GS Đào Trọng Thi:
Không nên lo ngại “chảy máu chất xám”
(LĐ) - Số 163 - Thứ năm 18/07/2013 17:50
Kết quả cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế của học sinh Việt Nam khiến chúng ta tự hào, nhưng làm gì để những học sinh này phát triển tài năng lại là câu chuyện khác. Có nên lo ngại hiện tượng sinh viên, nghiên cứu sinh không quay trở lại VN phục vụ đất nước? Xoay quanh những nội dung này, chúng tôi trao đổi với GS-TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh-thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội.
- Hiện tượng này thường gọi là “chảy máu chất xám”. Tuy nhiên, tôi không quan niệm như vậy và cho rằng không nên lo ngại việc này.
Bởi lẽ, chúng ta có thu hút được nhân tài đi nữa thì liệu có đất cho họ thi thố tài năng hay không? Đây là vấn đề chúng ta cần phân tích cho thấu đáo để có cách nhìn nhận, đánh giá cho chính xác.
Thứ nhất, nền kinh tế của chúng ta phát triển chưa cao, do đó việc sử dụng có hiệu quả những nhà khoa học có hàm lượng chất xám cao cũng bị hạn chế.
Thứ hai, khoa học kỹ thuật (KHKT) luôn phải đi trước, nhưng cũng phải có khoảng cách tương thích với nền kinh tế. Nếu chúng ta đưa ra yêu cầu quá cao của KHKT so với nền kinh tế là duy ý chí, là tự sát.
Thứ ba, chúng ta cứ đưa ra một số cơ chế đặc thù để ưu đãi người tài, nhưng không sử dụng hết năng lực của họ thì đó không chỉ là sự bất công, mà còn làm thui chột tài năng của họ.
Thứ tư, những nhà khoa học ở lại nước ngoài làm việc vẫn có thể trực tiếp hoặc gián tiếp có những đóng góp nhất định cho Việt Nam.
Như GS Ngô Bảo Châu là trường hợp điển hình, dù về Việt Nam chỉ là bán thời gian, nhưng đó lại là cầu nối quan trọng để có sự giao lưu giữa ngành toán học nước nhà với thế giới. Tôi cho rằng, chính GS Ngô Bảo Châu đứng “hai chân” như vậy lại đóng góp cho khoa học nước nhà còn tốt hơn là về hẳn Việt Nam. Mặt khác, tôi tin rằng chỉ 10-15 năm nữa sẽ có nhiều GS, nhà khoa học là Việt kiều sẽ về Việt Nam tìm cơ hội phát triển.
- Ngay từ thời kỳ ông làm Giám đốc ĐHQG Hà Nội, những lớp cử nhân tài năng đã rất nổi tiếng trên thế giới. Giờ nhìn lại, ông có những nhận xét gì?
- Nhìn chung, chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam còn khoảng cách lớn so với nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những lớp cử nhân, kỹ sư tài năng của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội... chất lượng cũng rất cao, được quốc tế công nhận, dù rằng sự đầu tư vật chất vào đây còn rất thấp so với nước ngoài.
Thời tôi công tác tại đây, mỗi năm ĐHQG chỉ tuyển khoảng 300 sinh viên cho các lớp này. Trong quá trình học, khoảng 1/3 số sinh viên đang học được các trường ĐH trên thế giới cấp học bổng cho du học. Số còn lại sau khi tốt nghiệp ĐH, một nửa trong số đó tiếp tục được các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới cấp học bổng để học cao học hoặc làm thẳng luôn nghiên cứu sinh. Số còn lại của các lớp cử nhân tài năng này được các trường ĐH, các viện nghiên cứu khoa học trong nước rộng mở cửa chào đón. Điều đó cho thấy, chất lượng đào tạo các lớp cử nhân, kỹ sư tài năng của chúng ta rất có uy tín.
- Kinh tế muốn phát triển nhanh, vững chắc phải có KHKT hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện rất ít học sinh giỏi chọn đi vào các ngành nghiên cứu khoa học?
- Bước vào con đường nghiên cứu khoa học là khó khăn, nhiều chông gai trắc trở và thu nhập thì ít hơn nhiều so với các ngành kinh tế. Điều đó không chỉ ở Việt Nam mà là hiện tượng chung với tất cả các nước trên thế giới. Khác chăng là, những nhà khoa học ở các nước tiên tiến có thể yên tâm làm khoa học, vì họ có đồng lương đủ sống ở mức trung bình. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều học sinh các lớp chuyên khi lên đại học thường chọn các ngành nghề dễ kiếm tiền hơn, như các trường ngoại thương, y, kinh tế...
Do đó, chỉ có những người thực sự say mê, hứng thú khám phá mới có thể theo đuổi đến cùng sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
- Xin cảm ơn GS!
Nguồn: Lao Động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét