng chưa xứng đáng lãnh đạo việc xây dựng và phát triển đất nước (chưa kể những chính sách sai lầm như cải cách ruộng đất, cải tạo XHCN, đàn áp Nhân văn Giai phẩm), v.v.
d/ Quân đội phải trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, không được nêu quân đội trung thành với Đảng.
e/ Không nên đặt vấn đề Hiến pháp nước ta phải thể chế hóa cương lĩnh xây dựng CNXH của Đảng cộng sản Việt Nam.
L.H.H.Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét